Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: Tây Nguyên có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, “ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương và Việt Nam”. Chính vì vậy, thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 đã tạo ra bước ngoặt then chốt để quân ta mở toang cánh cửa tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngôi nhà nhỏ của Đại tá – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiệp nằm trong con hẻm nhỏ thuộc đường Cao Lỗ, phường Lê Mao (TP.Vinh). Khi tôi đến ông đang thu xếp đồ đạc để chuẩn bị cho một chuyến xa nhà “ngắn hạn”. “Tôi phải nhập viện, bác sỹ bảo phải phẫu thuật tiền liệt tuyến. Coi như bước vào một chiến dịch đọ sức với tuổi già” – Đại tá Nguyễn Đình Kiệp cười và tỏ ra lạc quan. Ở tuổi 76, người đàn ông gốc gác phường Nghi Thu, TX. Cửa Lò có trí nhớ mẫn tiệp mà ít người cùng thế hệ sánh được. Những hồi ức về Tây Nguyên, về những năm tháng náu rừng kháng chiến vẫn tươi mới như vừa hôm qua.
Năm 1963 vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên quê biển Nguyễn Đình Kiệp nhập ngũ, và thời điểm đó anh không nghĩ binh nghiệp sẽ gắn bó với mình suốt cả cuộc đời. Năm 1965, chiến sỹ Nguyễn Đình Kiệp được điều động vào chiến trường B3 – Tây Nguyên, trở thành chiến sỹ trong Tiểu đoàn công vệ.
Thời điểm này, Mỹ và chính quyền tay sai ngụy đang ráo riết thực hiện chiến lược Chiến trang đặc biệt. Tại chiến trường Tây Nguyên, địch thường xuyên tổ chức các trận càn quét bằng các Sư đoàn không vận số 1, Sư đoàn không vận số 4, Sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới”… Giai đoạn cao điểm máy bay địch liên tục ngày đêm rải chất độc hóa học, chất độc da cam nhằm phát hiện và ngăn chặn các cánh quân ém dưới rừng già. Dù đói ăn, thiếu ngủ nhưng dưới những tán rừng các đơn vị chiến lược của mặt trận B3 – Tây Nguyên vẫn đứng vững.
Năm 1968, từ Tiểu đoàn Công vệ, Nguyễn Đình Kiệp được điều về Trung đoàn bộ binh 66 cũng thuộc mặt trận B3. Tại đây, cuộc đời binh nghiệp của chàng thanh niên quê biển cũng trưởng thành dần. Từ chức vụ Trung đội phó, rồi Trung đội trưởng, Tiểu đoàn phó… và đến năm 1971 trở thành Tham mưu trưởng Trung đoàn 66.
Tháng 4/1972, Tây Nguyên rung chuyển sau khi lần đầu tiên bộ đội ta tiến hành đánh hợp đồng binh chủng. Chỉ trong vòng 2 ngày từ 23 – 24/4/1972, các đơn vị bộ binh, xe tăng, pháo phòng không, pháo mặt đất, tên lửa điều khiển A72… đã tiêu diệt Sư đoàn 22 ngụy, 1 cố vấn Mỹ và 1 chuẩn tướng – Sư đoàn trưởng ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu. Trong thành công chung của toàn mặt trận, có sự góp sức của Trung đoàn 66 – đơn vị được mệnh danh đánh đâu thắng đó.
Cũng trong năm 1972, Sư đoàn 10 được thành lập sau khi nhập các Trung đoàn thuộc mặt trận B3. Và Sư đoàn 10 trở thành một trong những đơn vị chủ lực, là mũi giáo sắc ngọt và tấm khiên vững chắc tại chiến trường Tây Nguyên.
Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 bắt đầu mở màn vào Buôn Ma Thuột vào ngày 4/3. Ngày 9/1/1975, Quân ủy Trung ương triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến dịch Tây Nguyên, trong đó xác định Buôn Ma Thuột là mục tiêu then chốt. Tuy nhiên, nếu địch phát hiện được ý định này, tăng cường lực lượng cho Buôn Ma Thuột thì ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài các lực lượng đứng chân tại chiến trường, ta rút Sư đoàn 968 từ chiến trường Nam Lào về thế chỗ cho Sư đoàn 10 và 320 ở Bắc Kon Tum và Tây Pleiku làm nhiệm vụ nghi binh.
Đại tá Nguyễn Đình Kiệp cho biết, để nghi binh thành công, Sư đoàn 10 đã di chuyển áp sát Buôn Ma Thuột từ trước tháng 2/1975 nhưng hệ thống điện đàm, thông tin liên lạc công suất 15W vẫn để lại tại Sư đoàn 968. Hàng ngày các báo cáo giả liên tục được phát lên để đánh lừa địch. Cùng với đó, ta huy động dân quân đào công sự, giao thông hào ở Pleiku và Bắc Kon Tum. Nhiều loại phương tiện vận chuyển lương thực, vũ khí cũng hoạt động con thoi ngày đêm khiến cho địch nhầm tưởng ta đang chuẩn bị đánh lớn vào Pleiku. Các toán trinh sát cũng liên tục được tung vào Kon Tum nhằm tạo thông tin giả.
14 giờ ngày 28/2/1975, quân ta bắt đầu đánh nghi binh lừa địch mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. Các loại hỏa lực của Sư đoàn 968 đồng loạt bắn phá các mục tiêu: thị xã Pleiku, sân bay Cù Hanh, căn cứ Hàm Rồng, thị xã Kon Tum. Bộ binh thực hành tiến công địch trên cả hai hướng Kon Tum và Pleiku.
Trên phía Tây Đường 19, hỏa lực ta đánh phá các mục tiêu còn lại. Tiếp đó từ ngày 1 đến tháng 3, ta tiếp tục ép địch ở Tây Pleiku và Bắc Kon Tum. Trước đó, quân ta đã cắt đứt các tuyến đường 14 và 19 không cho địch chi viện. Trước tình thế đó, Trung tướng Tư lệnh Quân khu 2 kiêm Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú vội vã điều Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 từ Ea H’leo tức tốc về lại Tây thị xã Pleiku. Như vậy là toàn bộ chủ lực Quân đoàn 2 ngụy địch đã bị “giam chân” ở Bắc Tây Nguyên.
Đại tá Nguyễn Đình Tiệp cho biết, trong khi địch vẫn co cụm đối phó tại Pleiku thì ngày 9/3/1975 Sư đoàn 316 và Sư đoàn 10 ào ạt tiến quân vào Buôn Ma Thuột. Quân ta nhanh chóng đẩy lùi và tiêu diệt mọi sự kháng cự của Sư đoàn 23 địch tại Đức Lập (Đắk Lắk). Lúc này ông Kiệp là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, đến ngày 12/3 quân ta đã làm chủ Sở Chỉ huy Mai Hắc Đế của địch tại thị xã Buôn Ma Thuột. Lúc này tàn quân của Sư 23 ngụy co cụm tại sân bay Hòa Bình và Lữ đoàn dù 3 – lực lượng dự bị chiến lược của địch có ý định cứu viện cũng bị quân ta đánh tơi tả.
Ngày 14/3, địch quyết định rút quân khỏi Tây Nguyên. Tiếp đó, các sư đoàn ngụy theo đường số 7 chạy về Nha Trang với ý đồ thiết lập vành đai bảo vệ tại đây. Nhưng ý đồ đó đã không thành khi các cánh quân của Sư 320 không ngừng vây đánh, Sư đoàn 10 truy kích địch vào tận Cam Ranh. Đại tá Nguyễn Đình Kiệp cho biết, lúc này địch bỏ cả tăng, cả pháo chạy bộ một mạch đến tận Phan Thiết và không thể dừng tại Nha Trang như ý đồ ban đầu. Và đến ngày 3/4/1975, Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi vang dội.
Sau khi truy kích tàn quân địch tại Nha Trang, đơn vị của ông Nguyễn Đình Kiệp dừng chân tại đây 72 giờ. Tiếp đó, được lệnh hành quân về Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. “Lúc bấy giờ thấy tự hào, hạnh phúc vô cùng. Từ các ngả đường quân ta tiến về Sài Gòn. Từ Cam Ranh Sư đoàn 10 chúng tôi hành quân thần tốc về Dầu Dây, rồi Dầu Tiếng (Tây Ninh). Theo mệnh lệnh: Trung đoàn 64 đánh Cầu Bông, Cầu Sáng, Trung đoàn 24 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 đánh trên trục đường 15, Bộ Tư lệnh không quân và Bộ Tổng tham mưu địch. Bắt đầu từ 3h sáng ngày 29/4/1975 các đơn vị lần lượt được lệnh nổ sung. Đến 11giờ 25 phút ngày 30/4/1975, mục tiêu cuối cùng của địch là Bộ Tổng tham mưu địch bị tiêu diệt hoàn toàn”.
Đại tá Nguyễn Đình Kiệp còn chia sẻ một kỷ niệm khá thú vị. Lúc Trung đoàn 66 tấn công vào sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột), vì cần hành quân thần tốc, các đơn vị ta trưng dụng nhiều phương tiện cơ giới của địch để di chuyển. Và tại đây tình cờ ông phát hiện một lính ngụy đang trốn dưới gầm giường. Tra hỏi, anh này cho biết tên là Phạm Văn Thìn, lái xe cho chỉ huy địch, gia đình còn mẹ già và con nhỏ, nhà cách sân bay Hòa Bình 3 km. Phạm Văn Thìn xin được phục vụ bộ đội vô điều kiện để chuộc lỗi. Tham mưu Phó Sư đoàn 10 Nguyễn Đình Kiệp yêu cầu Thìn chọn một chiếc xe zeep tốt nhất có tại sân bay, đổ đầy nhiên liệu rồi cho phép chở 1 bao gạo lớn mang về cho gia đình, hẹn anh này 14h cùng ngày trở lại sân bay.
Nhiều người đã nghĩ, đây là cơ hội không thể tốt hơn để Phạm Văn Thìn bỏ trốn. Tuy nhiên, y hẹn, buổi chiều anh ta có mặt tại sân bay và chính Phạm Văn Thìn chở ông Phạm Đình Kiệp dẫn đường từ Buôn Ma Thuột xuống đến Cam Ranh và vào tận Sài Gòn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. “Nhiều người vẫn nói rằng lúc đó hành động của tôi là mạo hiểm, nhưng chiến dịch gấp rút, các lực lượng không đủ phương tiện di chuyển, phải trưng dụng xe cơ giới của dân nên chúng tôi cũng cần nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phạm Văn Thìn hơn tôi vài tuổi, anh ta rất thông thạo địa hình, địa bàn, nhờ có anh ta chúng tôi nhiều lần tránh được phi pháo đánh chặn của địch, tiến về Sài Gòn đúng kế hoạch tác chiến” – Đại tá Nguyễn Đình Kiệp nói.
Ngày 12/9/1975 cùng với 5 người khác, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 10 Nguyễn Đình Kiệp được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong số 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng đợt đầu tiên năm 1975 có một người bạn, người đồng hương với Đại tá Kiệp, đó là Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng – nguyên Tư lệnh Quân khu 4.
Trước khi nghỉ hưu năm 2002, Đại tá Nguyễn Đình Kiệp từng giữ nhiều cương vị khác nhau tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4 như: Chánh Thanh tra Quốc phòng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341, Hiệu phó Trường Quân chính, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh.