Tình trạng doanh nghiệp chấp hành chưa triệt để quy định về phục hồi môi trường và hoàn thổ sau khi hết hạn và đóng cửa mỏ đã đặt ra những vấn đề “nóng” đòi hỏi cơ quan chức năng phải có các biện pháp tổ chức thi hành các quy định của pháp luật cũng như biện pháp để bảo vệ môi trường và lợi ích chung của cộng đồng.
Trong một diễn biến khác, đầu năm 2019, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra về chấp hành thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công… do Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra 25 mỏ đá xây dựng thuộc địa bàn 5 huyện, thị là Yên Thành, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Đô Lương và Anh Sơn.
Thực tế, khi các mỏ hết hạn khai thác và đóng cửa đều được chính quyền địa phương đề nghị doanh nghiệp khai thác mỏ chấp hành quy định về phục hồi môi trường và hoàn thổ, nhưng rất ít doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, thậm chí có doanh nghiệp không… phản hồi. Như đã nói, lý do một số doanh nghiệp “phớt lờ” quy định trên là do từ năm 2015 trở về trước doanh nghiệp chưa phải ký Quỹ Phục hồi môi trường sau khi khai thác.
Từ năm 2016 lại nay, sau khi có quy định của Chính phủ buộc các doanh nghiệp khai thác mỏ hàng năm phải nạp Quỹ Phục hồi môi trường để kể cả khi doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc bỏ mặc không chấp hành thì Nhà nước dùng quỹ này để tổ chức các biện pháp phục hồi môi trường.
Ông Trần Văn Toản – Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện quy định trên, các doanh nghiệp khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh đã đóng trên dưới 100 tỷ đồng vào Quỹ Phục hồi môi trường, bình quân các doanh nghiệp đóng từ 300-500 triệu đồng/năm. Số tiền ký quỹ trên, sau khi doanh nghiệp thực hiện xong các biện pháp phục hồi môi trường thì sẽ được trả lại cho doanh nghiệp.
Cũng theo quy định, khi đóng cửa mỏ, tỉnh lập Hội đồng thẩm định giám sát, trong đó yêu cầu doanh nghiệp thực hiện xong các biện pháp khắc phục hoặc phục hồi môi trường thì sẽ được đóng cửa mỏ. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế việc thực hiện khá phức tạp.
Như ở mỏ đá Lèn Chùa, phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai), theo quy định, có 3 doanh nghiệp là Công ty Thanh Xuân, Công ty Xuân Hùng và Công ty Xuân Quỳnh ký Quỹ Phục hồi môi trường sẽ phải tham gia thực hiện phục hồi môi trường, nhưng thực tế chỉ có 1 doanh nghiệp là Công ty Xuân Quỳnh tham gia. Mặt khác, phương án hoàn thổ bằng san lấp mỏ ở đây quá tốn kém và không khả thi nên tỉnh mới phải tính toán lại, mất nhiều thời gian hơn.
Ông Lê Sĩ Hào – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết: Từ giai đoạn 2013 – 2014 đến nay, huyện làm thủ tục đề nghị tỉnh đóng cửa 58 điểm mỏ hết hạn. Các mỏ sau khi đóng cửa được bàn giao lại cho địa phương giám sát, quản lý. Thế nhưng việc quản lý, giám sát là không đơn giản. Vụ việc vỡ đập bùn thải tại Suối Bắc năm 2017 hay mới đây là vụ sập hầm tại khu vực Suối Bắc, giáp ranh giữa xã Châu Thành và Châu Hồng là một ví dụ.
Quan sát chúng tôi nhận thấy do địa hình Suối Bắc ở khá xa và diện tích khá rộng; người dân nhiều lần mở hầm tìm kiếm, mót thiếc từ mọi hướng nên rất khó để giám sát, quản lý. Nhưng, như ông Sầm Văn Bình – một cán bộ địa chính môi trường xã Châu Thành (Quỳ Hợp) thừa nhận: Do tình trạng thiếu việc làm nên người dân bất chấp nguy hiểm đi mót quặng ở các mỏ đã đóng cửa, khi hay tin có đoàn kiểm tra thì trốn tránh nên khó kiểm soát…
Để thực hiện hiệu quả các quy định về phục hồi môi trường và hoàn thổ mỏ khi khai thác, tỉnh đã có nhiều phương án, theo đó, tùy từng trường hợp và điều kiện cụ thể từng địa phương để có phương án cụ thể. Có những mỏ đất đá sau khi khai thác có thể đất đá san lấp, hoàn thổ được; nhưng có những mỏ không thể hoàn thổ được thì phải tính toán phương án khả thi và an toàn nhất đối với môi trường xung quanh.
Hàng năm, tỉnh đều lập đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động khoáng sản, trong đó có nội dung phục hồi môi trường và hoàn thổ sau khi đóng cửa mỏ. Nhìn chung, qua kiểm tra, đoàn tham mưu cho UBND tỉnh đôn đốc, chấn chỉnh và việc xử phạt hành chính chưa nhiều.
Mặt khác, hiện nay, do thời hạn cấp mỏ được nâng lên dài hơn, tối thiểu từ 10 đến nhiều nhất là 30 năm, nên các điểm mỏ hết hạn hoặc bị đình chỉ phải chấp hành quy định về phục hồi môi trường là hoàn thổ không nhiều.
Kết quả chỉ có 5 đơn vị khai thác cơ bản phù hợp với thiết kế mỏ được duyệt còn 17/25 đơn vị không tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động và thực hiện khai thác theo trình tự, thiết kế mỏ được duyệt. Thực tế trên cho thấy ngay cả khi đang khai thác, nhiều doanh nghiệp đã chấp hành không nghiêm quy trình khai thác theo thiết kế được duyệt. Và các trường hợp chấp hành nghĩa vụ phục hồi môi trường, hoàn thổ chưa nghiêm túc chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp làm cam kết bảo vệ môi trường với UBND cấp huyện.
Đứng trước những khó khăn, bất cập, vẫn có những trường hợp thực hiện khá bài bản việc phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ. Công tác phục hồi môi trường và sử dụng mặt bằng sau khi đóng cửa mỏ ở mỏ đá Rú Mượu, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) là một ví dụ.
Sau khi nhận thấy nguy cơ mất an toàn (gần khu dân cư) và mỏ đá gần hết trữ lượng, năm 2015, UBND tỉnh quyết định đình chỉ cửa mỏ và san lấp mặt bằng sau đó bàn giao để triển khai dự án Nhà máy bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh. Với diện tích xấp xỉ 7 ha, trong đó việc hoàn thổ không quá tốn kém, nên dự án được đánh giá là phương án phục hồi môi trường và hoàn thổ tối ưu nhất.
Rồi như Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh hiện đang triển khai hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khi khai thác thiếc tại khu vực bản Cô, xã Châu Thành (Quỳ Hợp); từ năm 2018, sau khi kết thúc khai thác, Công ty này đang thực hiện san lấp trả lại mặt bằng sản xuất lúa cho bà con địa phương 1,5 ha trên tổng số 1,8 ha.
Đối với phương án phục hồi môi trường tại khu vực mỏ Lèn Chùa, theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hoàng Mai, phương án tối ưu nhất mà thị xã đồng tình cao với Sở Tài nguyên và Môi trường là phục hồi bằng biện pháp xây dựng thành khuôn viên cây xanh.
Theo đó, tỉnh sẽ giao cho một đơn vị tư vấn thiết kế và cùng với thị xã huy động nguồn lực cải tạo khu mỏ theo hướng sẽ giữ lại hồ để làm hồ điều hòa, bao quanh hồ là đường đi bộ trồng cây xanh kết hợp với tôn tạo di tích chùa Bát Nhã…
Từ những thực tế trên, cho thấy, để chấp hành nghiêm quy định phục hồi môi trường mỏ sau khai thác, một mặt các ngành liên quan phải thực sự quyết liệt, công tâm trong việc tìm các biện pháp phục hồi môi trường; đồng thời tích cực đôn đốc giám sát để các đơn vị, tổ chức liên quan thực hiện nghiêm các biện pháp phục hồi môi trường một cách bền vững nhất.
Yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg:
1. Đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người theo quy định cụ thể tại phụ lục I ban hành kèm theo quyết định này.
2. Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch khai thác khoáng sản; quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường của địa phương.
3. Thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.
4. Phù hợp với phương án cải tạo, phục hồi môi trường do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành đối với các dự án khai thác khoáng sản nằm trong khu vực khai thác liên mỏ.
5. Đối với cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản độc hại có chứa chất phóng xạ ngoài việc thực hiện theo quyết định này còn phải thực hiện quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.