Ngôi nhà sinh sống của bà Vinh có sự chứng kiến của các đoàn phòng chống bão lụt, có xác nhận của bản làng và chính quyền xã, bị cơn lũ cuốn trôi nhưng lại không được hỗ trợ tài sản. Lý do đoàn kiểm đếm của thủy điện đưa ra là khi họ đến thì không thấy nhà nữa nên không đưa vào danh sách đền bù…..
Trung tuần tháng 6, trong căn lán dựng tạm bên Quốc lộ 7, bà Nguyễn Thị Vinh khóc nức nở khi thấy đoàn công tác của Đại biểu Quốc hội ghé thăm. Căn lán rộng chừng vài mét vuông này là nơi ở của bà suốt gần một năm nay, kể từ khi căn nhà bị nước lũ cuốn trôi xuống dòng sông Lam. Bà Vinh không có chồng, một mình tần tảo nuôi 4 người con, nhà mất, các con của bà mỗi khi đi xa về đành phải mỗi người một nơi, tá túc nhờ người thân, họ hàng.
Cũng như nhiều hộ dân khác ở “chảo lửa Đông Dương” này, trận lũ lịch sử cuối tháng 8/2018 đã làm ngôi nhà gia đình bà bên cạnh Quốc lộ 7A bị ảnh hưởng. Ngay trong đêm 30/8/2018, lực lượng phòng chống lụt bão của huyện, xã và các đoàn đã đến gia đình bà yêu cầu bà ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn, đồng thời giúp bà tháo dỡ mái tôn. Ngày 31/8, bà định tháo dỡ nhà để đảm bảo tài sản nhưng lực lượng chức năng không cho vì sợ nguy hiểm. Nhưng đến chiều cùng ngày thì ngôi nhà đã bị nước lũ cuốn trôi sông cùng với các tài sản như bể nước, chuồng gà, chuồng lợn…. Hôm đó có sự chứng kiến của cả công an, bộ đội lẫn đại diện chính quyền và hàng xóm bà.
Nhà bà Vinh ở bản Cửa Rào 2 (xã Xá Lượng), cách ngã ba sông Nậm Nơn, Nậm Mộ chừng vài chục mét về hạ nguồn. Phía trước nhà là Quốc lộ 7, sau hiên là sông Lam. Khu vực này thuộc về lòng hồ của thủy điện Khe Bố. Bất lực nhìn ngôi nhà trôi theo dòng nước, bà Vinh kể rằng, những ngày đó bà phải sống tạm dưới một cái ô nhỏ chỉ đủ để che mưa, che nắng, xung quanh che chắn bởi những tấm tôn. Ít hôm sau , vì thương cảm, em trai bà đến đón chị về cho ở nhở. Đến tháng 12/2018, bà về dựng tạm căn lều ở trên mảnh đất cũ để sinh sống từ đó đến nay.
“Tôi trước đây làm nghề bán bánh mướt ngay tại nhà. Nhưng nhà bị cuốn trôi, từ đó đến nay không những mất chỗ ở mà còn mất cả công việc”, bà Vinh nức nở chỉ tay về những chiếc lò nấu bánh mướt nằm chỏng chơ giữa nắng, bên trên bụi đất bám kín….
Về việc bồi thường, bà Vinh kể rằng, đầu năm 2019, bà được mời xuống huyện làm việc, thống nhất hỗ trợ tài sản trên đất là 220 triệu. Tuy nhiên, sau đó không lâu huyện lại mời xuống làm việc và thông báo bà không được hỗ trợ tài sản trên đất mà chỉ hỗ trợ theo nhân khẩu với tổng số tiền 118 triệu đồng. Cùng với đó thủy điện Khe Bố hỗ trợ thêm 50 triệu đồng và tỉnh 20 triệu đồng, tổng là hơn 180 triệu đồng. Lý do ngôi nhà bà Vinh không được hỗ trợ theo lý giải của huyện Tương Dương là thời điểm kiểm đếm của đoàn cán bộ thủy điện thì bà không có nhà vì đã bị trôi mất nên không có cơ sở đền bù. Nhưng bà Vinh không đồng ý với lập luận này.
“Ngôi nhà tôi dành dụm xây dựng mà nên, nhà có sự chứng kiến của các cấp ngành, các đoàn đều có chứng kiến, xóm bản đều có mặt chứng kiến, có cả hình ảnh trước khi nó đổ sập xuống sông. Thế mà khi đoàn đi kiểm đếm thì không có vì đã bị trôi rồi, nếu không được hỗ trợ thì quá thiệt thòi cho gia đình tôi”, bà Vinh nói.
Ông Nguyễn Hữu Trung – Trưởng bản Cửa Rào 2 cho hay, thời điểm nhà bà Vinh bị trôi xuống sông, ông cũng có mặt tại đó. “Thật vô lý. Phía thủy điện về nói rằng, nhà đã bị cuốn mất nên họ không có cơ sở để định giá đền bù. Chúng tôi bảo dù không tin bà Vinh thì có chính quyền địa phương, có công an, bộ đội và hàng trăm hộ dân ở đây biết nhưng họ vẫn không chịu”, ông Trung bức xúc.
Bà Vy Thị Bích Thủy – Bí thư Đảng ủy xã Xá Lượng xác nhận, trường hợp bà Vinh có nhà bị nước lũ cuốn trôi trước khi có đoàn kiểm đếm của thủy điện Khe Bố đến. Do không có tài sản để kiếm đếm nên phía thủy điện không đồng ý hỗ trợ tài sản mà chỉ hỗ trợ theo khẩu. “Theo tôi thủy điện làm thế quá cứng nhắc, vì ở đây ai cũng biết bà Vinh có nhà bị cuốn trôi”, bà Thủy nói.
Bà Vinh là một trong 14 hộ bị thiệt hại do mưa lũ gây ra thời điểm đó tại huyện Tương Dương. Ngày 30/8/2018, nước lũ cũng khiến ngôi nhà chị Bành Thị Vân (trú tại bản Thạch Dương, xã Thạch Giám) nằm trong diện nguy hiểm. Sau đó gia đình phải thuê người dỡ nhà, chuyển đồ đạc về nhà mẹ đẻ để sống tạm. Chị Vân cũng nhận được thông báo là thủy điện Khe Bố sẽ hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc trên đất hơn 300 triệu đồng, còn không đền bù đất. Đã gần một năm trôi qua, chị Vân vẫn phải ở nhờ nhà mẹ đẻ, ngôi nhà tháo dỡ ra vẫn để ngổn ngang ngay trong vườn nhà hàng xóm.
Chị Vân cũng như những hộ dân khác, đều không được đền bù về đất, nhưng lại không được trở lại làm nhà sinh sống trên mảnh đất cũ bị ảnh hưởng. “Nếu muốn nhận tiền hỗ trợ vật kiến trúc trên đất thì phải cam kết không trở lại làm nhà trên đất cũ. Đất tôi bỏ tiền ra mua cho con gái làm nhà, giờ không được làm nhà trên đất thì phải đền bù đất cho con gái tôi mua mảnh đất khác chứ như thế này thì thiệt thòi quá”, bà Lê Thị Hường, mẹ chị Vân nói.
Bà Lương Thị Hiên – Phó chủ tịch UBND xã Thạch Giám cho biết, theo chính sách hỗ trợ thì dân không được đền bù về đất. Ban đầu xã cũng mong muốn thủy điện hỗ trợ một phần nào đó về đất để cho người dân đỡ thiệt thòi nhưng không được. Số tiền hỗ trợ nếu cùng mua đất, xây nhà thì không thể đủ.
“Huyện cũng đề nghị xã tìm địa điểm cho dân tái định cư, xây nhà. Còn xã đề nghị phía thủy điện hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phía thủy điện sau đó đề nghị tìm được mặt bằng sẽ xem xét sau. Nếu phải di dời mà chỉ hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc trên đất mà không đền bù đất thì cũng thiệt thòi cho bà con”, bà Hiên nói.
Ông Nguyễn Phùng Hùng – Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương cho biết, về 14 hộ dân bị ảnh hưởng bởi đợt mua lũ tháng 8/2018, hiện đã thống nhất phương án hỗ trợ cho 12 hộ, còn hai hộ trong đó có trường hợp bà Vinh. Huyện cũng muốn dân được đền bù đất cho dân nhưng không có cơ quan nào chỉ ra lỗi của thủy điện gây ra nên chỉ được áp dụng phương án hỗ trợ. Phía thủy điện cũng không đồng ý đền bù vì cho rằng những gia đình này nằm trên cốt ngập của thủy diện Khe Bố.
“Huyện cũng yêu cầu các hộ phải cam kết di chuyển đến nơi ở khác mới được nhận tiền hỗ trợ kinh phí, không thể quay lại đất cũ sinh sống vì rất nguy hiểm. Trường hợp bà Vinh có nhà bị trôi, huyện cũng lập biên bản theo mô tả có hình ảnh chụp lại trước khi bị trôi, có biên bản chứng kiến của bản, và xã, sau đó tính được hỗ trợ 220 triệu. Khi đoàn kiểm đếm của thủy điện Khe Bố đến lại không có tài sản, khi gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ thì không được duyệt vì họ cho rằng không có nhà cửa thực tế. Do đó, chỉ được hỗ trợ theo nhân khẩu, hơn 180 triệu đồng. Đây cũng là một thiệt thòi cho gia đình bà Vinh”, ông Hùng nói.
Sau khi ghé thăm bà Vinh, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu đề nghị huyện Tương Dương nên xem xét, phối hợp thủy điện đền bù nhà cho bà Vinh. “Nhà người ta sinh sống lâu đời ở đó, hàng xóm biết, chính quyền biết. Bây giờ bị lũ cuốn xuống rồi, đoàn kiểm đếm đến không thấy nhà thì không chịu đền bù thì thật vô lý. Người ta mất nhà mất cửa, mất công ăn việc làm mà còn kỳ kèo mấy chục triệu như thế thì thật quá đáng”, ông Cầu bày tỏ bức xúc trước cách làm việc của chính quyền cũng như thủy điện.
viphonkham
bac cầu nói đúng, quá vô ly
viphonkham
nên ra soát lai múc độ anh hưởng của các công trinh thuy điên vi qua sát dân ,làm dân chiu ảnh hưởng các chất dầu mỡ của nhà máy va ô nhiêm tiếng ồn của nhà máy khi hú còi,cung nhu tiếng đập tràn.ôn lắm
Nguyễn văn dương
Gia đình tôi cũng bj mất mát rất nhjêu sau mấy đơt thủy điện xả lũ.gđ tôi đã gửi đơn lên huyên tương dương mà đã gần 1 năm rồi vẫn chưa đươc câu trả lời nào cả.rất mong các nhà báo và đai bjêu bác nguyễn hữu cầu xem xet ah
Nguyễn văn dương
Rất mong các nhà báo vào cuôc sớm để nhân dân chúng tôi mới yên tâm về nơi ăn chốn ở lâu dài.