Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
P.V: Kính thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, nhằm tạo điều kiện cho Nghệ An có cơ hội, động lực phát triển tương xứng với tiềm năng. Xin đồng chí cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết này, Nghệ An đã đạt được những kết quả nổi bật nào?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tỉnh Nghệ An đặc biệt coi trọng Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Nghị quyết được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể và chỉ đạo các cấp, các ngành, nhân dân tổ chức thực hiện với quyết tâm, nỗ lực cao nhất.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã phấn đấu đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2014 – 2018 tăng 8,0%/năm.
Hệ thống hạ tầng được chú trọng đầu tư, từng bước hoàn thiện, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện rõ nét. Hằng năm, tỉnh đã tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư, kết quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2014 – 2018 đã thu hút được 690 dự án với tổng số vốn đăng ký 142.987 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt coi trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tập trung nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị của nông sản, thực hiện quyết liệt chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 218 xã (đạt 50,58%) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đứng thứ 4 cả nước.
Lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, bảo đảm an sinh xã hội có nhiều tiến bộ.
P.V: Vừa qua, Bộ Chính trị đã có phiên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, đồng chí có thể cho biết, tại cuộc làm việc này Bộ Chính trị đã gợi mở hướng đi như thế nào đối với Nghệ An?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tại phiên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, Bộ Chính trị ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Nghệ An đạt được trong 5 năm qua. Bộ Chính trị khẳng định Nghị quyết 26-NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị, Nghệ An đang phát triển đúng hướng.
Bộ Chính trị đề nghị Nghệ An cần xây dựng quy hoạch tổng thể, dài hạn hơn, đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Trên cơ sở quy hoạch, cần xác định nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên triển khai trước, thực hiện bằng được, còn các nhiệm vụ khác thì có lộ trình thực hiện.
Trên tinh thần đó, Nghệ An cần xác định nguồn lực con người là động lực quan trọng cho sự phát triển, phải tập trung phát triển nguồn lực con người, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, có chính sách thu hút người tài. Thứ hai là phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng. Thứ ba là đẩy mạnh cải cách hành chính. Đổi mới về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, hạ tầng được hoàn thiện, thì sẽ tạo nên sự hấp dẫn của Nghệ An với các nhà đầu tư và du khách.
Về chiến lược, Nghệ An phải chú trọng phát triển công nghiệp để trở thành tỉnh công nghiệp. Cần ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, vừa đảm bảo việc làm cho người lao động trên địa bàn, vừa thân thiện với môi trường, có đóng góp tích cực, phù hợp với điều kiện của tỉnh Nghệ An.
Phải xây dựng được hệ thống chính trị từ cơ sở đến cấp tỉnh vững mạnh, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Đó là những việc cụ thể để khai thác tiềm năng thế mạnh của Nghệ An.
P.V: Với những định hướng đó, theo đồng chí, đâu là những khó khăn, thách thức mà Nghệ An phải đối mặt và vượt qua để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26?
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Nói về khó khăn, thách thức, thứ nhất, Nghệ An là tỉnh có điểm xuất phát thấp so với các tỉnh khác, có nhiều vấn đề chúng ta đi sau. Muốn đuổi kịp và vượt các tỉnh khác, chúng ta cần sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, phải có sự hy sinh, phấn đấu vì đại cục, còn nếu suy nghĩ nhiều cho cá nhân thì rất khó.
Thứ hai, vị trí địa lý, địa hình Nghệ An cũng có những khó khăn nhất định. Nhưng trong cái khó khăn, bất lợi đó, chúng ta phải tìm ra những lợi thế, tiềm năng của mình, để khai thác được tiềm năng và hạn chế được những mặt bất lợi. Ví dụ, vùng đồng bằng phải hoàn thiện hệ thống thủy lợi, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất lương thực; vùng miền núi cần tập trung trồng rừng, trồng cây nguyên liệu, cây có giá trị cao như cam, mía…; mở các nhà máy chế biến, để nâng cao giá trị sản xuất, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân… Nói tóm lại, đầu tư đúng hướng thì sẽ phát huy được lợi thế, thu hút được các nhà đầu tư, ngược lại thì sẽ gặp khó khăn.
Thứ ba, cải cách hành chính ở Nghệ An đã chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, thủ tục vẫn còn rườm rà, tinh thần phục vụ có nơi chưa tốt. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do con người. Do đó, cần phải khơi dậy được phẩm chất tinh thần cách mạng của con người xứ Nghệ, đấu tranh với những biểu hiện sai trái. Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm cao, có sức chiến đấu, có ý chí vươn lên. Thách thức lớn nhất chính là làm thế nào vượt qua chính mình.
Để phát triển nhanh, khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt. Nghệ An phải tăng cường thu hút đầu tư, chú ý phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, để nâng cao trình độ của nguồn nhân lực. Hàm lượng trí tuệ càng cao thì sự phát triển sẽ càng nhanh, làm cho chúng ta có cơ hội đuổi kịp những nơi khác.
Để có tầm nhìn tốt hơn, Nghệ An phải xây dựng quy hoạch, phải đánh giá lại quá trình phát triển và dự báo tình hình của thế giới, khu vực, của đất nước, để tìm hướng đi dài hạn hơn và phải kiên trì với hướng đi đó. Đương nhiên là trong quá trình làm thì chúng ta có thể có sự điều chỉnh cho phù hợp, nhưng phải xác định được tầm nhìn dài hạn, chiến lược, ít nhất là 10 năm, và dài hơn nữa là 20 năm, 30 năm.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!