Tôi tìm đến xã Hưng Long (Hưng Nguyên) vào thời điểm người dân nơi đây đang chộn rộn bước vào “cuộc canh tân” sáp nhập. Hưng Long sẽ sáp nhập với xã “hàng xóm” Hưng Xá để hình thành nên đơn vị hành chính mới có tên “Long Xá”. Nhưng điều tôi quan tâm không chỉ là câu chuyện sáp nhập xã, xóm mà thực lòng muốn tìm hiểu xem mảnh đất từng được biết đến là một điểm đen về tệ nạn và tội phạm ma túy giờ đây như thế nào.
Được Trưởng Công an xã Hưng Long Võ Công Khanh giới thiệu, tôi tìm đến xóm 12.
Nằm ngoài đê Tả Lam, xóm 12 chẳng khác nào một ốc đảo, phía Nam là sông Lam, phía bắc ngăn cách với tuyến đê bởi một con lạch. Ngôi nhà của ông Nguyễn Xuân Hương dường như khác biệt với phần còn lại của xóm 12. Chỉ là nhà cấp 4 nhưng khá khang trang, sạch sẽ. Ngôi nhà chính tường được ốp bằng gỗ, cột, kèo, rui mè đều hãy còn bóng lên màu cánh gián rất thích mắt. Ngay cổng là một cây trường sinh trĩu quả, chắc cũng hơn 10 năm tuổi. Vườn tược được chủ nhân bố trí ngăn nắp, thoáng đãng, xung quanh sân còn có các loại cây cảnh, bon sai và những dò lan. Khi chúng tôi bước vào, ông Nguyễn Xuân Hương chỉ bận độc quần đùi. Buông xô nước tưới xuống bên luống rau, ông ngước nhìn khách, cái nhìn không tỏ ra vồn vã nhưng cũng chẳng thờ ơ. Lẳng lặng vào nhà khoác thêm tấm áo, sau tiến đến bộ bàn ghế đặt giữa sân, ông ngồi xuống hãm trà. “Chuyện của tôi có thể viết thành tiểu thuyết. Nhưng thôi, viết làm chi. Chuyện qua rồi hãy để nó qua” – người đàn ông bước vào tuổi lục tuần đảo mắt nói với khách. Nhưng rồi, người đàn ông sinh ra trên mảnh đất bãi bồi cũng kể về cuộc đời của mình trong tiếng gió ngắt quãng hắt từ dưới sông Lam lên.
Cũng như nhiều người trên mảnh đất Hưng Long, tuổi thơ của Nguyễn Xuân Hương trải qua những năm tháng cơ hàn trên vùng bờ bãi ngập úng. Cũng vì đói cơm, rách áo mà dân Hưng Long rùng rùng ngược lên miền núi đốn gỗ, chặt tre đánh bè theo sông Lam đưa về xuôi. Và xã Hưng Long, nhất là các thôn xóm nằm phía ngoài đê khi ấy trở thành địa bàn lý tưởng cho nghề đi bè. Trong đám người ngược lên vùng thượng theo nghề này có Nguyễn Xuân Hương. Lúc đó anh mới mười tám, đôi mươi.
Khoảng từ sau năm 1990, Nhà nước bắt đầu siết chặt quản lý rừng và khai thác lâm sản. Dân Hưng Long bắt đầu mất nghề đi bè, nhưng cũng qua các mối quan hệ với dân bản xứ trên khu vực miền Tây từ trước đó, bắt đầu hình thành các đường dây móc nối đưa ma tuý thẩm lậu về xuôi. Nói không quá, cơn lốc heroin tràn đến thành phố Vinh và các huyện lân cận vào những năm 1993-2000 có vai trò của các đường dây ma tuý ở Hưng Long. Ban đầu ở Hưng Long chỉ một vài đối tượng tham gia vận chuyển, tàng trữ, buôn bán chất ma tuý, sau hàng chục, hàng trăm người tham gia. Sự giàu lên nhanh chóng của nhiều gia đình khiến những người khác nóng mặt. Thế rồi đua theo nhau tạo ra một phong trào chết chóc. Từ Hưng Long ma tuý còn được vận chuyển khắp trong Nam ngoài Bắc, ma tuý theo các đối tượng len lỏi tận tỉnh Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh…
Nguyễn Xuân Hương cũng thế. Cũng mong được đổi vận, đổi đời, có thật nhiều tiền để nuôi vợ và 3 đứa con, anh ta nhanh chóng trở thành mắt xích của một đường dây buôn bán heroin ở Hưng Long. Năm 1997, Nguyễn Xuân Hương đưa cả nhà vào tỉnh Đồng Nai cư trú. Những tưởng tránh chốn lao xao để yên bề lập nghiệp trên quê mới, nhưng đâu có dễ dàng như thế. Với ma tuý, những ai đã nhúng chàm đều rất khó rút chân ra. Dù đã vào định cư tại Đồng Nai, Nguyễn Xuân Hương vẫn bị ám ảnh và không dứt được những ham muốn tiền bạc mà ma tuý mang lại. Anh ta đã tham gia trung chuyển ma tuý từ Hưng Long vào Đồng Nai. Năm 2001 Nguyễn Xuân Hương bị bắt quả tang tại tỉnh Hà Tĩnh, bị kết án chung thân. Khi thụ án được 2 năm, Nguyễn Xuân Hương lại được di lý vào Thành phố Hồ Chí Minh sau khi cơ quan cảnh sát điều tra bóc gỡ một đường dây vận chuyển, buôn bán ma tuý khác mà anh ta là một mắt xích. Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án tử hình đối với Nguyễn Xuân Hương. Cuộc đời người đàn ông này đã chấm dứt nếu không được Chủ tịch nước ký vào lá đơn xin ân xá của Hương.
Thụ án từ năm 2001, đến giữa năm 2017 ông Nguyễn Xuân Hương được ra tù trước thời hạn vì cải tạo tốt. Tuy nhiên cuộc sống luôn chẳng dễ dàng và ẩn chứa nhiều bất ngờ đến bi kịch, khi trở lại với đời thường cũng là lúc ông Hương và vợ đường ai nấy đi. Việc ly hôn giữa hai người xét cho cùng cũng chỉ là thủ tục, vì nhiều năm trước đó vợ ông vốn đã “xa mặt cách lòng”.
Ông Hương từ bỏ mảnh đất Đồng Nai trở về lại Hưng Long. Tự ông cải tạo lại ngôi nhà và mảnh vườn cũ của gia đình. Ông cũng vay mượn người thân, bạn bè để làm lại từ đầu. Hiện nay ông cùng một người bạn thuê 18ha vùng bãi bồi thuộc xã Nam Trung (Nam Đàn), đoạn giáp ranh với xã Hưng Long để trồng ngô sinh khối. Trên diện tích đất này, ông khoanh vùng nuôi hơn 30 con bò sinh sản, trồng 900 gốc táo, nuôi hơn 100 con gà… Ông bảo: “Mình sai thì đã phải trả giá, có pháp luật trừng trị, nay chỉ muốn yên thân làm lụng”.
Hãy còn quá sớm để đánh giá những gì ông Hương đã làm được trong thời gian qua cũng như khó có thể đoán định được điều gì sẽ xảy ra sắp tới. Nhưng như Trưởng Công an xã Hưng Long cho biết, xã đang nỗ lực để gây dựng trường hợp ông Nguyễn Xuân Hương thành mô hình điển hình. Tương tự như đã xây dựng thành công điển hình tiên tiến tái hoà nhập cộng đồng đối với ông Hoàng Văn Hiệp ở xóm 7A.
“Hưng Long đã đổi khác nhiều rồi, không còn đáng sợ như khi xưa nữa đâu” – ông Hoàng Nghĩa Toàn, Bí thư Đảng uỷ xã Hưng Long mở lời khi trò chuyện với tôi. Ông Toàn cho biết, Hưng Long được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017. Đây là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã. Kinh tế của xã Hưng Long vẫn được xác định là phát triển nông nghiệp trên diện tích hơn 380 ha với 3 vụ, gồm: đông xuân, hè thu và rau màu vụ đông. Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu của người dân không đến từ sản xuất nông nghiệp. Tại xã Hưng Long, đã hình thành các làng nghề thủ công mỹ nghệ; HTX khai thác vật liệu xây dựng thu hút hơn 30 xã viên. Tại đây cũng có một đội quân đông đảo tham gia các tổ xây dựng, mộc dân dụng, dịch vụ thương mại… Trong đó điển hình có xưởng mộc của ông Hoàng Văn Hiệp ở xóm 7 thu hút nhiều lao động tham gia. Ông Hiệp cũng là người từng sa vào vòng lao lý bởi cơn bão ma tuý. Sau 7 năm trở về, với sự giúp đỡ, đồng hành của cộng đồng ông đã làm lại từ đầu và đã thành công.
Đặc biệt, ở Hưng Long có gần 450 người tham gia xuất khẩu lao động. Thị trường lao động chủ yếu ở các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Angola… Ông Hoàng Nghĩa Toàn cho biết, bình quân thu nhập của mỗi lao động tại nước ngoài từ 1.200 – 1.300 đô la/tháng. Nhờ sự năng động trong lao động sản xuất, thu nhập bình quân của người dân Hưng Long hiện tại đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Tổng sản phẩm bình quân của xã đạt 200 tỷ đồng. Đặc biệt tỷ lệ hộ khá giàu hiện nay ở Hưng Long chiếm khoảng 40%, chỉ còn 2,7% hộ nghèo. “Những gia đình trước đây phất nhanh nhờ buôn ma tuý thì nay kinh tế đều thua kém các hộ dân khác” – ông Hoàng Nghĩa Toàn nói điều này như khẳng định rằng cái gì đến bằng cơn lốc thì cũng ra đi bằng cơn bão.
Tới đây, hai xã: Hưng Long và Hưng Xá sẽ nhập làm một. Sẽ không còn địa danh Hưng Long trên bản đồ hành chính của Nghệ An. Hy vọng những mảnh ghép đau buồn của quá khứ cũng dừng lại tại đây.