Trong ký ức của nhiều người từng cống hiến tuổi xuân và một phần máu thịt để làm nên con đường Hồ Chí Minh lịch sử, Vũ Xuân Chiêm là một con người kín đáo, khiêm nhường, không muốn người khác viết nhiều, ca ngợi nhiều về mình. Vì lẽ đó, đến nay có không nhiều bài báo viết về ông. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, Báo Nghệ An ghi lại những câu chuyện ít được kể về người từng là Chính ủy Bộ Tư lệnh 559 trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như một sự tri ân những công lao to lớn của vị tướng tài, một trong những “huyền thoại Trường Sơn” bên cạnh những cái tên khác như Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đồng Sĩ Nguyên…
Tháng 2/1965, Mỹ leo thang phá hoại ra đến vĩ tuyến 20, nhằm vào hệ thống giao thông, hòng ngăn chặn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị xác định giao thông vận tải là trọng tâm đột xuất của toàn đảng, toàn quân và toàn dân. Trung ương Đảng – Chính phủ quyết định nâng cấp Đoàn 559 lên tương đương cấp quân khu, tức quy mô tăng lên hàng chục lần, điều động, bổ nhiệm Thiếu tướng, Bộ trưởng Giao thông Phan Trọng Tuệ khi ấy làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Đại tá Vũ Xuân Chiêm – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần giữ chức Phó Chính ủy.
Trên cương vị mới, khó khăn lớn nhất của Vũ Xuân Chiêm chính là công tác cán bộ, làm thế nào để không phụ sự giao phó của cấp trên, bố trí, sắp xếp người tài vào các vị trí phù hợp. Với tinh thần trách nhiệm, bằng sự sâu sát, tỉ mỉ, Đại tá Vũ Xuân Chiêm đã đích thân đi đến từng đơn vị, từng trọng điểm đánh phá để tìm hiểu, xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ, song song với việc tiếp nhận số cán bộ mà cấp trên bổ sung cho. Phó Chính ủy Vũ Xuân Chiêm cũng tham mưu sắp xếp một cách hợp lý, qua đó phát huy năng lực, phẩm chất của từng cá nhân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần kiện toàn tổ chức của đơn vị.
Cuối năm 1965, trước diễn biến tình hình mới, Bộ Chính trị quyết nghị tướng Phan Trọng Tuệ thôi giữ chức Tư lệnh 559, trở lại cương vị Bộ trưởng Giao thông. Đại tá Vũ Xuân Chiêm được bổ nhiệm làm Chính ủy, trực tiếp gắn bó với tuyến huyết mạch của đất nước cho đến năm 1972.
Trong thời gian này, có những mẩu chuyện được lưu lại, cho thấy Chính ủy Vũ Xuân Chiêm là một người luôn chú ý phát hiện, trọng dụng người tài, luôn vun xới tài năng không chỉ cho đơn vị mình mà còn cho cả đất nước, đơn cử câu chuyện mà nhà thơ Phạm Tiến Duật sau này kể lại trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Quân khu 4.
Theo đó, năm 1969, đồng chí Vũ Xuân Chiêm lúc này là Chính ủy Bộ Tư lệnh Ðoàn 559, là một trong những người đầu tiên đọc được những vần thơ của Phạm Tiến Duật, không ít lần tỏ ý khen ngợi những tác phẩm ra đời trong chính hoàn cảnh mưa bom bão đạn dưới ngòi bút của “thi sỹ Trường Sơn”. Ông đã đề nghị Phạm Tiến Duật chép lại những bài thơ ấy để lưu giữ, thường xuyên đem theo bên mình. Trong lần ra thủ đô Hà Nội năm ấy, hay tin Báo Văn nghệ tổ chức thi thơ, Vũ Xuân Chiêm đã chuyển chúng cho văn phòng Tổng cục Hậu cần nhờ nộp dự thi giúp tác giả khi ấy vẫn đang mải mê sáng tác ở chiến trường. Năm đó, Phạm Tiến Duật đạt giải Nhất với chùm thơ gồm các bài: Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong và Nhớ, vụt sáng trở thành “hiện tượng” của làng thơ, mà người có công đầu trong việc phát hiện và giới thiệu tài năng ấy, không ai khác là vị Chính ủy đôn hậu Vũ Xuân Chiêm.
Một trường hợp khác là anh binh nhất Nguyễn Đức Dụ, nhập ngũ năm 1965, trở thành bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ mở đường. Vốn đam mê và có năng khiếu hội họa, Nguyễn Đức Dụ thường tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để vẽ tranh về bộ đội Trường Sơn. Trong một lần xuống các đơn vị cuối năm 1966, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm vô tình phát hiện ra tài năng của người lính trẻ. Xem tranh Nguyễn Đức Dụ, ông nhận ra ngay đây là họa sỹ tài năng, là một tâm hồn mê say hội họa, gắn bó với đồng đội, với chiến trường.
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn 559 Vũ Xuân Chiêm nhanh chóng quyết định điều ngay Nguyễn Đức Dụ về làm trợ lý Mỹ thuật, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Đoàn 559, trao “đặc quyền” đi vẽ về bộ đội Trường Sơn. Nhờ đó, người chiến sỹ, họa sỹ trẻ được đi, được sống cùng đồng đội trên suốt tuyến đường sinh tử, cho ra đời hàng trăm bức tranh, hàng nghìn bức ký họa về bộ đội Trường Sơn. Những bức ký họa sống động, chân thực ấy đã khiến giới mỹ thuật phải ngả mũ thán phục, trân trọng gọi họa sỹ Nguyễn Đức Dụ là “người chép sử bộ đội Trường Sơn bằng hình”.
Trong hồi ức của những người từng có dịp sống và làm việc gần Chính ủy Vũ Xuân Chiêm, không ít người nói rằng ông đích thị là ông Bụt sống của Trường Sơn. Theo Thiếu tá Phan Văn Cúc – Bác sỹ riêng của đồng chí Vũ Xuân Chiêm hồi ấy (nay sống tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh), trong cư xử với mọi người, ông Vũ Xuân Chiêm đều rất bao dung, luôn giữ thái độ tâm tình, cởi mở, khuyến khích mọi người hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp lên. Chẳng bao giờ người ta thấy ông nổi nóng, nạt nộ ai, kể cả với những người không hoàn thành nhiệm vụ.
Còn với người sỹ quan bảo vệ tên Nho, thủ trưởng Vũ Xuân Chiêm rất “lạ”. Bởi lẽ, tại Trường Sơn, chưa thấy ai “say” đi đơn vị và bám nắm đơn vị như Chính ủy Chiêm, hễ có thời gian là ông lại xuống gặp gỡ anh em tại các trọng điểm. Cũng chưa có tướng nào bị thương nhiều như Vũ Xuân Chiêm: trong ngót nghét chục năm bám nắm tại tuyến đường huyết mạch của đất nước, ông từng bị thương nặng, nhẹ vài chục lần. Tuy vậy, mỗi lần bị thương, Vũ Xuân Chiêm đều tự vượt lên chiến đấu, động viên bác sỹ và đồng chí, đồng đội yên lòng.
Người sỹ quan cận vệ kể lại, có không ít lần xe chở Chính ủy đi vào hố bom, thậm chí bom nổ tung cả xe, người thư ký ngồi cạnh hy sinh, nhưng Chính ủy Vũ Xuân Chiêm may mắn chỉ bị thương nhẹ. Chứng kiến ngần ấy năm vào sinh ra tử của ông, người cận vệ sau này từng hỏi “thủ trưởng thương binh loại mấy?”, nhưng ông Vũ Xuân Chiêm chỉ cười. Hóa ra, người Chính ủy ấy chưa từng làm giám định thương tật, bởi trong suy nghĩ của ông, so với mất mát của những người đồng chí, đồng đội khác hy sinh vì độc lập và thống nhất dân tộc, thì còn sống như cá nhân ông vốn đã đủ đầy, may mắn hơn nhiều rồi.
Còn Đại tá Mai Trung (Hà Nội), nguyên là thư ký của đồng chí Vũ Xuân Chiêm có lần lại tiết lộ, tướng Chiêm là một người có tầm nhìn xa trông rộng, suy nghĩ thấu đáo, chu toàn. Ngay từ lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, Chính ủy Đoàn 559 đã chú ý rằng, sau này khi hòa bình cần phải có tổng kết về chiến tranh, về bộ đội Trường Sơn. Chính vì thế, ông đặc biệt lưu tâm và dặn dò anh em chú trọng bảo vệ, lưu giữ tài liệu về bộ đội Trường Sơn. Dưới sự chỉ đạo ấy, quá trình lưu giữ tài liệu được tiến hành cẩn thận, lưu giữ rất tốt, phục vụ cho quá trình tổng kết, đánh giá sau này.
Một câu chuyện khác ít người biết đến, nhưng có lẽ là minh họa thật nhất cho tính gương mẫu, sự nêu gương của đồng chí Vũ Xuân Chiêm trước yêu cầu của thời đại, trước tiếng gọi của Tổ quốc. Đó là năm 1981, khi chiến tranh ở biên giới phía Tây Nam nổ ra, Tổng cục Hậu cần quyết định thành lập bệnh viện dã chiến ở Campuchia.
Lúc này, bài toán nhân lực tăng cường cho bệnh viện quả thực hóc búa, đây đó có những cá nhân còn chần chừ, ngần ngại dấn thân nơi chiến trường. Vũ Xuân Chiêm – khi ấy là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã động viên, thuyết phục con gái là Vũ Việt Hà – vừa tốt nghiệp Đại học Dược, đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài tạm gác lại việc học để nhập ngũ, nhận công tác ở Khoa Dược, Bệnh viện 116, thuộc Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, ở tuyến cuối cùng của mặt trận Campuchia đóng tại Phnôm Pênh. Nhờ cử chỉ “đi trước” đó của ông mà đã tháo gỡ nút thắt trong suy nghĩ của nhiều người khác, hun đúc quyết tâm lên đường theo tiếng gọi của tiền phương.
Bài viết có tham khảo thông tin do Đại tá Nguyễn Khắc Thuần – công tác tại Báo Quân khu 4 từ năm 1972-2008 cung cấp và cuốn sách “Con đường và cuộc đời” của các tác giả Mai Trọng Phước – Nguyễn Việt Phương.