Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có hơn 4,8 triệu con lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tại Nghệ An, đã 7 tháng trôi qua, bất chấp những nỗ lực phòng, chống, DTLCP vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Phát triển và đa dạng hoá các loài vật nuôi để bù đắp nguồn cung thịt lợn có khả năng thiếu hụt trong thời gian tới đang là chủ trương được tỉnh ta quan tâm thực hiện.
Tính đến thời điểm này, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 63 tỉnh, thành phố với trên 4,8 triệu con lợn bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy để chống dịch.
Đáng lo ngại là số lợn mắc bệnh và tiêu hủy tăng lên hàng ngày. Chỉ sau 1 ngày, từ 7 – 8/9, số lợn phải tiêu hủy đã tăng thêm 17.000 con, trọng lượng tăng 769 tấn, đưa tổng trọng lượng lợn bị tiêu hủy lên tới trên 275.600 tấn, chiếm 7% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước.
Nghệ An hiện có tổng đàn lợn trên 900.000 con, chăn nuôi nông hộ chiếm phần lớn, với hơn 285.000 hộ. Từ ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào ngày 13/3/2019, lũy kế đến ngày 10/9/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 4.681 hộ, 744 xóm, 190 xã, 18 huyện.
Tổng số lợn đã tiêu hủy là 21.094 con, chiếm 2,2% so với tổng đàn lợn của tỉnh; tổng trọng lượng lợn tiêu hủy gần 945.000 kg. Đến nay, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số xã ở Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quế Phong; hiện có 95 ổ dịch tại 3.452 hộ của 14 huyện có dịch chưa qua 30 ngày; 29 xã tái dịch chưa qua 30 ngày.
Trong bối cảnh bệnh DTLCP vẫn tiếp tục diễn biến nguy hiểm, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Nghệ An đều chủ trương chưa vội tái đàn lợn, đặc biệt là tái đàn theo hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, vì tiềm ẩn nguy cơ cực kỳ cao làm tái phát dịch bệnh.
Đầu tư nuôi lợn tập trung từ nhiều năm, nhưng sau khi thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì dịch bệnh, gia đình ông Trần Xuân Ngoãn, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ quyết định chuyển hướng sang nuôi trâu, bò hàng hóa. “Bằng nguồn vốn của gia đình và vốn vay của ngân hàng với lãi suất ưu đãi, đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng trang trại, hệ thống chế biến thức ăn và trồng cỏ để có thể chủ động nguồn thức ăn tại chỗ, mua trâu, bò giống chất lượng cao từ Thái Lan, Campuchia đưa về nuôi tập trung, khép kín”, ông Trần Xuân Ngoãn cho hay: Hiện tại, trong trang trại của gia đình ông có 150 con trâu bò, đầu ra ổn định, nhiều lúc không đủ để cung cấp cho thương lái đến mua tận chuồng.
Tuy số lượng đàn lợn bị tiêu huỷ mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ (2,2%) trong tổng đàn của tỉnh, thế nhưng, với chủ trương chưa tái đàn trong thời gian tới, khi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn rất có thể xảy ra.
Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn cấp đông, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã nhập tới 5.000 tấn, trong khi cả năm 2018 cả nước chỉ nhập 2.000 tấn thịt lợn đông lạnh, nhưng do thói quen sử dụng “thịt nóng” tươi sống, mới được giết mổ của người Việt Nam, nên nhu cầu về sử dụng các loại thịt khác thay thế nếu nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt vẫn rất cao.
Là địa phương bị bệnh DTLCP tấn công gây hại nặng nề, phát triển chăn nuôi đa dạng hóa hiện đang là hướng đi được huyện Quỳnh Lưu tập trung chỉ đạo phát triển.
Ông Đặng Ngọc Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Quỳnh Lưu hiện có 8.000 con trâu, 12.000 con bò, 10.000 con hươu, trên 8.000 con dê, 1,7 triệu con gia cầm và 32.000 con lợn.
Hiện chúng tôi đang chỉ đạo tập trung tăng cường phát triển chăn nuôi đại gia súc tại 9 xã bán sơn địa, đồi rừng vùng miền Tây của huyện, xây dựng các mô hình chăn nuôi trâu bò, trang trại, gia trại tập trung và thực tế đã có một số mô hình đem lại hiệu quả cao tại Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng…
Ngoài ra, có chính sách phát triển đàn, xây dựng các mô hình trang trại dê, hươu, nai để vừa khai thác lộc nhung, vừa nuôi lấy thịt làm đặc sản. Huyện trích ngân sách trên 1 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ mô hình phát triển chăn nuôi gia súc quy mô lớn, tuyển chọn con giống tốt, hỗ trợ 150 – 200 triệu đồng/mô hình nuôi trâu, bò mới, hỗ trợ kinh phí xây dựng trang trại chăn nuôi bò thịt…
Trong giai đoạn hiện nay, khi Nghệ An chưa khuyến khích tái đàn và phát triển đàn lợn, nhằm ổn định tình hình chăn nuôi, giảm áp lực dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trên địa bàn cũng như phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhất là ở các vùng miền núi, thì phát triển chăn nuôi đại gia súc đang là một trong những hướng đi được khuyến khích phát triển.
Cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, Nghệ An cũng quan tâm phát triển đa dạng hóa vật nuôi, coi những mô hình chăn nuôi gia cầm, đặc sản hiệu quả trên địa bàn là tiền đề để phát triển ngành chăn nuôi đa dạng, hiệu quả.
Theo ông Đặng Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, không chỉ trong thời gian trước mắt, khi bệnh DTLCP đang hoành hành ở nhiều vùng trong cả nước, mà cả về lâu dài, trong chính sách tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chủ trương đa dạng hóa vật nuôi, chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi động vật ăn cỏ: trâu, bò, dê, hươu, nai, thỏ, chăn nuôi gia cầm, thủy sản… ngoài ngành chăn nuôi lợn truyền thống.