Ở vùng trũng Hưng Nguyên, cách đây 40 năm, một ngôi trường được thành lập mang tên nhà chí sỹ yêu nước Phạm Hồng Thái. Ngôi trường ấy, dù trải qua bao gian khó, thử thách, ban đầu chỉ có “nứa, mét, tranh, tre” nhưng đã vươn lên, trở thành một điểm sáng về chất lượng giáo dục.
Kỷ niệm 40 năm thành lập trường, một chuyến trở về đã được tổ chức với sự có mặt đầy đủ của các thầy giáo nguyên là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các thầy giáo, cô giáo đã từng có nhiều năm công tác ở nhà trường. Chuyến đi này, mọi người cũng đã đến thăm những người nguyên là lãnh đạo của huyện Hưng Nguyên ở những năm 70 – 80 của thế kỷ trước.
Họ là những người đã cùng “đồng cam cộng khổ” với nhà trường trong nhiều năm và đã đưa ra những chủ trương thiết thực trong quá trình chỉ đạo xây dựng nhà trường như đề nghị thành lập trường, chuyển trường từ mảnh đất núi Nhón – chân núi Châu Sơn (xã Hưng Châu) về với khu vực cánh đồng Vương. 40 năm đã trôi qua, nhìn lại những thành tựu hôm nay, càng thấm thía hơn câu nói “hợp lòng dân”.
Trường THPT Phạm Hồng Thái, bắt đầu được hình thành từ năm 1976 sau khi tỉnh có quyết định thành lập thêm một phân hiệu của Trường THPT Lê Hồng Phong tại xã Hưng Châu. Đây cũng là xu hướng chung của tỉnh ta khi bấy giờ khi nhiều địa phương có xu hướng dời dân, dời trường lên đồi. Nói như vậy cũng để thấy, xuất phát điểm của Trường THPT Phạm Hồng Thái không dễ dàng bởi so với nhiều ngôi trường ở vùng thuận lợi khác, vị trí dạy học, quy mô của “điểm lẻ” không thuận lợi.
Những ngày mới đi vào hoạt động, trường chỉ có 2 dãy phòng cấp 4, mỗi dãy 6 phòng học và 2 phòng dùng làm phòng chờ giáo viên, họp hội đồng và phòng thư viện. Hầu hết các phòng học là do phụ huynh các lớp tự đóng tranh tre, trát tường đất và sau mỗi một năm học lại phải dựng lại một lần vì hư hỏng. Mô hình điểm trường lẻ, phân hiệu của Trường THPT Lê Hồng Phong từ năm 1976 đến năm 1979. Lúc này, vì quy mô của trường đã tăng nhanh từ 6 lớp lên 18 lớp nên huyện Hưng Nguyên đã trình Ty Giáo dục cho thành lập thêm trường cấp III. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn về trực tiếp thẩm tra ở trường. Lễ công bố Trường cấp III Phạm Hồng Thái được tổ chức vài tháng sau, đúng vào mùa Xuân năm 1979. Thầy giáo Phạm Quý Hùng là hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường.
Việc thành lập Trường cấp III Phạm Hồng Thái lúc bấy giờ có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi trường đóng ở vùng Nam Hưng Nguyên với phạm vi tuyển sinh là học sinh thuộc 7 xã vùng khó, vùng lũ của huyện Hưng Nguyên. Vì thế, một ngôi trường mới được thành lập ngay tại trung tâm các xã và mang tên Phạm Hồng Thái – người con anh dũng của quê nhà đã tạo thuận lợi cho con em trong vùng đến trường và góp phần quan trọng để khích lệ sự học ở vùng quê vốn nhiều lam lũ này.
Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, thầy giáo Phạm Quý Hùng chưa quên những ngày vất vả, khi thầy cô đa phần là ở Vinh nhưng ngày ngày vẫn đạp xe “từ thành Vinh về đất Châu Sơn/ Mang sau xe những hình, những đại”. Tháng 4/1983, huyện Hưng Nguyên đồng ý, phê duyệt để trường chuyển từ vùng núi Nhón về khu đất rộng 3,6 ha ở cánh đồng Vương hiện nay. Trước đó, 3/4 diện tích dành để làm khuông viên nhà trường chủ yếu là ao hồ, đất trũng của khu lò gạch cũ của xã Hưng Châu nên sau khi về địa điểm mới, nhà trường cùng với hàng trăm người dân địa phương đã chung sức đào đắp hàng ngàn khối mét đất để làm mặt bằng. Tất cả đều được vận chuyển bằng xe tay, quang gánh. Sau này, cũng từ những đôi tay này, bằng những bàn tay lao động hướng nghiệp của thầy và trò, trường lại tự sản xuất gạch, ngói, vôi, khai thác đá, sỏi để kiến thiết, xây dựng trường.
Nhớ về giai đoạn này, thầy giáo Lê Tiến Hưng – nguyên là Hiệu trưởng nhà trường nhiều lần đã tự hỏi, vì sao một công việc to lớn thế mà nhà trường có thể làm được. Nhưng rồi câu trả lời không quá khó bởi có “sự đồng lòng, ý chí, quyết tâm, nghị lực vượt lên gian khó của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, các học sinh và đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh đã luôn ủng hộ và tin tưởng vào nhà trường”. Hạnh phúc hơn nữa là dù có nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò nhà trường vẫn dạy tốt, học tốt, đạt được nhiều thành tích trong giáo dục.
Đây cũng là nhiệm vụ xuyên suốt mà nhà trường đã thực hiện kiên trì trong suốt 40 năm qua và càng đặc biệt chú trọng hơn trong giai đoạn này, khi mà yêu cầu của xã hội về giáo dục ngày càng cao. Để làm được điều đó, nhà trường chú trọng vào đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện nay, Trường THPT Phạm Hồng Thái có 18 lớp với 723 học sinh, tọa lạc trên khuôn viên rộng 3,5 ha. Cơ sở vật chất khang trang với hai dãy nhà 3 tầng, một dãy nhà 2 tầng và đầy đủ các phòng học thực hành, phòng thí nghiệm, phòng dạy tin học, phòng học sử dụng máy chiếu… các phòng chức năng, phòng làm việc có đầy đủ trang thiết bị. Hệ thống sân chơi, bãi tập, vườn hoa, vườn cây bóng mát thoáng rộng tạo nên một cảnh quan sư phạm xanh – sạch – đẹp.
Chất lượng giáo dục của trường được nâng lên một cách rõ rệt khi số lượng giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên đạt sáng kiến kinh nghiệm bậc 4, cấp ngành, giáo viên có trình độ Thạc sỹ ngày càng tăng. Thật vinh dự và tự hào, khi từ năm 2013, Trường THPT Phạm Hồng Thái là ngôi trường THPT đầu tiên của huyện Hưng Nguyên được công nhận trường chuẩn quốc gia. 40 năm qua, từ mái trường này đã có 11.723 học sinh tốt nghiệp ra trường. Nhiều học sinh đã trở thành người lao động giỏi trên quê hương, trong nhà máy, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp hành chính… Nhiều học sinh ưu tú đã trở thành sỹ quan công an, quân đội, các nhà khoa học, nhà giáo, thầy thuốc, cán bộ chủ chốt của các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, thành danh và thành đạt trong các lĩnh vực…
Trong thời điểm hiện tại, với yêu cầu và nhiệm vụ mới, nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu trở thành học sinh giỏi, định hướng nghề nghiệp cho học sinh để các em chọn đúng hướng đi phù hợp sau khi ra trường.
Song song với đó, giáo viên trong trường cũng mạnh dạn trong việc đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, đẩy mạnh việc nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường dạy học gắn liền với thực tiễn và quan tâm chăm lo việc giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, giá trị sống cho học sinh. Từ các phong trào này cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo luôn nỗ lực, sáng tạo, có ý thức tự học, tự bồi dưỡng. Điều đó cũng góp phần xây dựng một môi trường sư phạm lành mạnh, đoàn kết gắn bó, biết yêu thương san sẻ đùm bọc lẫn nhau, tạo điều kiện cùng nhau tiến bộ.
Nhìn lại những thành quả đã đạt được 40 năm qua của Trường THPT Phạm Hồng Thái, các thầy giáo, cô giáo hôm nay càng trân trọng hơn những điều tốt đẹp mà lớp lớp giáo viên, học sinh và những người đi trước đã dựng xây. Nói về điều này, cô giáo Hồ Thị Hà – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Sự trưởng thành của nhà trường trong suốt 40 năm qua được bắt nguồn từ sự lãnh đạo, quan tâm, giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, HĐND, UBND qua các thời kỳ, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Nhà trường cũng thực sự cảm ơn bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, của các bậc cha mẹ học sinh và các tổ chức xã hội. Chúng tôi cũng tin rằng, những thành công sẽ là động lực để tập thể nhà trường tiếp tục vươn lên, cố gắng dành được nhiều thành tích trong dạy và học, xứng đáng với sự kỳ vọng của phụ huynh, học sinh, của chính quyền địa phương, xứng danh ngôi trường mang tên liệt sỹ Phạm Hồng Thái trên quê hương Xô viết Anh hùng – tên anh đẹp mãi tên trường”.