Từ năm 2010, điểm tái định cư Piêng Cu, xã Tiền Phong là nơi đầu tiên đón người dân tái định cư thủy điện Hủa Na. Lúc đó, vợ chồng anh Lô Văn Thủy (sinh năm 1985) và Lương Thị Đào (sinh năm 1986), là một trong những gia đình đầu tiên chuyển đến nơi ở mới, giờ ở bản Piêng Cu 1. Gần 10 năm trôi qua, đứa con đầu lúc ấy 3 tuổi giờ đã 12 tuổi, gia đình anh cũng đã có thêm đứa con thứ hai năm nay 7 tuổi. Cuộc sống tại bản mới, theo lời anh Thủy không thể phủ nhận những điểm tốt hơn như hạ tầng giao thông, điện… nhưng gia đình anh cũng như nhiều hộ dân ở đây vẫn phải “chạy ăn từng bữa”.
Mỗi gia đình chỉ có 400 m2 đất làm nhà và 400 m2 đất liền kề. Ngoài ra, như gia đình anh Thủy được cấp thêm 800 m2 đất trồng lúa nước và 1 ha đất sản xuất, nhưng thực tế mới chỉ có 0,7 ha kịp khai hoang canh tác, còn 0,3 ha vướng rừng tự nhiên nên đang “án binh bất động”. Còn ruộng thì đến năm 2018 mới được cấp, và đến nay đang làm vụ thứ hai.
Bà Lô Thị Tuyết, bản Piêng Cu 1, xã Tiền Phong cũng đã bước vào vụ thứ hai trồng lúa trên chân ruộng mới được cấp từ năm 2018. Hỏi đến năng suất vụ đầu tiên, bà cười buồn nói được nhõn 1 tạ thóc. Còn vụ mùa này, cũng bỏ công chăm sóc, đổ tiền đầu tư nhưng chân ruộng của bà lúa đang kỳ sinh trưởng lá đã chuyển vàng nhiều vạt. Nguyên nhân theo bà Tuyết cũng là do ruộng mới, chân ruộng không đảm bảo chất đất nên lúa mới bị vàng lá.
Nhưng gia đình anh Thủy, bà Tuyết là còn có ruộng để mà hy vọng có ngày thu hoạch, chứ ở bản Piêng Cu 1 còn những gia đình vẫn chưa được nhận ruộng, dù đã về đây gần 1 thập kỷ, như gia đình 5 khẩu của chị Lương Thị Nhung và anh Lang Văn Hải – thuộc diện hộ nghèo.
Do chưa được cấp ruộng, nên hai vợ chồng phải lặn lội về xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu làm ruộng cùng bên nhà nội để có gạo ăn. Còn nữa thì cả hai vợ chồng làm nghề thợ “đụng”, nghĩa là ai kêu gì làm nấy để đắp đổi qua ngày. Bây giờ đang vào vụ măng, hai vợ chồng hầu như ngày nào cũng ở trên rừng hái măng để còn có “đồng vào, đồng ra” lo cho các con vào năm học mới. Cả bản Piêng Cu 1, đến hết tháng 8/2019 còn có đến 3 hộ nghèo chưa có ruộng, chưa kể các hộ cận nghèo.
Ông Võ Khánh Toàn – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho hay: “Đến trước ngày 15/9/2019 này, 16 hộ cuối cùng của điểm tái định cư Piêng Cu mới được nhận đất ruộng”. Nhưng có ruộng cũng chưa chắc đã có thu hoạch ngay, vì những chân ruộng mặc dù đã có đất màu đổ lên song cây vẫn sinh trưởng kém. “Nếu gia đình nào biết cách làm ăn, siêng lắm thì 3 mùa liên tục mới có thu hoạch. Còn nếu không áp dụng khoa học kỹ thuật, không siêng thì chưa biết bao giờ”, ông Toàn nói và cho biết đang vận động nhân dân ủ phân xanh để cải tạo chân ruộng.
Theo UBND huyện Quế Phong, UBND tỉnh Nghệ An và huyện Quế Phong đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na thực hiện chủ trương cấp hỗ trợ gạo bổ sung cho 137 hộ dân điểm tái định cư Piêng Cu (bản Piêng Cu 1, Piêng Cu 2 của xã Tiền Phong) sau thời gian đã cấp đủ 48 tháng, nhưng chưa giao đủ đất sản xuất song vẫn chưa được thực hiện.
Người dân tái định cư của dự án Thủy điện Hủa Na chuyển về bản Mường Hin, xã Đồng Văn từ năm 2012. Ông Lương Văn Hùng – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Mường Hin cho biết, cả bản có 107 hộ, trong đó có đến 22 hộ nghèo, 37 hộ cận nghèo. Các hộ dân chuyển về Mường Hin chủ yếu được giao đất phục hóa nên việc sản xuất lúa cũng đỡ khó khăn hơn so với các bản phải làm ruộng khai hoang.
Nhưng theo ông Hùng, khó khăn hiện nay là có 31 hộ thuộc diện giao đất sản xuất nhưng vướng phải đất rừng nên chưa thể canh tác. Ông Lương Thái Quý – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, cả xã có khoảng 100 ha đất theo quy hoạch là đất sản xuất cho người dân nhưng đang vướng đất rừng tự nhiên. Vì vậy, xã mong muốn sớm thực hiện chuyển đổi, giao đất để người dân có thêm tư liệu sản xuất. Tại xã Tiền Phong cũng đang vướng 54 ha…
Thực trạng vướng mắc ấy, người dân tại nhiều điểm tái định cư thủy điện Hủa Na đang gặp phải. Theo thống kê của UBND huyện Quế Phong, kết quả rà soát 950,51 ha đã giao đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm cho nhân dân tái định cư thì có hơn 238 ha hiện đang còn rừng tự nhiên, phải giữ lại theo Chỉ thị số 13 – CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư, người dân không được khai hoang sản xuất nông nghiệp.
Việc tìm quỹ đất nông nghiệp không có rừng để giao thay thế hơn 283 ha này gặp nhiều khó khăn do không còn quỹ đất, dẫn đến hiện nay nhiều người dân tái định cư chưa có đất nông nghiệp trồng cây hàng năm khác để sản xuất, hoặc có nhưng không giao đủ diện tích theo chỉ tiêu bình quân 1 ha/hộ.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc này trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và yêu cầu của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, huyện Quế Phong và chủ đầu tư đã cung cấp bản đồ rà soát vị trí, diện tích giao đất sản xuất nông nghiệp nằm trong quy hoạch 3 loại rừng nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho Đoàn Điều tra quy hoạch đất lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm.
Ngày 22/3/2019, huyện Quế Phong đã làm việc với Đoàn Điều tra quy hoạch đất lâm nghiệp về nội dung thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để bóc tách 366,43 ha đã giao đất sản xuất nông nghiệp cho nhân dân ra khỏi đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang cần phải chờ phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng mới được thực hiện được. Và từ nay đến lúc đó, hàng trăm ha đất sản xuất vẫn phải trong tình trạng “án binh bất động”…
Dự án Thủy điện Hủa Na được khởi công xây dựng vào tháng 3/2008 với công suất thiết kế 180MW. Vùng ảnh hưởng dự án gồm 14 bản vùng lòng hồ thuộc 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ của huyện Quế Phong với 1.362 hộ dân/5.236 khẩu phải di dời tái định cư. Trong đó, 878 hộ di dân tái định cư theo dự án đến 13 điểm tái định cư tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong và 484 hộ tái định cư tự do.
Trung tuần tháng 8, lãnh đạo Trung tâm Văn hoá – Thể thao và Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Quế Phong, là 2 đơn vị được giao giúp đỡ bản tái định cư Piêng Cu 1, xã Tiền Phong về đích nông thôn mới trong năm 2019 về nắm tình hình tại bản.
Cuộc họp được tổ chức ngay tại nhà Trưởng bản Piêng Cu 1 – ông Hà Văn Phòng với đầy đủ Ban Quản lý của bản. Theo rà soát, cuối năm 2018, bản Piêng Cu 1 có 77 hộ, 313 khẩu, trong đó có đến 25 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo. Bản đã đạt 13/15 tiêu chí bản nông thôn mới. Muốn về đích thì trong năm 2019, bản phải có 15 hộ thoát nghèo và thu nhập bình quân đầu người phải đạt 33 triệu đồng; chưa kể tiêu chí nước hợp vệ sinh trong tiêu chí về môi trường cũng chưa đạt do nguồn nước không đảm bảo.
Ông Nguyễn Đình Kiệm – Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong đã lý giải nguyên nhân chọn 2 bản tái định cư Piêng Cu 1 và 2 để xây dựng bản nông thôn mới trong năm 2019. Theo đó, cả xã 25 thôn, bản, qua rà soát, nghiên cứu có bản không phải tái định cư thu nhập cao hơn nhưng các tiêu chí khác khó khăn. Còn các bản tái định cư đã có sẵn hạ tầng trở thành điểm cộng để lựa chọn, nhưng khó nhất lại ở tiêu chí thu nhập và hộ nghèo.
Một kế hoạch để tăng thu nhập và giảm hộ nghèo vì thế đã được lên lộ trình, định hướng cụ thể như: bản Piêng Cu 1 phải có 5 người đi xuất khẩu lao động, làm việc với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt để cho người dân bản nhận bảo vệ 200 ha rừng nhằm hưởng chính sách bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, 16 hộ đã được lựa chọn để hỗ trợ 16 con bò từ Chương trình 135…
Ông Võ Khánh Toàn – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Vừa qua, 31 con bò đã được cấp cho dân bản Piêng Cu 1 và 2. Sắp tới theo Chương trình nông thôn mới, xã đã xin ý kiến HĐND đầu tư tiếp cho hai bản này. Tuy nhiên, đề cập đến mục tiêu về đích bản nông thôn mới năm 2019, vị Chủ tịch UBND xã này cũng chỉ khẳng định ở mức là “đang cố gắng”.
Vấn đề này, theo Bí thư Chi bộ bản Piêng Cu 1 Lương Văn Hùng và Trưởng bản Hà Văn Phòng, vừa rồi Chi bộ tổ chức họp, đưa ra bàn bạc thì khả năng năm nay chỉ được 10 hộ thoát nghèo, còn 5 hộ chưa thể thoát nghèo, “không đạt chỉ tiêu xã giao”. Tuy nhiên, tiêu chí hộ nghèo chưa phải là nỗi lo lớn nhất. Cái chính là thu nhập của người dân.
Theo bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới, ở xã loại II, loại III, đến năm 2019, thu nhập bình quân phải đạt từ 33 triệu đồng/người trở lên. Mà Chi bộ, Ban quản lý bản Piêng Cu 1 điều tra và tính cao lắm thì thu nhập bình quân của dân bản cũng mới chỉ đạt bình quân xấp xỉ gần 19 triệu đồng/người trong năm nay. “Thu nhập bình quân của bà con đang rất thấp, để nâng lên thì ngoài tầm tính toán của bản”, Trưởng bản Hà Văn Phòng trăn trở.
Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở bản Piêng Cu 1, xã Tiền Phong không phải là đơn lẻ. Ở xã Đồng Văn có 10 bản thì có đến 4 bản tái định cư thủy điện Hủa Na là: Piềng Văn, Mường Hinh, Pù Duộc và Pù Khoóng. Năm 2019, xã có hai bản tái định cư là Pù Duộc và Pù Khóng đăng ký về đích nông thôn mới. Nhưng như ông Lương Thái Quý – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, theo như xã rà soát thì hai bản này mới đạt 11/15 tiêu chí. Khó khăn nhất trong xây dựng bản nông thôn mới vẫn là làm sao để đạt được tiêu chí thu nhập, lao động việc làm. “Xã với bản đang triển khai quyết liệt nhưng chắc chắn cũng khó”, ông Quý nói.
Nêu ra câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở một vài bản tái định cư thủy điện Hủa Na để làm rõ thêm phía sau đó là một nền tảng sinh kế của nhân dân ở đây chưa vững chắc. Trong khi, nông thôn mới dù nhìn nhận ở bất kỳ góc độ nào thì điều tiên quyết là đời sống nhân dân phải nâng lên cả vật chất và tinh thần.
Lãnh đạo huyện Quế Phong cũng chia sẻ nhiều nỗi lo về vùng tái định cư. Theo ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện, thì quan điểm lâu nay của tái định cư, kể cả tái định cư thủy điện, đó phải là nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Đối chiếu với tái định cư thủy điện Hủa Na, ưu điểm là cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hoá được đầu tư khá bài bản.
Thế nhưng, người dân lại mất tư liệu sản xuất rất lớn. Không những người dân tái định cư mà người dân vùng sở tại có người dân tái định cư đến ở, tất cả đều bị giảm rất lớn diện tích đất ở, đất vườn, đất nông, lâm nghiệp; chưa kể những hệ lụy do tệ nạn xã hội kéo theo vì người dân nhận được một khoản tiền đề bù lớn, nhưng chưa có định hướng sử dụng rõ ràng.
Rồi nữa, sau khi đầu tư xong, các công trình hạ tầng xuống cấp, trong khi người dân nghèo không có tiền tu sửa, chủ đầu tư thì không chịu trách nhiệm vì đã bàn giao; ngân sách Nhà nước cũng không bố trí vốn để duy tu, bảo dưỡng hàng năm. “Bây giờ đặt trên vai chính quyền và người dân sở tại duy tu, bảo dưỡng. Huyện Quế Phong đã có văn bản đề xuất tỉnh trích từ 3 -5% nguồn thu thuế từ thuỷ điện hàng năm để duy tu các công trình”, ông Lê Văn Giáp cho hay.
Song đó chưa phải là lo lắng lớn nhất, mà cái lo thường trực chính là sinh kế của người dân chưa bền vững. “Bây giờ thì đang ổn định nhưng một thời gian rất ngắn nữa, nếu không có cơ chế cho vùng tái định cư thì nguy cơ sẽ tái nghèo rất nhanh… Đây là chuyện huyện lo nhất”, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong nhận định.
Như thế, kỳ vọng đồng bào được “bén rễ, xanh cây” tại nơi ở mới đang hiện hữu những khó khăn lớn, kể cả nguy cơ tái nghèo ở những hộ đã thoát nghèo.
Trong câu chuyện hậu tái định cư thủy điện, cả cấp ủy, chính quyền và người dân cũng đều cho rằng, vai trò của chủ đầu tư không chỉ là hoàn thành, bàn giao các công trình, mà cần hơn chính là sự đồng hành của họ. Chủ đầu tư nên chia sẻ một phần trách nhiệm với địa phương để san sẻ bớt khó khăn, ổn định cuộc sống cho nhân dân, như trích lợi nhuận để thực hiện các công tác an sinh xã hội, chăm lo cho công tác giảm nghèo… Nhưng có lẽ điều này đang chỉ là mong muốn từ một phía.
Trong những ý kiến trao đổi của Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, ông đã nhiều lần phải dùng từ “đấu tranh” khi đề cập đến quá trình làm việc với chủ đầu tư thuỷ điện Hủa Na về giải quyết các vấn đề ở các khu tái định cư như chuyện phải cấp bù gạo cho người dân chưa có ruộng sau thời gian 48 tháng hỗ trợ; hay câu chuyện mà huyện và chủ đầu tư thuỷ điện Hủa Na “giằng co” từ năm ngoái đến nay là phương án tính đất đối trừ.
Theo đó, quan điểm của chủ đầu tư thủy điện Hủa Na là nếu tổng giá trị các loại đất thu hồi tại nơi đi lớn hơn tổng giá trị các loại đất giao tại nơi đến tái định cư thì hộ dân được nhận tiền bồi thường chênh lệch bằng tiền, còn nếu ít hơn thì không phải nộp tiền chênh lệch. Trong khi theo lãnh đạo huyện Quế Phong, phương án này là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai và không đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
Qua tìm hiểu của chúng tôi tại bản Piêng Cu 1, khi mà lãnh đạo xã, bản đang “loay hoay” cho bài toán giảm nghèo để xây dựng bản nông thôn mới, thì không có bóng dáng chủ đầu tư ở đâu trong câu chuyện này. Ở đây, người dân có quyền đặt câu hỏi về văn hoá doanh nghiệp, tính nhân văn trong kinh doanh ở đâu? Vì dù gì, chính họ đã là những người trực tiếp hy sinh để có nhà máy thuỷ điện 180 MW ở thượng nguồn sông Chu.
Thực ra, như trao đổi với nhiều người dân các bản tái định cư thuỷ điện Hủa Na, bà con cũng chẳng đòi hỏi gì hơn ngoài phần mình đáng ra được nhận để thực sự ổn định tại nơi ở mới, dù phải hy sinh rất nhiều để nhường lại quê hương, bản quán cho nhà máy thuỷ điện. Vậy nhưng trong gần một thập kỷ qua, thời gian đủ để một thế hệ sinh ra và gọi mảnh đất mới là quê hương, thì hành trình tìm kiếm sự ổn định đời sống của bố mẹ, ông bà chúng vẫn chưa biết bao giờ mới đến hồi kết!