Từ điểm cầu Bến Thủy, Sông Vinh uốn khúc ấp ôm núi Dũng Quyết, luồn lách xuyên qua các vùng đất Trung Đô, Vinh Tân, Cửa Nam… như một dải lụa mềm với đôi bờ xanh tuyệt đẹp. Nhưng sẽ là trái ngược, nếu đi dọc Sông Vinh theo hai bờ đê cao, đê thấp. Những đẹp đẽ, thi vị, nên thơ không còn nữa…
Bạn tôi từng viết về sông Vinh với tiêu đề “Trong đục dòng Vĩnh Giang”. Để viết được, anh đọc nhiều. Để hiểu sông Vinh có chiều dài 5,8 km, là đoạn cuối cùng của Kênh Nhà Lê nổi tiếng gắn với bao nhiêu biến thiên, thăng trầm của vùng đất xứ Nghệ với cùng lịch sử đất nước. Để đọc ra vanh vách những cây cầu xưa cũ nối hai bờ Bắc – Nam sông Vinh như Tùng Binh, Cửa Tiền, Đường Sắt; những địa danh sông uốn lượn chảy qua, từ Hưng Chính, Cửa Nam, Vinh Tân, Trung Đô và điểm cuối, ba ra Bến Thủy, rồi từ đây sông Vinh nhập cùng dòng Lam xanh, xuôi ra biển lớn. Và để biết sông Vinh, còn có nhiều những tên gọi khác nhau Cồn Mộc, Mới, Cửa Tiền, Vĩnh Giang.
Anh nói, yêu nhất Vĩnh Giang. Bởi tên gọi này gắn liền với mảnh đất Kẻ Vĩnh xưa. Thời xưa đó, vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp đến vùng đô thị Vinh xưa thì đã cho xây dựng tòa công sứ phía Tây ngoài thành Nghệ An trên làng Yên Vinh sát với chợ Vĩnh (tiếng Nghệ còn gọi là chợ “Vịnh”). Cũng do người Pháp không nói (đọc) được các chữ có thanh dấu nên dần dà, chợ Vĩnh bị gọi chệch thành “Vinh”, và trong tất cả các văn bản hành chính lúc bấy giờ đều sử dụng chữ “Vinh” khi nói về thị xã nhỏ bé này. Cũng bởi thế Vĩnh Giang từ là tên gọi Hán Việt đã thuần Việt hóa thành sông Vinh.
Để viết về sông Vinh, anh còn đi nhiều, nghe nhiều. Tìm đến những người lớn tuổi sống tại những căn nhà lúp xúp trong xóm Thái Lan phía sau chợ Vinh; rảo bộ suốt đường Hồ Hữu Nhân để gặp những gia đình thuộc xóm Yên Giang sống kề cận ven sông hàng 40 – 50 năm ròng… Góp nhặt, ghép từng mẩu chuyện, như anh kể, tất cả đều hoài niệm về dòng Vĩnh Giang êm đềm cuối thế kỷ trước. Đẹp đến thi vị nên thơ, và là nền tảng tạo ra sức sống đô thị Vinh, chứ không phải như bây giờ. Anh nói: “Cái “bây giờ” ấy cũng đã bao năm mà nay vẫn chưa thay đổi được gì nhiều…”.
Một tài liệu mới nhất do cơ quan chức năng thực hiện, sông Vinh có bề rộng lớn nhất 70 m, đoạn lòng sông hẹp nhất là 19m. Để có cái nhìn toàn cảnh, tôi nhờ bạn, nhiếp ảnh gia Thành Cường sử dụng flycam lấy trọn sông Vinh từ trên cao. Ghép những bức hình, từ cầu Bến Thủy cho đến điểm cuối, nơi sông Đào, sông Đước, sông Vinh tụ hội thành ngã ba sông. Sông Vinh uốn khúc ấp ôm núi Dũng Quyết, luồn lách xuyên qua các vùng đất Trung Đô, Vinh Tân, Cửa Nam… như một dải lụa mềm với đôi bờ xanh ngát. Dẫu lòng sông không đều, có đoạn phình lớn, có đoạn thắt eo, nhưng quả là tuyệt đẹp. Đẹp của dáng hình, đẹp của địa thế, đẹp như thể được tạo hóa cố tình nhào nặn, sắp đặt, quy hoạch giúp cho đô thị Vinh vậy.
Nhưng dọc theo hai tuyến đê, đê cao là bờ Bắc, đê thấp là bờ Nam, từ Trung Đô, ngược Vinh Tân, Cửa Nam đến điểm cuối Hưng Chính, đôi bờ sông Vinh đầy rẫy những hình ảnh trái ngược. Như có sự vô tâm, như dửng dưng, thậm chí, như vô cảm muốn xô lấp, xóa nhòa sông Vinh vậy.
Triền đê thấp là mạn bờ Nam từ Hưng Thái, Hưng Mỹ kéo xuống Hưng Lợi, từng là phạm vi quản lý của huyện Hưng Nguyên. Năm 2005, huyện Hưng Nguyên có khảo sát, lập dự án đầu tư cải tạo với cao trình 4,53 đến 4,5m, bề rộng 4,5m. Nhưng đê thấp qua vùng Vinh hiện tại, chỉ hiển hiện, nhô lên ở khu vực cầu Tùng Binh của phường Vinh Tân kéo xuống Trung Đô với đầy những khoảng thấp, cao loang lổ. Phần còn lại, như xóa nhòa trong các vùng dân cư, các khu đô thị mới…
Còn với đê cao mạn Bắc sông Vinh, khá hơn nhờ được đầu tư đã trở thành một tuyến đường với tên gọi Đường bao sông Vinh. Nhưng suốt chiều dài từ phạm vi núi Dũng Quyết đến hồ cá Cửa Nam, thật còn hiếm gặp những gì gọi là văn minh đô thị, mà phần đa còn lỗ chỗ đến nhem nhuốc bởi cây bụi, lau lách, bởi rác thải, và còn bởi không ít điểm bốc lên mùi xú uế…
Sông Vinh nay không còn nhộn nhịp những hình ảnh trên bến dưới thuyền. Dù thuyền vẫn còn đó, khoảng dăm ba chục chiếc. Chúng cũ, nhỏ, vá víu gắn với những phận đời trôi nổi cùng sông.
Đóng “đô” ở lưng chợ Vinh, thuộc địa bàn phường Vinh Tân là những người dân sông nước đến từ tỉnh Quảng Bình. Như Bí thư Đảng ủy phường Vinh Tân, anh Nguyễn Hoàng Minh cho biết thì họ đến đây đã vài chục năm. Kế sinh nhai của những người dân xứ cát trắng Quảng Bình là hàng ngày trôi nổi trên sông để đánh bắt cá. Về đêm, vợ, chồng, con cái tá túc trên những túp lều cũng vá víu như những chiếc thuyền, được dựng lên sát bờ Nam, thuộc khối Yên Giang. Cuộc sống của họ, có thể nói là “tha phương cầu thực”. Chút may mắn cho họ, là con cái được các nhà trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của phường Vinh Tân giúp đỡ, cho theo học.
Còn ở địa phận phường Cửa Nam, cũng cảnh sống tương tự, có dăm hộ dân vạn chài gốc xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên. Những người dân vạn chài Hưng Lam bám rễ bên bờ Bắc, ngay sát với khu vực Nhà thờ Cầu Rầm đã được vài chục năm trời. Tuấn Anh, một thanh niên có gốc Hưng Lam cho biết, anh sinh ra ngay trên sông Vinh. Trước đây, khi các điểm kinh doanh cát khu vực cầu Cửa Tiền chưa bị di dời, bố mẹ Tuấn Anh là những người vận chuyển cát trên sông. Nhưng nghề này đã phải bỏ đến cả chục năm trời, khi các bến cát được chuyển lên mãi tận Hưng Đông. Thế nên, đành vào chợ Vinh làm “phu” bốc vác, và xuôi ngược sông Vinh kiếm con cá, con tôm. Tuấn Anh nói rằng gia đình anh cũng làm các thủ tục về hộ khẩu để “được ở”. Nơi ở, như những người dân Quảng Bình, gia đình cùng các những hộ vạn chài gốc Hưng Lam cũng dựng lên những chiếc lều ven sông để có chỗ tránh trú về đêm.
Hỏi chuyện mưa lũ lớn triền miên ngày 16/10, Tuấn Anh nói ngày ấy nước sông dâng cao ngập băng nhà, dòng nước chảy xiết. Toàn bộ những chiếc lều là những chiếc cọc tre, ghép sàn bằng những đoạn gỗ cốt pha mỏng, bình thường vốn mỏng manh, chấp chới bên bờ sông, khi nước lớn thì cuốn trôi toàn bộ. “Lều lán này làm lại sau lũ cả đấy…” – Tuấn Anh nói, mà mặt không hề đổi sắc. Thể như đời vạn chài, chuyện mưa lũ vốn dĩ thường tình. Mà thật thế, bởi như cô bé Nguyễn Thị Hồng Ngọc, 12 tuổi, học sinh Trường THCS Cửa Nam, đời thứ ba của dân vạn chài gốc Hưng Lam sinh sống trên sông Vinh cũng chẳng chút mảy may lo lắng khi bị lũ cuốn mất lều. Ngọc còn cười khi được hỏi, và nói: “Mưa lũ lớn thì cháu lên thuyền…”.
Học bạn, tôi cũng rảo dọc đường Hồ Hữu Nhân để thăm một số gia đình xóm Yên Giang sống bên bờ sông Vinh; tìm vào những căn nhà lúp xúp của những gia đình Việt kiều Thái Lan mạn dưới cầu Cửa Tiền; lên cả khu vực các khối 2, khối 10 của phường Cửa Nam, nơi có nhiều gia đình dựng nhà sát với sông Vinh… Nhiều, nhiều lắm những câu chuyện xưa, nay. Nhưng chung nhất là chuyện môi sinh, môi trường sông Vinh bị rác thải, nước thải hủy hoại; và chuyện quyền sử dụng đất bị hạn chế được họ kể ra trong tâm trạng khắc khoải, đợi chờ.
Nước sông Vinh là nguồn nước sông Lam. Theo ba ra Nam Đàn, xuôi sông Đào qua Nam Đàn, Hưng Nguyên, về đến vùng đô thị Vinh thì ô nhiễm. Đây là điều đã được khẳng định, và là nỗi lo chung chứ không chỉ đối với những hộ dân sống dọc bờ sông. Nhưng chuyện về quyền sử dụng đất của họ thì thật là đáng đề cập. Bởi những hộ dân định cư ven sông vốn từ đã rất lâu, nhà cửa xuống cấp, con cái lập gia đình… nên nhu cầu tách thửa đất, sửa chữa xây dựng mới là rất lớn, lại không được phép vì vướng quy hoạch. Họ nói rằng hai bên sông Vinh đều có quy hoạch đường, hệ thống cây xanh tạo cảnh quan đô thị…; khi nhà nước thực hiện quy hoạch, sẽ phải di chuyển, hoặc sẽ mất đi một phần lớn đất. Vậy nhưng “treo” quy hoạch lâu quá, nên mong nhà nước quan tâm…
Làm rõ hơn điều này, Bí thư Chi bộ khối Yên Giang, ông Hoàng Đình Trì thẳng thắn rằng riêng khu vực này đã có đến 40 hộ dân đang bức xúc. Vì trong khi người dân thì vướng quy hoạch, bị hạn chế quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư lại được tỉnh cho phép chuyển đổi đất cây xanh, dịch vụ ven sông để chia lô đất ở, xây dựng nhà cửa sát sạt bờ sông. “Những chuyện này nào đâu phải mới. Đã đơn từ kiến nghị lên phường, lên thành phố, và cả HĐND tỉnh. Nơi nào cũng bảo chờ tỉnh trả lời, nhưng cũng đã lâu rồi mà chưa thấy hồi âm…”, ông Hoàng Đình Trì thổ lộ.
Quả thực, những trăn trở thẳng căng như mực tàu của Bí thư Chi bộ khối Yên Giang là xác đáng. Bởi những liên quan lồ lộ, là khoảng hơn chục dinh cơ đồ sộ, có hệ thống móng, bờ kè đè nghiến sông Vinh, khiến chẳng thể nào ai có thể phản bác được…
Những lặng buồn từ hai triền đê cao, đê thấp sông Vinh bất chợt sáng lên khi tôi chạm được thông tin về Dự án phát triển đô thị bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vinh. Dự án này, để làm được như tên gọi, sông Vinh sẽ được quan tâm, cải tạo với kinh phí lên đến dăm chục triệu USD. Sẽ nạo vét lòng sông, xây dựng bờ kè, đầu tư nâng cấp, xây dựng hai tuyến đường quản lý, đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng, xây dựng cảnh quan, trồng cây xanh dọc theo hai tuyến đường… “Tỉnh vừa tổ chức họp các sở, ngành liên quan để cho ý kiến về dự án này. Nếu thành công, với nguồn vốn từ nhà tài trợ là Ngân hàng thế giới, sông Vinh sẽ được cải tạo như thành phố đã từng làm ở Kênh Bắc, Hào Thành cổ…”, một người bạn làm công tác đô thị thành phố hào hứng tiết lộ.
Tôi cũng đã trò chuyện với một số người công tác tại cơ quan thủy lợi, đê điều của tỉnh để có cái nhìn sông Vinh đủ rộng. Đáng mừng, suy nghĩ của họ về sông Vinh không còn đơn thuần bó hẹp trong giới hạn tưới, tiêu, vận tải thủy. Như Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Thủy lợi – Sở NN&PTNT), anh Trần Quốc Toản tâm sự: “Sông Vinh vẫn sẽ giữ vai trò dẫn nước tưới tắm cho các vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên…; vẫn tiêu thoát nước cho một phần lớn diện tích của thành phố. Nhưng giá trị của sông Vinh sẽ lớn hơn nhiều nếu được quan tâm đầu tư cho thích đáng và khoa học…”.
Những giá trị, lợi ích sẽ khai thác được từ việc “đầu tư cho thích đáng và khoa học” mà anh Toản nói ra, thực dễ hiểu. Bởi trong lòng đô thị nếu có được một dòng sông, luôn quý biết dường nào. Bởi nếu có được, rất dễ dàng tạo nên những điểm nhấn tạo mỹ quan đô thị, tạo được sự giao thoa thú vị, nâng cao giá trị đất đai, rồi điều hòa khí hậu, thay đổi được môi sinh, môi trường… Nghĩ rằng, rồi sẽ phải có sự đổi thay. Và sẽ sớm thôi, chứ sao để người dân, để sông Vinh mãi khắc khoải, đợi chờ…