Bài 1: Những cái chết thương tâm

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất toàn quốc (16,490 km2), địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng kéo dài. Có bờ biển dài 82 km với 6 cửa lạch nối ra biển; hệ thống sông ngòi, đập nước, ao hồ nhiều (tuyến đường thủy nội địa có 13 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài trên 1.000 km) luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tai nạn đuối nước đối với trẻ em. Dân số có trên 3,1 triệu người, trong đó, số trẻ em từ 0 – 16 tuổi trên 800.000 em, chiếm 26,5% dân số.

Thời gian qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành hàng loạt văn bản, kế hoạch phòng tránh, nhưng tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn ở mức báo động. Theo thống kê của Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 40 vụ đuối nước xảy ra, cướp đi sinh mạng của hơn 50 trẻ. Đặc biệt là những tháng gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước tập thể đau lòng.

Cụ thể, ngày 30/5, một nhóm học sinh lớp 8 ở huyện Yên Thành đã thiệt mạng vì đuối nước trong quá trình đi liên hoan ngày cuối năm học. Trước đó, ở thị xã Thái Hòa, chiều 29/4, 3 chị em họ tuổi từ 9 – 13 cũng bị chết đuối trên sông Hiếu đoạn chảy qua phường Long Sơn. Mới đây nhất, ngày 23/6, 3 học sinh ra sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương tắm thì bất ngờ gặp nạn. Điều đau lòng là 2 trong số 3 nạn nhân chỉ còn 1 ngày nữa là thi THPT Quốc gia…

Buổi chiều cuối tháng Sáu, cũng như thường lệ, em Lô Ngọc Vui (12 tuổi), tức tốc chạy ra đập Phà Lài để nô đùa cùng đám bạn ngay sau khi phụ mẹ lên rẫy về. Nhóm trẻ mải mê đùa giỡn với “tử thần”, chạy băng băng trên thân đập trơn trượt, phía dưới là dòng nước sâu hoắm, chảy xiết. Thấy phóng viên ghi hình, Vui cùng nhóm trẻ hiếu động lại càng phấn khích, thi nhau thể hiện những động tác mạo hiểm như nhảy từ đỉnh đập cao gần 10 mét xuống dưới, hay lộn người lặn xuống những dòng nước chảy xiết…

Cách đó không xa là tấm biển cảnh báo nguy hiểm mà chính quyền lắp đặt. Dường như nó chẳng khiến một đứa trẻ nào ở đây quan tâm. Xung quanh đó, chẳng thấy một người lớn nào canh chừng, còn các dụng cụ bảo hộ tối thiếu như phao thì nhóm trẻ này nói “chả cần thiết”. Mẹ Vui, bà Vi Thị Lan (42 tuổi), nói rằng, biết con trai ra đó bơi lội nguy hiểm nhưng cũng chẳng cấm được. “Đang nghỉ hè, ở đây còn có chỗ nào để chúng nó chơi đùa đâu”, bà Lan nói.

Nhiều phụ huynh khác ở xã Môn Sơn (Con Cuông), cũng trả lời câu tương tự khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này. Ra sông, hồ, đập để nô đùa, bơi lội dường như là lựa chọn duy nhất đối với trẻ em vùng này. Bất chấp ở đó đã có không ít trường hợp đuối nước đau lòng xảy ra.

Thiếu điểm vui chơi cho trẻ em mùa hè không chỉ là thực trạng ở đây, mà đó là thực trạng chung của toàn tỉnh. Theo ông Lê Văn Lương – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, chưa nói đến vùng sâu, vùng xa, ngay trung tâm TP. Vinh, sân chơi công cộng dành cho trẻ em cũng rất manh mún. Các điểm vui chơi chỉ có ở quảng trường, trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi, một số điểm vui chơi tại các khu dân cư tự phát do cộng đồng xây dựng nhưng cơ sở vật chất không bảo đảm. Các lớp học năng khiếu, bơi lội đa số là thu phí dịch vụ, chỉ con em những gia đình có điều kiện mới có thể tham gia. Riêng ở các vùng nông thôn, miền núi, sân chơi cho trẻ em trong dịp hè đa số là chưa có, chỉ rải rác ở một số địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

“Công viên, quỹ đất công cộng ở thành phố Vinh quá ít. Có công viên thì không phải trẻ em nào cũng có tiền mua vé vào được, mà vào đó cũng chẳng có nhiều lựa chọn để vui chơi. Vì thế, dịp hè các em thường lựa chọn ra sông, hồ, biển để tắm mát”, ông Lương nói.

Khi mà các điểm vui chơi của trẻ còn hạn chế, việc tổ chức các hoạt động thể thao dịp hè vẫn chưa phong phú để tạo sân chơi thu hút con trẻ. Ở nhiều địa phương, các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng dường như là sân chơi hiếm hoi vào mùa hè. Tuy nhiên, số trẻ em tham gia các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng cũng chỉ là con số nhỏ và giải cũng chỉ diễn ra ít ngày là kết thúc. Do không có sân chơi dẫn đến tình trạng nhiều địa điểm vui chơi của trẻ em bị thanh niên và người lớn giành lấn. Một số công trình của địa phương được đầu tư xây dựng, lồng ghép vào phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em như nhà văn hóa xã, nhưng thiếu các thiết bị phù hợp lứa tuổi nên không thu hút được trẻ đến sinh hoạt, vui chơi. Hiện nay, nguồn kinh phí để tạo sân chơi cho trẻ em, chủ yếu huy động nguồn lực xã hội hóa nên cũng gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, ở một số điểm vui chơi hiếm hoi, thì hoặc là bỏ hoang, hoạt động không hiệu quả, thậm chí bị lạm dụng để kinh doanh. Một số nơi còn trở thành phế tích khi còn chưa kịp khánh thành.

Trung tâm Văn hóa huyện Tân Kỳ được UBND huyện đầu tư xây dựng vào năm 1998 dành cho Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em quản lý. Tuy nhiên, chỉ đi vào hoạt động được vài năm thì tổ chức này giải tán. Cơ sở hạ tầng được bàn giao lại cho Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện quản lý. Trung tâm này có 3 hạng mục, bao gồm sân vận động, nhà văn hóa và khu vui chơi, giải trí cho thiếu nhi. Không hoạt động nên các hạng mục công trình dần bị hư hỏng: Nhà văn hóa cửa đóng, then cài, bụi bặm và nhếch nhác, nhà vệ sinh bị đập phá nham nhở, hệ thống tàu điện dành cho thiếu nhi đã hỏng hoàn toàn, đu quay, nhà bóng thì cỏ mọc um tùm, gỉ sét và cũng đã không còn sử dụng được. Chỉ vài năm sau khi khánh thành, khu vui chơi biến thành quán cà phê, khu văn hóa ẩm thực.

Đánh giá về tình trạng này, ông Vi Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, kiến thức kỹ năng, ý thức tự bảo vệ, phòng tránh các nguy cơ tai nạn đuối nước của chính trẻ em còn hạn chế. Một số gia đình và người chăm sóc trẻ chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát trẻ. Tỷ lệ trẻ em chưa biết bơi, chưa được rèn các kiến thức kỹ năng an toàn trong môi trường nước còn cao. Các điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em ở một số địa bàn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu…

Ông Quỳnh cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại này là một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực đúng mức cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, giữa gia đình, nhà trường và xã hội ở một số nơi có lúc chưa chặt chẽ. Ý thức và trách nhiệm của một số gia đình và người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế. Hệ thống bể bơi còn ít. Một số nơi, môi trường sống xung quanh trẻ thiếu an toàn, nhiều hồ, sông, suối, đập thủy lợi tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị tai nạn…

Theo nghiên cứu của một tổ chức quốc tế tại Băng-la-đét, Cam-pu-chia, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, ở đây cứ 4 trẻ em tử vong thì có 1 trẻ do nguyên nhân đuối nước. Con số này cao hơn số trẻ em tử vong do sởi, bại liệt, ho gà, uốn ván, bạch hầu và lao kết hợp lại. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em ngang bằng với tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân khác gây ra cho trẻ cùng độ tuổi, và tỷ lệ này bắt đầu tăng lên. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chi phí phòng, chống đuối nước ở trẻ em không hề đắt hơn so với các can thiệp phòng, chống các bệnh kể trên.