NHẦM
Chuyện rằng, có ông chồng nọ sau một chuyến công tác xa, về đến nhà một lúc bỗng nhiên kéo vợ ra khen nức, khen nở: “Ôi, vợ xinh đẹp. Em quả là tuyệt vời, em làm anh xúc động quá. Anh mới chỉ đi một tháng mà em đã làm cho ngôi nhà thân yêu của chúng ta thay đổi ngỡ ngàng. Hiện đại hóa là đây chứ là đâu nữa”. Bà vợ chả hiểu mô tê bèn hỏi lại: “Cái gì?”. Ông chồng chưa nguôi cơn hào hứng, tiếp tục buông lời ca tụng: “Thì đó, ví dụ như cái nhà vệ sinh chẳng hạn. Quá đẹp và hiện đại. Đã sạch bóng, mát rượi, lại còn tự động bật đèn khi mở cửa, đóng cửa nữa mới đẳng cấp chứ. Anh ngồi cả buổi chả còn muốn ra ngoài”. Bà vợ nghe vậy hét toáng: “Trời ơi là trời, ông “tương” trong cái tủ lạnh mới mua của tôi rồi”.
Tất nhiên đấy là chuyện bịa. Chỉ có kẻ tâm thần mới nhầm cái tủ lạnh sang nhà vệ sinh. Trước khi bàn về hành vi này của con người xin phép được nói một chút về câu chuyện tế nhị này của con vật. Khoan vội coi thường, đối với con vật thì việc chọn ở đâu để gửi gắm đầu ra chả hề bừa bãi tẹo nào. Ai từng chăn trâu khắc biết, những con trâu được coi là “mẫu mực” thì cố rốn chuyện ấy về chuồng nhà, mà ngay trong cái chuồng chật chội đó, dù vụng về nó cũng chọn cho được một góc để ưu tiên phần “khó bảo”. Trong một số trường hợp cá biệt, khi không thể rốn về đến nhà thì loài trâu vốn nổi tiếng ngu ngốc ấy cũng chọn một điểm quen thuộc trên đường để dừng lại làm “toa lét dã chiến” cho mình. Con lợn cũng vậy, dù bị giới hạn trong cái chuồng ít sạch sẽ nó cũng chọn cho mình một “góc tâm tư” đấy thôi. Đấy là loài vật, cái giống vô ngôn ngữ, vô học hành không có nhuộm tóc, tỉa lông mày hay xăm môi gì cả!
Giờ sang con người, rất lý thú là chuyện vệ sinh cá nhân vinh dự được dân gian xếp vào hàng tứ khoái, đấy là một sự ưu ái không hề nhẹ. Đối với loài người thì nó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Việc giải quyết chuyện ấy đối với con người không đơn thuần là một hoạt động sinh lý trong quy trình bài tiết của cơ thể sống. Hành động vứt một cái tăm xỉa răng ra khỏi miệng cũng đã thể hiện cái phông văn hóa của cá nhân, suy rộng ra là của cộng đồng chứ đừng nói đến chuyện ấy! Thế mà, thật không thể hiểu nổi, thật không thể tin nổi chính giữa tuần này, lại chính giữa thủ đô, có hai chị mặt mày sáng sủa, dáng vóc quý phái, thanh tao, lại không hề bị tâm thần, vậy mà lại chủ động “tương” ngang nhiên trong thang máy của một tòa nhà chung cư! Tin đi, chuyện thật đấy! Ơn giời, có camera ghi rõ ràng. Coi lại clip mà cứ uất nghẹn vì cái “độ” nhớp nhúa của kẻ thiểu năng văn hóa ấy. Dùng mũ che camera, rồi tuột quần ra tè. Xin lỗi cũng phải khen là bà này căn chuẩn! 26 giây không hơn, không kém cho việc tống réo rắt cái thứ chất lỏng giàu ô nhiễm ấy ra khỏi người. Vừa khép cái hành vi vụng trộm ấy cũng là lúc cửa thang máy mở ra. Úi chao ôi, lỡ cửa thang máy mở sớm hơn một giây thôi thì lòi cái ngổn ngang ấy ra ngoài rồi. Hú vía nhà chị!
Không thể có một biện minh nào cho cái hành vi biến thái này. Trên các trang mạng đang ào ào ném đá và cũng chả cần đến 24 giờ để cư dân mạng lôi trang cá nhân facebook của “sướng chủ” ra hỏi tội. Gạch đá cứ ào ào về cùng một hướng. Lác đác vài kẻ tỏ ra bề trên để khuyên răn kiểu như: “Người ta là phụ nữ, mót quá không chịu được, thông cảm. Chỉ một xô nước dội việc gì mà ầm ĩ với các chị em yếu liễu tơ đào”. Nghe bàn phím dạy mà nẫu cả ruột!
Một số Facebooker “kền kền” còn múa chữ vụng về biện minh cho hai người phụ nữ ấy bị… nhầm! Rồi kêu gọi bỏ qua để nghĩ việc khác lớn hơn. Úi giời, cái nhỏ mà còn chưa giải xong nghĩ gì cái lớn! Đừng nhân danh lòng trắc ẩn để bảo vệ cái nhớp nhúa. Đừng cố cao thượng hóa cá nhân bằng cách coi xung quanh là rơm rạ. Nó nhỏ nhưng nó là văn minh đấy ạ, mà văn minh hình như là một trong những chỉ số phản ánh sự phát triển của xã hội đấy ạ. Thưa, hành vi ấy không hề nhỏ. Nó phản ánh cái thứ văn hóa khốn nạn, vô trách nhiệm của một bộ phận đang ký sinh chui lủi trong cộng đồng. Một con chuột chết cũng lén lút tìm cách vứt ra ngoài đường. Một nắm bã mía nhai nuốt nước xong cũng tìm cách hạ kính vứt qua cửa xe. Bản thân thì tìm mọi cách để sạch sẽ, thơm tho nhưng lại ngang nhiên tống ra ngoài tất cả những gì khó chịu. Sống vô cảm, vô ý thức, vô trách nhiệm, thậm chí độc ác như vậy mà là chuyện nhỏ được thì bao giờ cho lớn?
Sự khác nhau về bảo vệ không gian sống không chỉ là hạ tầng mà còn là ý thức con người. Người Việt chúng ta vẫn thiếu nghiêm trọng cái ý thức vì cộng đồng. Chỉ có khai thác cộng đồng vun vén cá nhân chứ mấy ai làm điều ngược lại? Năm ngoái lan tràn cái video clip quay hình ảnh mấy ông Tây lội mương vớt rác tình nguyện giữa thành phố, còn bà con người Việt đứng trên bờ để xem, cười và chỉ trỏ. Vậy mà một chiếc xe chở vịt bị lật lại biết đường lao ra tranh nhau hôi về làm thịt. Ăn xong chiếc kẹo là quăng vỏ xuống vỉa hè, mặc dù cái giỏ rác chỉ cách đó vài ba bước chân. Vì sao ư, vì cái vỉa hè không phải là của riêng họ, thế thôi. Tại sao cư dân mạng lại nổi khùng vụ tiểu tiện trong thang máy ư? Hành vi bất chấp của hai bà chị trong thang máy là giọt nước tràn ly phản ánh cái lối sống quái dị ấy. Việc dùng vật cản che bịt mắt camera chứng tỏ họ đâu có lú lẫn. Động tác phối hợp ăn ý giữa 2 nhân vật chính rất có khả năng đây không phải lần đầu. Thậm chí, việc nhịn cho “no tiểu” để “tương” giữa thang máy không loại trừ là hành vi cố tình phá hoại tài sản. Nó đáng cực lực lên án. Họ không nhầm, có chăng chỉ là tạo hóa đã nhầm khi nặn vắt ra họ. Đấy là câu chuyện thứ nhất.
Câu chuyện thứ hai nóng hầm hập trong tuần, đó là vụ công ty sản xuất ti vi đình đám của Việt Nam với slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” vừa bị phát hiện có đến ít nhất (xin nhấn mạnh lại là ít nhất) 70% linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế là rõ, bộ sưu tập các giải thưởng dày cộm, niềm tự hào thương hiệu Việt cùng tham vọng “Vươn tầm ra thế giới” của ông chủ trẻ đổ gục trước một sự thật đau đớn được phơi bày. Không có sản xuất cái gì cả, chỉ nhập, mua, lắp ráp và dán tem để bán. Ăn chạc lòng tin của khách hàng và ăn lẫm uy tín của Quốc gia. Bao nhiêu năm khách hàng và cả những người chưa kịp làm khách hàng đều trút tất cả sự yêu mến trên nền tảng một chữ nhầm! Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành (trong đó có Bộ Công an) vào cuộc.
Cú ngã sàn bất đắc kỳ tử của một thương hiệu Việt là mất mát lớn, nhưng cái thực sự làm tổn thương xã hội chính là lòng tin. Cứ tung hô đình đám như “Khải Siu”, như Asanzo, như Alibaba rồi đổ rụp, một tích tắc xuống tận đáy âm phủ như vậy liệu ai còn đủ khờ dại và kiên nhẫn để tin vào thương hiệu Việt? Đài Truyền hình Việt Nam lập tức nhổ tên vị giám đốc “Cá mập” ra khỏi “Hội đồng đầu tư” của một chương trình truyền hình thực tế cực hot. Tin nhầm, yêu nhầm, thần tượng nhầm, ủng hộ nhầm… gì cũng nhầm chỉ mỗi sự giả dối là thật! Tự nhiên nghĩ đến những chiếc ô tô Việt, những gói mì Việt, những ly cà phê Việt và hàng ngàn thương hiệu khác. Nhịp sống thị trường vẫn hối hả và kiêu hãnh. Mong sao những câu chuyện “đầu dê thịt chó” vừa qua là tệp bài học để các doanh nghiệp Việt nhận ra lề phải của lối đi. Về phía người tiêu dùng, có lẽ cũng cần có cái nhìn bao dung hơn, thông cảm hơn và nâng đỡ hơn, chúng ta không bỏ sót nhưng chúng ta cũng không nên giết… nhầm!