“Tuổi nào cũng có thể học tập và làm theo Bác”

Ở tuổi ngoài 70 và đơn thuần chỉ là một người nông dân nhưng ông Vương Hồng Minh lại là một điển hình tích cực ở xã Kim Liên (Nam Đàn) với nhiều việc làm ý nghĩa và có tính lan tỏa. Bản thân ông tự nhận, ông luôn sống tốt vì cố gắng học tập và làm theo Bác. Nhân ngày quốc tế Người cao tuổi Việt Nam, Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện để hiểu hơn về “lão nông” đặc biệt này.


 

P.V: Thưa ông Vương Hồng Minh, tôi được biết ông đã có hơn 10 năm ở trong quân ngũ và đã có 6 năm lăn lộn ở nhiều chiến trường B, C, K. Cuộc đời binh lính dẫu chưa dài nhưng hẳn có nhiều kỷ niệm và tôi cảm nhận, dù đã rời xa binh nghiệp rất lâu nhưng ở ông vẫn toát lên hình ảnh của một người cựu chiến binh, một người lính cụ Hồ?.

Ông Vương Hồng Minh: Tôi nhập ngũ năm 1968, khi đã ngoài 20 tuổi và trước khi vào chiến trường đã là một xã viên rất tích cực ở xã nhà. Đây cũng là một công việc mà tôi đã gắn bó từ rất lâu. Năm 1964, khi còn là Liên đội trưởng Liên đội Thiếu niên Tiền phong liên đội Làng Sen với nhiều hoạt động nổi bật, tôi đã vinh dự được bầu làm đại biểu đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh lần thứ nhất, tổ chức tại Trường Trung cấp Nông lâm Nghệ An.

Khi từ bỏ công việc ở làng, ở xã tôi cũng rất quyến luyến. Nhưng khi đó, Tổ quốc cần và chúng tôi lên đường mà không nghĩ ngợi gì với ước mơ lớn nhất là được cầm súng đánh giặc: “Ra đi đã hứa đã thề/ Đánh xong giặc Mỹ mới về quê hương”. Trải qua hơn 10 năm quân ngũ, tôi có nhiều kỷ niệm. Hai năm đầu tiên, khi đang huấn luyện tôi đã được theo đồng đội đi thuyền ra đảo Ngư để thi công làm hầm pháo. Sau đó lại về Ban hậu cần Trung đoàn 271 ở làng Kim Mỹ, xã Nghi Ân phụ trách quản lý tổ sản xuất chế biến và lần đầu tiên tôi được học làm bánh mỳ, bánh nướng, làm mỳ sợi, sản xuất đậu phụ.

Kỷ niệm đáng nhớ nữa là ở chiến trường Campuchia vào năm 1972. Khi đó, thật tình cờ giữa chiến trường ác liệt, tôi và em trai của mình – cũng là một người lính được gặp nhau và được sống, chiến đấu bên nhau gần 3 tháng. Những năm tháng đi chiến đấu, cũng là những năm tháng tôi biền biệt xa gia đình, dù khi đó mới cưới vợ. Ký ức cũ, là những bức thư của 2 vợ chồng mà may mắn cả hai còn giữ lại, giờ thỉnh thoảng đem ra đọc vẫn thấy lưu luyến. Sau hòa bình, tôi được giữ lại ở Sài Gòn, được đi học bổ túc nghiệp vụ cảnh sát và được điều về làm cảnh sát khu vực 1. Nhưng đến năm 1977, vì hoàn cảnh gia đình, tôi xin về quê. Giờ ai hỏi tôi, có tiếc không tôi nghĩ là mình không tiếc. Vì mỗi người một hoàn cảnh. Tôi may mắn hơn anh em, đồng đội vì đã được trở về nguyên vẹn.

P.V: Ông sinh ra tại làng Sen – Kim Liên, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã từng vinh dự được gặp Bác hai lần. Đây có phải là lý do ông dành rất nhiều thời gian để sưu tầm những tư liệu về Bác. Và Bác Hồ đã ảnh hưởng như thế nào đến con người ông?

Ông Vương Hồng Minh: Cả hai lần Bác về quê năm 1957 và 1961, tôi đều được vinh dự gặp Người. Nhưng khi ấy chúng tôi còn nhỏ, xuất hiện với tư cách là đoàn học sinh của xã nhà ra đón Bác nên hầu như không có cơ hội tiếp xúc với Bác. Ấn tượng của tôi về Bác là Bác rất giản dị, Bác hỏi thăm và quan tâm tới mọi người dân trong làng. Khi đó, ông nội của tôi cũng từng là một người đã quen biết Bác từ rất lâu, được Bác mời vào sát sân khấu nơi Bác đứng nói chuyện và hỏi han rất ân cần. Giờ tôi vẫn còn lưu giữ được bức ảnh đó.

Cũng như mọi người dân Việt Nam, chúng ta đều yêu quý Bác. Nhưng, với riêng người dân Kim Liên, chúng tôi còn tự hào bởi được sinh ra trên quê hương Bác Hồ. Tôi bắt đầu sưu tầm những tư liệu về Bác khi còn đang đi bộ đội và tư liệu đầu tiên tôi có được chính là bản di chúc của Bác, được đăng trên một tờ báo sau ngày Bác ra đi không xa. Sau này, tôi chép lại toàn bộ bản di chúc đó vào cuốn sổ tay của mình để ghi nhớ những lời mà Bác đã căn dặn. Tôi cũng đã cẩn thận ghi lại những sự kiện đáng nhớ liên quan đến cuộc đời của Người, những bài thơ, bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Gần đây, khi Đảng ta phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi lại sưu tầm thêm những tư liệu về Bác và ghi thành 3 cuốn “Tìm hiểu học tập”, “Những dòng kỷ niệm” và “Nỗi nhớ lòng thương”… Thực tế, đây chỉ là những ghi chép cá nhân nhưng với riêng tôi nó có ý nghĩa đặc biệt, để luôn ghi nhớ về những tình cảm thiêng liêng mà Bác đã dành cho quê hương, đất nước. Hơn nữa, tôi học được từ Bác từ chính những điều Bác căn dặn, chỉ bảo, từ chính việc làm của Bác hàng ngày.

P.V: Sau khi rời quân ngũ, ông đã gắn bó với xã, với Làng Sen 3 hơn 15 năm với vai trò của một người đội trưởng đội sản xuất, một xóm trưởng. Nhưng vì sao dù đã nghỉ rất lâu (năm 1996) nhưng đến nay tôi vẫn thấy ông tạo được uy tín với người dân trong thôn?

Ông Vương Hồng Minh: Tôi nghĩ đó là tôi đã học Bác, cố gắng “làm rồi để lại tiếng thơm” cho xóm làng. Bởi thế, khi đã nhận công việc mà bà con tín nhiệm giao cho, tôi xác định phải làm bằng cái tâm của mình và không nề hà bất cứ một công việc, một khó khăn, vất vả nào.

Ví như việc mở đường, những năm 90, khi huyện có chủ trương này, người dân ở Làng Sen 3 cũng có nhiều ý kiến vào ra lắm. Thế mà làng chúng tôi, qua vận động, tuyên truyền, không chỉ mở được đường rộng 4m theo như mục tiêu mà còn mở rộng đến 5m.

Bây giờ đường thông, hè thoáng, bà còn ai cũng vui mừng. Sau này cũng vậy, khi Làng Sen được chọn làm thí điểm về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bà con trong làng lại bảo nhau, cố gắng thực hiện theo lời dặn dò của Bác ngày nào “Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm”. Vì thế chỉ cần một nhà đi đầu làm đẹp thì những người còn lại sẽ cố gắng làm theo để xóm làng, nhà cửa được khang trang, đẹp đẽ.

P.V: Lại nói về phong trào xây dựng nông thôn mới, hiện ông là người đầu tiên xây dựng mô hình vườn chuẩn nông thôn mới và đã bắt đầu có thu nhập. Khi xóa bỏ các loại cây cối có giá trị thấp để đầu tư vào trồng cây cảnh, ông đã trăn trở như thế nào để phát huy hiệu quả?.

Ông Vương Hồng Minh: Vườn nhà tôi thực tế không rộng lắm và trước đây chủ yếu trồng rau để phục vụ rau sạch cho gia đình và không đem lại lợi ích kinh tế. Thế nên khi xã có chủ trương làm vườn chuẩn, tôi không phải suy nghĩ nhiều vì muốn thay đổi để không những làm đẹp cho cảnh quan mà còn đem lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình. Qua mùa đầu tiên thử trồng hoa cúc và hoa hồng tôi thấy hiệu quả khá lớn, vì hoa trồng đến đâu tiêu thụ đến đấy mà thu nhập lại gấp 3, gấp 4 so với trồng hoa màu. Ngoài ra, gia đình tôi cũng mạnh dạn, đầu tư thêm tiền để trồng cây cảnh, hoa lan và một số loại cây có giá trị kinh tế khác.

Tôi cũng rất vui bởi từ sau mô hình đầu tiên của mình thì gần 10 hộ khác trong Làng Sen 3 cũng đã tiếp tục triển khai với nhiều mô hình khác nhau. Điều đó, không chỉ đem đến cho chúng tôi niềm vui, hạnh phúc của tuổi già mà còn để chúng tôi góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

P.V: Dù chỉ là một người nông dân bình thường nhưng những điều ông đang làm, đang cố gắng thực sự đã lan tỏa với rất nhiều người. Vậy với ông, học tập và làm theo Bác thì phải thế nào mới thực sự hiệu quả?.

Ông Vương Hồng Minh: Tôi nghĩ rằng, học tập Bác là mình phải hài hòa với tất cả mọi người, học tập Bác ở lao động sản xuất, nghĩa là phải siêng năng, cần cù. Chúng ta làm việc gì cũng cần phải có mục tiêu. Ngày trước, Bác luôn phấn đấu để dành độc lập, tự do cho đất nước. Còn mình thì phấn đấu vì mục tiêu cuộc sống, làm thế nào để bản thân mình, gia đình mình được ấm no, hạnh phúc và làm thế nào để đẹp nhà, đẹp cảnh, đẹp quê hương!.

P.V: Xin cảm ơn ông và xin chúc ông có thật nhiều sức khỏe để có nhiều đóng góp hơn nữa cho xã hội!.