Sao các trường cần nhiều tiền đến thế?!

SAO CÁC TRƯỜNG CẦN NHIỀU TIỀN ĐẾN THẾ?!

Đến hẹn lại lên, mỗi năm khi hàng triệu học sinh  bước vào năm học mới thì cũng là lúc khoảng chừng đó gia đình phụ huynh bối rối, lo lắng với các khoản đóng góp đầu năm.

Đã cho con cái đi học thì phải nộp tiền – đây là chân lý mà bất cứ ai cũng thấu hiểu. Tuy nhiên, nộp những khoản thu nằm ngoài quy định, được đánh tráo bằng nhiều khái niệm, nhiều tên gọi nhau thì khiến không ít phụ huynh bối rối.

Trước đây, học sinh đi học phải đóng 2 khoản chính là tiền học phí và tiền xây dựng (trường). Về sau, Nhà nước bỏ quy định đóng tiền xây dựng. Điều này không gì khác ngoài nhằm nâng tính ưu việt trong chính sách dành cho giáo dục, tạo môi trường, khuyến khích phụ huynh đưa trẻ đến trường, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp trồng người. Các chủ trương, quan điểm, chính sách liên quan đến những khoản thu trong trường học đều được cụ thể hóa bằng các văn bản, quy phạm pháp luật.

Tranh minh họa: Internet
Tranh minh họa: Internet

Thế nhưng, chuyện gì đã và đang xảy ra. Thay vì thu tiền xây dựng như trước, các trường học tích cực kêu gọi “xã hội hóa giáo dục”. Nghĩa là việc thu thêm tiền của phụ huynh học sinh được định danh bằng cụm từ “xã hội hóa”. Khoản tiền này được các nhà trường thu thông qua hội cha mẹ học sinh. Và mặc dù tuyên bố của các trường là phụ huynh đóng góp tiền xã hội hóa “tùy tâm”, tùy theo điều kiện của mình nhưng bao giờ cũng được “cứng hóa” bằng một mức thấp nhất nào đó. Tâm lý nhiều phụ huynh là không đồng tình, nhưng vì sự học của con cái, vì tế nhị, vì ngại thầy, cô giáo chủ nhiệm và cả vì không muốn con mình trở thành “đối tượng” của trường, của lớp… nên đành nín thinh. Ở chiều ngược lại, các nhà trường và giáo viên, lợi dụng tâm lý này của phụ huynh học sinh mà hết năm này qua năm khác vẫn duy trì cái gọi là “xã hội hóa giáo dục”.

Trước sự phản ứng của xã hội, kể từ năm học 2018 – 2019, các trường đã bãi bỏ khoản thu xã hội hóa. Dư luận như phát cuồng, phụ huynh học sinh được một phen cả mừng. Thế nhưng, thay vì xã hội hóa giáo dục, một khái niệm định danh cho khoản thu mới được đưa ra: “Tài trợ giáo dục”. Khoản thu này dường như đánh vào tinh thần, kêu gọi trách nhiệm cao cả của phụ huynh học sinh đối với sự nghiệp giáo dục. Niềm vui chẳng tày gang, các bậc cha mẹ lại bấm bụng lần túi nộp tiền. Nhiều người vẫn hỏi nhau: Sao mà các trường lại cần nhiều tiền đến thế? Nhà nước đã có các chính sách kiên cố hoá trường lớp, ngân sách đầu tư cho giáo dục hàng năm cũng không nhỏ… Có phụ huynh còn than, năm nào cũng nộp tiền để hỗ trợ trường lớp mua quạt điện, lắp bóng đèn, sửa bàn, lắp điều hòa, xây hàng rào… Mới đây, tại một cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an Nghệ An phản ánh tình trạng lạm thu tại các trường học không những giảm mà đang có chiều hướng gia tăng và ngày một tinh vi hơn. Thiếu tướng Cầu cho biết, việc lạm thu xảy ra nhiều ở các huyện như: Hưng Nguyên, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu… Cô giáo và nhà trường không đứng ra thu mà giao cho đại diện hội cha mẹ học sinh đứng ra vận động. Hơn thế, các trường tổ chức học ngày hai buổi để thu tiền. Đặc biệt, Tin học là môn học chính khóa nhưng được nhiều trường chuyển sang học buổi chiều để thu tiền. Tất cả đều do cơ quan chức năng xử lý không nghiêm, không đến nơi đến chốn nên để cho nạn lạm thu còn đất sống. Theo Giám đốc Công an tỉnh, đây là vấn đề có tác động đến an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội nên đề nghị lãnh đạo tỉnh và các địa phương tăng trường công tác kiểm tra, giám sát nếu không muốn xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.