Còn nhiều “sạn” trong hoạt động lễ hội

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều lễ hội diễn ra, thu hút đông đảo người dân bản địa và du khách thập phương. Họ đến với lễ hội để mong được tắm mình trong không gian linh thiêng với những hoạt động mang tính cộng đồng đặc sắc. Tiếc rằng, nhiều lễ hội đã không tạo được dấu ấn đó.

THIẾU ĐIỂM NHẤN

Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu ở huyện Kỳ Sơn từ lâu được đánh giá là lễ hội tiêu biểu của miền Tây xứ Nghệ. Từ bao đời nay, lễ hội được xem là nơi để bà con thể hiện tinh thần và bản sắc của mình thông qua những hoạt động trong cả phần lễ và phần hội. Hằng năm, Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu luôn được người dân trong và ngoài địa phương háo hức chờ đón. Năm 2019, sau khi được trùng tu, tôn tạo, cảnh quan trong khu đền được bài trí rộng và đẹp hơn, thuận tiện cho du khách về dự hội. Cũng như các năm trước, nghi thức phần lễ như: lễ yết cáo, lễ rước, lễ tế trâu, đại tế… đều được tiến hành tương đối bài bản từ hành trình rước kiệu và bài vị đến việc rước trâu về tế lễ.

Năm nay, phần hội tại Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu có nhiều thay đổi như: Giảm bớt các lán trại của một số đơn vị, thêm phần uống rượu cần và đốt lửa trại trong đêm thi trang phục người đẹp… Tuy nhiên, các hoạt động này không nằm trong kịch bản. Theo bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, đó chỉ là những hoạt động góp vui giúp đồng bào gắn kết hơn. Tuy nhiên, việc thêm và bớt này không làm cho lễ hội thêm phần hấp dẫn bởi cái mà người dân, du khách thập phương mong muốn và chờ đợi chính là việc được hoá thân, tham gia vào các phần chính của lễ hội.

Lễ hội gồm 3 phần chính gồm phần lễ, phần văn nghệ thể thao và phần thi trang phục người đẹp. Trong đó, đối với phần hội, người dân hầu như không hào hứng với các trò chơi tò mạc lẹ, bắn nỏ, ném còn; cũng không thích thú với phần lán trại bởi năm nào cũng là những kịch bản đã nhàm, nhưng lại rất mất công sức, thời gian chuẩn bị. “Riêng phần hội chợ sản vật địa phương được Ban tổ chức kỳ vọng nhiều vì đa số các xã đăng ký các sản phẩm về văn hoá vật thể như túi, khăn, váy thổ cẩm của đồng bào Mông, Thái, Khơ mú, Lào… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sơ suất trong công tác quản lý, quy hoạch khu vực hội chợ nên nhận được những ý kiến phản hồi chưa tích cực”, bà Vi Thị Quyên cho hay.

Lễ hội đền Vạn – Cửa Rào ở huyện Tương Dương cũng là một trong những lễ hội được người dân miền Tây và du khách thập phương tham dự rất đông. Điểm đáng chú ý của lễ hội chính là lễ rước được thực hiện khá bài bản. Tuy nhiên, kịch bản của lễ hội này lại gây cảm giác nhàm chán cho du khách. Đó chính là ngay sau phần lễ diễn ra phần biểu diễn văn nghệ, nhưng lại không có nhiều tiết mục hấp dẫn. Trong phần hội, màn thả hoa đăng trên sông được kỳ vọng sẽ để lại ấn tượng, nhưng đáng tiếc là điểm nhấn này không được du khách chú ý. Hầu như chỉ có Ban tổ chức và một vài người dân địa phương chứng kiến, dù hoạt động này được xem là tốn khá nhiều kinh phí, công sức.

CÒN NHIỀU SẠN

Lễ hội đền Cờn được đánh giá là lễ hội vùng sông nước đặc sắc nhất, vì vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên bản. Trong đó, Lễ cầu Ngư trong Lễ hội đền Cờn diễn ra trên biển Quỳnh Phương thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia. Suốt chiều dài từ bãi Ói – nơi làm Lễ cầu Ngư đến chân núi có đền Cờn ngoài dài khoảng 700 m đều đông nghịt người. Để đảm bảo cho Lễ cầu Ngư diễn ra trọn vẹn, năm nay, ban tổ chức đã cho dựng một hàng rào thép vây quanh khu vực làm lễ với sự có mặt của nhiều chiến sỹ công an. Hàng nghìn người dân chen chân trên bãi biển theo dõi buổi lễ và hồi hộp chờ “cướp lộc”.

Khi chủ lễ vừa kết thúc bài văn tế, thì một số người dự lễ có mặt ở vòng trong đã tranh thủ “cướp lộc” vơ vội những thứ bánh trái trên bàn dâng lễ. Ngay tức thì, người dân, du khách từ các hướng phá hàng rào, chạy ào vào bàn lễ vật, mạnh ai nấy cướp, nhiều thứ xôi, bánh, hoa quả, vàng mã được tung lên cao. Cảnh tượng chen lẫn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để “cướp lộc”, “hứng lộc”… diễn ra ngay tại nơi trước đó ít phút là nơi tế thần linh thiêng.

Theo những người cao tuổi ở địa phương, tục “cướp lộc” trong Lễ hội đền Cờn đã có từ lâu, bắt nguồn từ nhiều sự tích ở xứ Kẻ Cờn xưa, như “cướp gỗ xây đền”, tục phát bánh dày ngày Tết… với mong muốn cướp lộc, thụ lộc lấy may. Xét trên góc độ thực tế, tục “cướp lộc” đã phần nào làm cho buổi lễ cầu ngư trên biển trở nên sôi động, háo hức và đi vào tiềm thức của người dân địa phương như một “hoạt động” hấp dẫn, ấn tượng trong buổi lễ này. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh cướp lộc trên biển, nhiều du khách lần đầu trẩy hội đền Cờn không giấu nổi cảm giác e ngại.

Ở Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu phần thi trang phục dân tộc được xem là điểm nhấn, nhưng năm nay không có tiêu chí lựa chọn thí sinh đầu vào, nên chất lượng thí sinh không cao, có nhiều thí sinh đã có chồng con vẫn tham gia hội thi. Các thí sinh đạt giải không có trang phục được đánh giá đẹp theo tiêu chí truyền thống lẫn cách tân.

Bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Thực tế để thu hút đông đảo thí sinh tham gia hội thi, chúng tôi đã mở rộng phạm vi tới 21 xã trên địa bàn huyện và có tới 17 xã tham gia, tuy nhiên vì tiêu chí cuộc thi là trang phục đẹp nên chưa chú ý tiêu chuẩn thí sinh”. Bên cạnh đó, khu tổ chức hội chợ với các sản vật địa phương của Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu gây bức xức cho người dân khi sản phẩm tham gia hội chợ không phải là những sản vật địa phương mà là một khu “tạp pí lù”. Đã thế, hàng quán tại khu hội chợ lại bố trí lộn xộn, gây mất mỹ quan.

Đến thời điểm này mới có 8/20 lễ hội được tổ chức vào mùa Xuân năm nay, nhưng trên thực tế đã xảy ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Theo Sở Văn hoá và Thể thao, nguyên nhân là do một số địa phương còn thiếu quan tâm đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; tổ chức, quản lý lễ hội có lúc còn mang tính hành chính, áp đặt, vai trò của người dân (chủ thể của lễ hội) chưa được quan tâm, vì thế thiếu đi bản sắc của địa phương. Bên cạnh đó là tình trạng thương mại hoá lễ hội vẫn chưa được chấn chỉnh; an ninh trật tự lễ hội vẫn đang là bài toán khó cho các Ban tổ chức địa phương.