Ở một xóm nhỏ, thuộc xã vùng ven thành phố Vinh, có một ngõ nhỏ khá đặc biệt. Dù cũng đường bê tông, cũng nhà dân còn lưu giữ nét thôn mạc, cũng lúp xúp cây xanh…, nhưng ngõ “đặc biệt” bởi có đoạn tường rào treo đặt một số bức phù điêu, nhóm tượng được sáng tạo công phu, thể hiện cái tâm nghề với những khổ tâm, lao linh. Tác giả, người tạo nên chúng, là một bậc cao niên có mái tóc bạc khá quen thuộc với giới làm báo – họa sỹ điêu khắc Trần Minh Châu.
Lão họa sỹ có mái tóc bạc này tâm sự rằng, nhà chật hẹp, không còn nơi chứa nên đành đưa một số tác phẩm “mang nặng, đẻ đau” phơi ngoài sương gió. Họa sỹ điêu khắc Trần Minh Châu vốn không phải người hay đùa. Bởi các tác phẩm mà ông đã sáng tác trong cuộc đời làm nghề, đều không có chỗ cho sự dễ dãi, và có giá trị nghệ thuật, nhất là tượng và các bức phù điêu. Quả là nhà ông quá chật. Thế nên rất nhiều tác phẩm “được” ở trong khuôn viên nhà, dù danh giá bởi đã nhận được các giải thưởng cao từ cấp địa phương đến trung ương, cũng đành xếp lớp bên tường, hoặc treo sạt sạt dưới mái hiên, và cũng đành chịu những tác động khắc nghiệt của thời tiết. Lão họa sỹ đã nói rất nhiều về các tác phẩm, về những giải thưởng…, nhất là những tác phẩm tâm đắc nhất của ông về đề tài Người cha già của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi lắc mái đầu bạc, họa sỹ nói đầy tiếc nuối: “Gần đất xa trời. Rốt cục cũng chẳng thể mang theo…”.
Tôi buột miệng nói với ông: “Giá như có một không gian mỹ thuật Nghệ An…” Như bừng tỉnh, ông lẩm bẩm “Thế thì tốt quá!”. Rồi lại lắc mái đầu bạc: “Nhưng sẽ không có một không gian như vậy. Khó lắm!…”. Và để khẳng định sẽ không có “một không gian mỹ thuật Nghệ”, ông nói rằng bản thân đã gõ cửa khá nhiều nơi, đã gặp một số người có trách nhiệm để nói về ý nguyện hiến tặng toàn bộ các tác phẩm của suốt cuộc đời sáng tác, nhưng rốt cục, không được ai hồi đáp. Và kết lại, ông nói: “Tôi sẽ hiến tặng hết, nếu có một không gian như vậy. Hiến để người ta lưu giữ, trưng bày chứ để lại làm gì. Nếu không mai hậu, cũng hư hỏng hoặc mất mát hết thôi…”.
Tôi hỏi người bạn là nữ Giám đốc Nhà Xuất bản Nghệ An Bùi Ngọc rằng “Đã khi nào có một không gian mỹ thuật ở xứ Nghệ mình?” Bùi Ngọc trả lời: “Không gian mỹ thuật theo tôi hiểu là sân chơi chuyên nghiệp dành cho giới họa sỹ và những người yêu hội họa. Nếu như vậy thì ở ta chưa có…”. Vậy có cần không? Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An (là người từng giúp một số họa sỹ cho ra đời những tập sách ảnh giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của họ; đồng thời, chị cũng là thành viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh) lập tức khẳng định: Cần lắm chứ!
Cũng câu hỏi này, tôi đã gửi tới họa sỹ Nguyễn Hữu Dỵ – một tài danh. Ông nói, đây là câu chuyện từng được đề cập đến tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cách đây vài chục năm. “Thời đấy, còn có cả bố cháu, Đào Phương, Tiêu Cao Sơn… Bọn chú đã nói nên có một không gian trưng bày các tác phẩm ưng ý của anh em họa sỹ để giới thiệu các tác phẩm đến với người yêu mỹ thuật. Để người muôn nơi biết Nghệ An là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, xem trọng văn nghệ sỹ. Để động viên anh em họa sỹ có thêm động lực sáng tạo… Nhưng rồi bàn xong thì để đấy, không thể thực hiện được…”. Vậy bây giờ thì sao. Có cần một không gian mỹ thuật nữa hay không? Ông trả lời: “Chú rất cảm ơn khi đã hỏi đến điều này. Cần lắm. Rất cần một không gian như thế…”. Rồi ông nhắc cho tôi về rất nhiều các họa sỹ tạo được tên tuổi của nhiều thời kỳ, cùng những tác phẩm để đời của họ. Là Trần Khánh, Phùng Tôn, Trần Minh Châu, Đào Phương, Tiêu Cao Sơn, Lê Anh Tuấn, Hoàng Hải Thọ, Hoàng Trung, Hồ Thiết Trinh… Và ông cũng buồn như lão họa sỹ điêu khắc Trần Minh Châu: “Một số đã là người thiên cổ. Người đi, tác phẩm liệu có còn lưu…”.
Thành phố Vinh đang dự kiến xây dựng các phố đi bộ, gồm: Đường Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Cầu Nại đến điểm đầu đường Nguyễn Trung Ngạn); Đường Nguyễn Văn Cừ (điểm đầu giao nhau với đường Hồ Tùng Mậu, điểm cuối giao nhau với đường Lê Hồng Phong); đường Nguyễn Trung Ngạn nối với ngõ số 2 đường Nguyễn Trung Ngạn, điểm cuối giao nhau đường Nguyễn Văn Cừ và đường Nguyễn Tài (điểm đầu giao nhau với đường Hồ Tùng Mậu, điểm cuối giao nhau với đường Nguyễn Văn Cừ). Quá trình lựa chọn và đi đến quyết định đã cân nhắc kỹ các lợi thế để phát huy hiệu quả. Nhưng để tạo được sự hấp dẫn, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách, rất cần những không gian giàu thẩm mỹ, có chiều sâu văn hóa, và biểu đạt một cách khái quát, cô đọng nhất được sự hình thành phát triển của đất nước, con người xứ Nghệ.
Nghĩ vậy, nên tôi nói về niềm mong “một không gian mỹ thuật Nghệ…” với Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Vinh, anh Nguyễn Quốc Thắng. Thủa nhỏ, Nguyễn Quốc Thắng từng học vẽ nên giờ dù tham gia công tác quản lý nhưng vẫn yêu thích mỹ thuật, hội họa. Anh nói rằng: “Quá cần. Thành phố khi đặt vấn đề về dự án phố đi bộ đã tính đến việc trên phố cần những gì đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vỉa hè rồi đây cũng sẽ có các cụm tượng trang trí, có các hoạt động văn hóa – nghệ thuật… Nhưng nếu có một không gian mỹ thuật thuần Nghệ thì rất tuyệt…”.
Nhưng dù “quá cần”, dù “rất tuyệt”…, nhưng như Trưởng phòng Quản lý đô thị Nguyễn Quốc Thắng nói, để thành hiện thực một không gian mỹ thuật thuần Nghệ e rằng là khó, vượt tầm của thành phố. Vì muốn thực hiện được, không chỉ vấn đề tác giả tác phẩm, mà cần không gian trưng bày, cần kinh phí đầu tư, cần người quản lý và vô khối cái cần nữa sẽ phát sinh…”. Dĩ nhiên, anh nói đúng!
Nhưng tôi nghĩ đến câu chuyện mà rất nhiều người biết đến ở Thủ đô Hà Nội. Ở đấy, trên con phố Nguyễn Hữu Huân có quán cà phê Lâm nổi danh như người ta hằng truyền tụng câu nói của Nhà văn Nguyễn Tuân: “Hữu ngạn sông Seine có Bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có café Lâm”. Ông chủ quán cà phê này lưu giữ được một kho tàng tác phẩm của các họa sỹ tài danh của đất nước như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên… Kho tàng ấy, thực sự rất giá trị. Bởi những tác phẩm của các họa sỹ tài danh ấy, đều là bản gốc, gồm đủ giá trị văn hóa – lịch sử – nghệ thuật thế nên như báu vật, đến Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia cũng không mong có được?
Rồi lại nghĩ đến Công viên Festivan tuyệt đẹp bên dòng sông Hương của thành phố Huế. Ở đấy, người ta có được rất nhiều tác phẩm mỹ thuật ứng dụng do nhiều họa sỹ tài danh đến từ nhiều nước đến sáng tác, rồi để lại. Trong đó, có tuyệt phẩm “Đợi” của Họa sỹ điêu khắc Đào Phương, một tài danh của đất Nghệ An. Và nghĩ, tại sao người ta làm được mà mình chưa làm được?
Đúng như các họa sỹ Nguyễn Hữu Dỵ, Trần Minh Châu… đã ngậm ngùi, bởi mảnh đất này có không ít danh tài, nhưng khi họ qua đời, vì điều kiện, hoàn cảnh, các tác phẩm đau đáu một đời sáng tác giờ đã hư hỏng, hoặc thất lạc. Họa sỹ điêu khắc Đào Phương, là tác giả của nhiều những công trình mỹ thuật ứng dụng hiện đang được sử dụng như cụm tượng “Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng” tại Công viên Nguyễn Tất Thành, tượng Phan Bội Châu dựng tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ông có hoàn cảnh gia đình khá éo le, sau khi qua đời, nhiều những tác phẩm có giá trị, biểu dạt tính nghệ thuật cao, được tặng thưởng cao giờ không còn nữa.
Rõ ràng, các văn nghệ sỹ trong lĩnh vực mỹ thuật với các tác phẩm họ đã sáng tạo được trong nhiều thời kỳ, làm dày thêm trầm tích văn hóa xứ Nghệ. Nếu không lưu giữ, không bảo quản, không trưng bày… và tệ hơn, để mai một, và mất mát thì sẽ là một tổn thất không nhỏ trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật. Dù khó, nhưng không thể không nghĩ đến. Để từ không thể, trở thành có thể…