Sau những cảnh báo về tình trạng biểu tượng, linh vật ngoại tràn lan hồi năm 2013 – 2014, dù ngành chức năng (VH,TT&DL) và các địa phương đã vào cuộc, vậy nhưng ở Nghệ An vẫn chưa tạo được chuyển biến đáng kể. Linh vật nghê Việt như vẫn còn xa lạ với người Nghệ…
Tháng 5/2019, tại Bảo tàng Nghệ An có một cuộc triển lãm “lạ” với tên gọi: Triển lãm “Linh vật Nghê Việt”. Nói rằng “lạ” bởi đây là lần đầu tiên có một cuộc trưng bày khá phong phú, đa dạng các hiện vật cổ và nhiều những sưu tập ảnh về linh vật nghê Việt. Và “lạ” còn bởi tại cuộc triển lãm này, người ta làm rõ đến mức tỉ mỉ từng chi tiết về nhân dạng, hình hài của nghê Việt để người xem có thể thấy rõ những khác biệt với linh vật ngoại.
Tại sao lại tổ chức cuộc triển lãm này? Những người thực hiện cuộc triển lãm (thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) và Bảo tàng Nghệ An) thông tin, đại ý nghê là linh vật đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa của người Việt. Vậy nhưng trong những năm qua đang bị quên lãng, bị chính người Việt thay thế bằng các linh vật ngoại mang biểu tượng không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Không chỉ vậy, các linh vật ngoại đang được sao chép, nhân bản bày, đặt tại nhiều nơi, từ công sở, di tích, tư gia và không gian công cộng. Đáng nguy hại là tình trạng này khiến không ít người Việt đang có sự nhầm tưởng linh vật ngoại là linh vật Việt… Thế nên, cuộc triển lãm này ngoài trưng bày linh vật nghê Việt của các thời kỳ, còn có mục tiêu làm rõ đâu là linh vật thuần Việt, đâu là linh vật ngoại để người xem ngoài thưởng lãm còn có thể nhận biết, từ đó lành mạnh hóa môi trường thẩm mỹ, bảo tồn và phát huy được giá trị di sản dân tộc.
Nghe giải thích, lại nhớ đến những năm 2013 – 2014, các phương tiện thông tin đại chúng đã rầm rộ lên tiếng cảnh báo về tình trạng linh vật ngoại tràn ngập đất nước. Ông Nguyễn Đức Bình – cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh xác nhận về điều này và cho hay, từ năm 2014, Bộ VH,TT&DL đã có các văn bản về việc không sử dụng, trưng bày các biểu tượng, linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục, công sở; chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm Luật Di sản… Nhưng có một thực tế mà như ông Bình trao đổi là hiệu ứng tạo được còn hạn chế, nên kết quả thu được còn chưa được như mong đợi.
Ông Nguyễn Đức Bình nói: “Tôi đã đến những làng đá mỹ nghệ lớn nhất đất nước, như làng đá mỹ nghệ Non Nước. Ở những nơi ấy, tôi tìm gặp các nghệ nhân để hỏi họ có thể tạo tác được linh vật nghê Việt hay không? Đáng buồn là dù họ nhắm mắt cũng có thể làm được những con tỳ hưu, những con sư tử ngoại, nhưng lại không thể làm được nghê Việt. Ở Nghệ An mình cũng vậy thôi. Ở đây có vùng đá quý Quỳ Hợp với nhiều cơ sở đá mỹ nghệ; ở đấy cũng có nhiều đại gia ham thích sử dụng, trang trí các linh vật được tạo tác từ đá quý. Vậy nhưng họ chỉ biết và sử dụng linh vật ngoại. Thậm chí, ở Nghệ An vẫn có những công sở, điểm công cộng sử dụng linh vật ngoại…
Đem theo những tâm tư ở triển lãm “Linh vật Nghê Việt” ngược lên xứ sở đá quý Quỳ Hợp, quả một thực tế buồn đến mức thảm họa. Dọc theo Quốc lộ 48, hay tại các khu vực trung tâm thị trấn Quỳ Hợp, có rất nhiều gia đình khá giả đang “trưng” linh vật tại những vị trí dễ quan sát như cổng, ban công, cửa ra vào… Nhưng tất cả đều là những linh vật xuất xứ từ Trung Quốc như con tỳ hưu “có vào không có ra”, những cặp sư tử đá có bộ lông xoắn tít mang bộ mặt dữ tợn. Tuyệt nhiên không có linh vật thuần Việt.
Từ ngã ba Săng Lẻ đến thị trấn Quỳ Hợp với chiều dài hơn chục km, có rất nhiều cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ. Nhưng tại những nơi này cũng không có sự tồn tại của linh vật nghê Việt, mà chỉ có hình hài các con vật ngoại lai. Hỏi chủ các cơ sở, những nghệ nhân, công nhân…, họ đã nói rất thật là làm theo đơn đặt hàng của khách. Đặt gì thì làm nấy. Từ nhiều năm nay, họ chỉ thấy khách đặt sản xuất tỳ hưu, nghê Trung Quốc, sư tử đá… Thế cho nên ngay cả nghê Việt có đặc điểm gì, hình dạng như thế nào, họ không hay biết.
Tại các cửa hàng bán buôn, bán lẻ đồ gốm sứ, cũng có thể thấy rõ linh vật ngoại đang là một món hàng được ưa dùng. Hỏi chuyện, một chị bán đồ gốm sứ trên đường Nguyễn Phong Sắc (TP. Vinh) nói: “Kinh doanh mà. Khách hàng thích gì thì mình đưa về phục vụ…”.
Thực trạng ở một số trung tâm huyện lỵ và cả thành phố Vinh cũng không mấy khác xứ sở đá quý Quỳ Hợp. Nhất là ở thành phố Vinh, có không ít khách sạn, khu đô thị, cửa hàng kinh doanh lớn trưng bày linh vật ngoại. Đó là Khách sạn Mường Thanh Sông Lam với cặp tỳ hưu đặt ngay trước sảnh; hay khu chung cư cao tầng của Công ty TECCO nằm trên đường Quang Trung thì có đôi sư tử đá khá lớn hướng mặt ra đường… Thậm chí, ngay tại sảnh của Sở LĐ,TB&XH là đơn vị từ năm 2014 có tên trong danh sách các di tích – công sở có sử dụng các linh vật, hiện vật không phù hợp thuần phong, mỹ tục (Báo cáo số 2982/BC-SVHTTDL ngày 29/10/2014), nay vẫn hiện hữu một đôi sư tử đá…
Bối rối trước những tràn lan linh vật ngoại, chúng tôi đành cầu cứu các cán bộ Bảo tàng Nghệ An rằng: Tìm nghê Việt ở đâu? Và nhận được câu trả lời: “Nên đến các di tích, nhất là các đền thờ. Ở đấy có thể sẽ có nghê Việt…”. Quả đúng. Ở các đền cổ, và cả những ngôi đền mới được phục dựng, có hình tượng nghê Việt.
Những ngôi đền thờ cổ, như đền Cuông (xã Diễn An, huyện Diễn Châu), là nơi thờ Vua Thục An Dương vương và Công chúa Mỵ Châu, hay đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí (xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc)… có hình tượng nghê Việt khá nổi bật, bởi được tạo hình đẹp. Nhưng tại các ngôi đền mới được phục dựng như đền Trìa (xã Hưng Lộc, TP. Vinh), hay tại đền thờ Đức ông Hoàng Mười (xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên), các cặp nghê chầu trên trụ tam quan và trụ cổng vào lăng mộ…, việc tạo tác chưa tinh tế, chuẩn xác, tính thẩm mỹ thấp. Bởi vậy, chưa phản ánh được đầy đủ đặc điểm, hình dạng và nhất là tinh thần của nghê Việt cổ.
Nghê Việt được sử dụng ở đâu nữa? Tìm kiếm, chúng tôi đã “phát hiện” thêm nghê Việt có được sử dụng tại một số khu lăng mộ của gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, cũng như ở các đền thờ mới phục dựng, những hình tượng nghê Việt được sản xuất không đảm bảo kỹ, mỹ thuật…
Chuyển những hình ảnh nghê đã ghi lại được ở những đền thờ, lăng tẩm này đến cán bộ chuyên môn của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm để mong có được những nhận xét, đánh giá khách quan. Câu trả lời nhận được rằng đây đúng là nghê Việt. Nhưng… còn thô vụng!.
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật & Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Bình gửi cho chúng tôi bản Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 08/8/2014 của Bộ VH,TT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Báo cáo này đã chỉ ra chi tiết nhiều những tồn tại dẫn đến tình trạng biểu tượng, linh vật ngoại vẫn còn tràn lan trong xã hội. Và theo ông Bình, những nội dung này vẫn nguyên giá trị.
Trong nhiều những tồn tại đáng lưu ý nêu tại báo cáo, đó là việc vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa không biết, không phân biệt được biểu tượng, sản phẩm, linh vật có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài với các các biểu tượng, sản phẩm, linh vật truyền thống của Việt Nam. Vẫn còn tình trạng một số địa phương, bộ, ban, ngành chưa thực sự cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân di dời các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp. Còn nhiều cơ quan công sở nhà nước, các khu tâm linh lớn vẫn còn trưng bày tượng sư tử đá mẫu Trung Quốc, châu Âu. Nhiều sách giới thiệu hoa văn trang trí, tượng… truyền thống của nước ngoài, đặc biệt của Trung Quốc được dịch và giới thiệu ở Việt Nam với giá thành rẻ, phát hành rộng. Nghệ nhân của Việt Nam dễ dàng tiếp cận các ấn phẩm này, mua về và lấy mẫu sử dụng để chế tác các sản phẩm của mình. Trong khi đó, việc xuất bản các sách giới thiệu về hoa văn, tượng, sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam còn thiếu, chưa đến được các làng nghề, các nghệ nhân…
Việc Bộ VH,TT&DL chỉ ra những tồn tại này thật xác đáng. Bởi sự thiếu hiểu biết về di sản văn hóa Việt, cùng với tâm lý sính ngoại vẫn đang thực sự phổ biến trong xã hội. Trong khi đó, cũng vì sự thiếu hiểu biết, hoặc hiểu không đầy đủ nên các nhà sản xuất, các nghệ nhân cho ra đời các loại linh vật Việt kém về thẩm mỹ thì rất khó đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Tìm hiểu kết quả thu được của cuộc triển lãm “Linh vật Nghê Việt”, thông tin nhận được là chưa mấy khả quan, bởi lượng khách đến xem triển lãm còn khiêm tốn. Nhưng với thực trạng hiện nay, rõ ràng các cuộc triển lãm, trưng bày tương tự là hết sức cần thiết. Bởi việc tiếp nạp di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng không thể đòi hỏi chỉ trong ngày một, ngày hai. Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 08/8/2014 của Bộ VH,TT&DL cũng nêu rõ ra rằng, cần tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, và sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông báo chí là hết sức cần thiết. Bởi vậy, cần tiếp tục gióng lên những hồi chuông mới. Phải thẳng thắn nêu rõ ra thực trạng cùng những tồn tại để tiếp tục có sự điều chỉnh. Nếu không, nghê Việt – di sản văn hóa truyền thống sẽ vẫn tiếp tục bị đắm chìm, khuất lấp…!