Chuyện về người quản trang vùng lòng chảo Điện Biên

Nghĩa trang chiều muộn, ánh nắng chấp chới sau kẽ lá, chúng tôi gặp anh đang lui cui vun xới những gốc cây ẩn mình sau những hàng bia mộ ghi “Liệt sỹ chưa rõ danh tính”. Đã hơn 20 năm nay, anh Thấm gắn bó với công việc trông nom, chăm sóc nghĩa trang nơi nằm lại của các liệt sỹ hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

_____________________

Sinh năm 1967, quê gốc ở Hưng Yên, anh Vương Xuân Thấm cùng cha mẹ di cư lên Điện Biên khi anh còn nhỏ và sinh sống cho đến nay. Từ trước những năm 1990, Vương Xuân Thấm là Trưởng ban Văn hoá xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Nhưng rồi anh đã bất ngờ quyết định ra khỏi biên chế để ngày ngày chăm sóc cho Nghĩa trang Độc Lập, cách nhà anh có vài trăm mét.

Vào những năm 1990, Nghĩa trang Độc Lập đang còn được cấp huyện quản lý, khu vực này hãy còn hoang vu lắm, cỏ, năn lác mọc cao quá đầu người, thi thoảng mới có người đến khói hương. Nghĩa trang có 2.432 ngôi mộ nhưng chỉ có 200 ngôi đã xác định được danh tính, có nghĩa là chỉ có 200 ngôi thi thoảng còn có thân nhân đến hương khói. “Ngày đó, phần vì đời sống nhân dân còn khó khăn, các liệt sỹ lại nằm quá xa trung tâm nên kể cả lễ, tết cũng rất ít người đến thăm viếng, thương lắm” – anh Thấm ngậm ngùi.

Thế rồi anh Thấm cứ một mình ngày ngày sang cắt cỏ, chăm sóc cho từng ngôi mộ. Có những khi thắp hương, cắm mãi mà không hết những ngôi mộ đã lâu không có nén hương nào. “Thời đó mỗi khi Giao thừa, mỗi đêm Rằm tháng Bảy và ngày Thương binh – Liệt sỹ hằng năm, tôi bảo với vợ con làm mâm cỗ như cúng cho tổ tiên ông bà mình để cúng cho các liệt sỹ. Cúng xong thì trời cũng gần sáng… Tự dưng tôi cứ thấy nhẹ nhõm trong lòng!” – anh Thấm kể.

Một điều cũng thật bất ngờ là vợ anh – chị Nguyễn Thị Mến, sau thời gian dài theo chồng chăm nom các phần mộ tại Nghĩa trang Độc Lập đã tình nguyện làm người quản trang mẫn cán tại Nghĩa trang Him Lam. Chị cũng là người được đánh giá tâm huyết với công việc, không quản nắng mưa, chỉ làm sao cho nghĩa trang được đẹp hơn, ấm áp hơn. Anh Thấm nói: “Công việc giống nhau nhưng chúng tôi thường phải xa nhau vì tôi rất ít khi về nhà, phần vì công việc trong một ngày quá bận bịu, phần vì hầu như đêm nào tôi cũng ở lại để tiện bề chăm nom… Hơn 20 năm nay chủ yếu tôi ngủ ở phòng trực Nghĩa trang này!”.

Năm 1994, tỉnh Điện Biên quyết định nâng cấp đầu tư Nghĩa trang Độc Lập thành một điểm thuộc quần thể Khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với đó là nhiều hạng mục được chỉnh trang. Tỉnh mong muốn anh Thấm có thể tiếp quản công việc chăm sóc nghĩa trang một cách thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, nên đã đề nghị anh biên chế vào làm việc ở Ban quản lý Nghĩa trang Độc Lập. Nhận lời, nhưng lòng anh vẫn khôn nguôi những trăn trở. “Dù rằng không cần được mời vào tổ chức thì mình vẫn ngày đêm chăm sóc cho phần mộ của các cụ, nhưng khi được là người chính thức của Ban quản lý nghĩa trang thì phải được học nhiều kỹ thuật chuyên môn mới có thể đảm trách được nhiệm vụ này”. Anh Thấm nói.

Anh Thấm ngày đêm chăm sóc cho Nghĩa trang Độc lập
Anh Thấm ngày đêm chăm sóc cho Nghĩa trang Độc lập

Vậy là vừa làm anh Thấm vừa học hỏi. Học hỏi cách chăm sóc cắt tỉa cây, cách trồng thời vụ các loài hoa cây cảnh như thế nào cho hợp lý, loài nào vừa phù hợp với thổ nhưỡng, vừa phù hợp với cảnh quan khu nghĩa trang. Lại phải học cách sắp xếp các phần việc khi tiếp đón các đoàn đến thăm, kể cả việc thỉnh chuông báo với anh linh các liệt sỹ, sắp xếp các nghi lễ khánh tiết để khách an lòng và có cảm giác được chu đáo nhất khi dâng hoa, dâng hương tưởng niệm.

Mày mò học hỏi rồi anh Thấm cũng “thạo việc”. Không những thế anh còn là người chịu trách nhiệm chính trong việc chỉnh trang cho từng khu vực nghĩa trang. Thế nhưng như anh nói, anh làm nhẹ nhõm lắm, thấy như là vừa làm vừa được các liệt sỹ “cổ vũ động viên” nên không nề hà ngày đêm vất vả!

Một trong những kỷ niệm sâu sắc “nghề” quản trang của anh Thấm mà anh coi là một may mắn lớn trong đời. Đó là trong lần kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm lại Điện Biên. Vì tuổi cao sức yếu, chuyến đi lại gấp gáp nên Đại tướng chỉ dành đến thăm một vài nơi, và không có lịch trình dâng hương ở Nghĩa trang Độc Lập. Thế nhưng, vì nỗi ước mong một lần được gặp Đại tướng, anh đã xin ý kiến cấp trên mong muốn Đại tướng dâng hương tại Nghĩa trang Độc Lập để được một lần nhìn thấy vị Đại tướng của lòng dân bằng xương bằng thịt. Thế rồi, suốt ngày hôm đó anh đi ra đi vào, mong ngóng, “cứ chắp tay lạy xin anh linh các liệt sỹ phù hộ để tôi được gặp Đại tướng” anh Thấm kể.

Và, anh Thấm đã bất ngờ và vui mừng vô cùng: Ngày hôm sau, lẽ ra Đại tướng sẽ nói chuyện với cựu chiến binh Điện Biên theo kế hoạch định trước là 3 tiếng đồng hồ, nhưng ông chỉ nói chuyện 1 tiếng thôi và dành 2 tiếng để tới Nghĩa trang Độc Lập. “Khỏi phải nói hết niềm hạnh phúc trong tôi khi được gặp Đại tướng, cụ cầm lấy tay tôi hỏi han chuyện trò, và dặn dò tôi phải tiếp nối truyền thống cha anh để làm tốt nhiệm vụ của mình. Rằng nhiệm vụ tuy nhỏ bé nhưng cao cả; dù giản đơn nhưng nhiều hy sinh, phải tâm huyết thì mới hoàn thành tốt… Lời Đại tướng dặn tôi hôm đó mãi mãi nằm trong tâm khảm của tôi” – anh Thấm xúc động kể lại.

Anh Vương Xuân Thấm kể trong suốt quãng thời gian làm công tác quản trang anh đã chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động. Đó là cách nay vài năm, Nghĩa trang chiều muộn vắng vẻ, bỗng có tiếng khóc ai oán của một cụ già. Bà cụ ở tận Hà Tĩnh ra tận đây để thắp hương cho người anh của chồng, bởi trước lúc khuất núi chồng bà chỉ có một di nguyện duy nhất là thắp một nén nhang trên ngôi mộ của người anh đã ngã xuống trên đồi Độc Lập vào những năm 1954. Nhà bà cụ rất nghèo, thế nên để ra được tới vùng lòng chảo Điện Biên bà đã bán hết số thóc trong nhà để có tiền tàu xe. “Đêm hôm đó vợ chồng tôi đã đưa bà cụ về nhà, rồi đích thân tiễn bà cụ ra ga. Tôi cứ ngậm ngùi mãi vì nghĩ còn biết bao những người chưa thể ra tới Điện Biên để chỉ với một tâm nguyện duy nhất là được thắp lên ngôi mộ người thân của mình một nén tâm nhang”, anh Thấm nói.

Nghĩa trang trong lòng chảo Điện Biên hôm nay ấm áp lạ thường, ấm áp như nghĩa tri ân của những người con trên mọi miền Tổ quốc
Nghĩa trang trong lòng chảo Điện Biên hôm nay ấm áp lạ thường, ấm áp như nghĩa tri ân của những người con trên mọi miền Tổ quốc

Có những trường hợp thì đã khiến vợ chồng anh hết sức day dứt đó là chuyện một người con đi tìm mộ cha mình. Ông là con trai duy nhất của một liệt sỹ Điện Biên và mẹ ông trước lúc mất chỉ có một mong mỏi đưa được mộ chồng về quê hương. Thế nhưng, đã đến đây nhiều lần nhưng ông vẫn không tìm được mộ cha…

Trong nỗ lực để các anh hùng liệt sỹ Điện Biên năm xưa được thanh thản và ấm áp hơn khi nằm lại đất này, anh Thấm đã được cấp trên ghi nhận và được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của ngành. Đặc biệt, anh được tôn vinh là người quản trang xuất sắc nhất trong hàng trăm quản trang được tuyên dương tại Đà Nẵng năm 2016. Phần thưởng cho những hy sinh thầm lặng đối với anh nó vô cùng đáng giá, vì như anh nói: “Để mình còn phải nỗ lực nhiều nữa, xứng đáng với những kỳ vọng của nhân dân cả nước khi về thăm viếng Nghĩa trang Độc Lập”.

Có một chi tiết để anh Thấm đinh ninh là cái “duyên nghiệp” cho anh suốt đời được chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sỹ an nghỉ ở Nghĩa trang Độc Lập, đó là, cách nay hàng chục năm chắt chiu góp mãi anh mới mua được chiếc xe máy, mà  rất tình cờ biển số đăng ký xe của anh trùng với con số thống kê mộ ở Nghĩa trang: 2432. Chiếc xe này gắn bó với anh từ bấy đến nay…

Trò chuyện, hỏi anh Thấm về chuyện những nghi nhận, khen thưởng, anh Thấm hồn hậu trả lời: “Mỗi ngày có đoàn đến viếng các liệt sỹ là tôi được nhận niềm vui, là đã nhận phần thưởng. Còn năm nào có đông người thân đến với các liệt sỹ thì coi như tôi đã nhận được bằng khen lớn!”.