Những bản, làng có cảnh sắc hấp dẫn, phong tục độc đáo đang được đưa vào kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, du lịch cộng đồng ở bản Nưa (xã Yên Khê, Con Cuông) được chuyên gia Nhật Bản giới thiệu tại Nhật là cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An ra với thế giới. Hoạt động này có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác.
Trong những trăn trở phát triển sản phẩm du lịch mới thì du lịch cộng đồng là một “đặc sản” hấp dẫn vừa bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương, cải thiện sinh kế cho đồng bào, đồng thời mang lại những trải nghiệm sâu sắc cho du khách.
Trong khuôn khổ Chương trình đào tạo Lãnh đạo trẻ do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với UBQG về Thanh niên Việt Nam tổ chức từ ngày 3 – 20/3, tại TP du lịch Yokohama, Nhật Bản, Tiến sĩ Ando Katsuhiro đến từ Đại học Yamanashi đã nêu kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở Nghệ An ra với bạn bè thế giới.
Mô hình du lịch của bản Nưa, huyện Con Cuông (Nghệ An) được ông Ando Katsuhiro chọn mẫu để giới thiệu trong chương trình đào tạo quảng bá và hợp tác kiến tạo tri thức.
Bài giới thiệu được ông dịch sang tiếng Nhật, làm tài liệu quảng bá du lịch tại Nhật và ứng dụng cho mô hình các tỉnh, thành khác tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu tốt và là cách lan toả hình ảnh của bản Nưa nói riêng, của Nghệ An ra với thế giới.
Bản Nưa, bản Pha, xã Yên Khê; điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; điểm du lịch cộng đồng Làng Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) là những nơi đang thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế ghé thăm.
Tại đây, du khách được tham quan làng dệt thổ cẩm, ngồi vào khung dệt vải, ngắm các sản phẩm thổ cẩm địa phương, thưởng thức các món ăn dân tộc và ngủ lại nhà sàn đón buổi sáng trong ánh bình minh, tiếng gà gáy và tiếng suối…
Ngoài ra còn thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các điệu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc trong các trang phục rực rỡ…Du khách còn được trải nghiệm các hoạt động sản xuất của địa phương như gặt lúa, hái cam, thi cấy, tham quan hội chợ phiên, nhảy sạp…
Ông Vi Văn Sơn – Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Là huyện vùng cao giàu truyền thống cách mạng, có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, trong đó Vườn Quốc gia Pù Mát đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Con Cuông xác định du lịch là mũi nhọn phát triển và đang dồn lực cho lĩnh vực này, trong đó du lịch cộng đồng là lĩnh vực mới nhưng huyện đã thành công bước đầu, trở thành thế mạnh và “đặc sản” giới thiệu với du khách khi về nơi đây.
Hiện Con Cuông đã xây dựng và hình thành được các điểm du lịch cộng đồng, thu hút khách đến thăm, tạo sinh kế cho bà con phát huy nguồn lực tại chỗ một cách hiệu quả nhất. Huyện cũng được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển đô thị sinh thái giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.
“Để thành công ở các điểm du lịch này là cả quá trình, trong đó có sự quan tâm của địa phương, với sự hỗ trợ của Tổ chức JICA Nhật Bản. Chị em các thôn, bản được hỗ trợ đi học tập kinh nghiệm, hỗ trợ tập huấn nấu ăn, chỉnh trang bản làng, làm vệ sinh môi trường, ngoài ra với các nguồn vốn lồng ghép huyện còn đầu tư cơ sở hạ tầng thôn, bản ngày một tốt hơn.
Tận dụng sự hỗ trợ của Dự án JICA Nhật Bản, Dự án VIE-028 Phát triển nông thôn miền núi Nghệ An để mở các lớp đào tạo nghề nấu ăn, chế biến các món ăn phục vụ du lịch, duy trì phát triển nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan” – ông Vi Văn Sơn cho biết.
Với sự hỗ trợ của chính quyền, Tổ chức JICA, hiện nay thu nhập của chị em bản Nưa và các bản khác làm du lịch cộng đồng ở Con Cuông đã được tăng lên, trở thành nghề thu nhập chính của nhiều gia đình.
Từ chỗ bỡ ngỡ, chị Hoa Thụ, một hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng ở bản Nưa cho biết: “Hiện nay 30 chị em trong bản Nưa tham gia làm du lịch cộng đồng có việc làm thường xuyên, thu nhập đạt khoảng 3 triệu đồng/hộ/tháng”.
Du lịch bản Nưa có đặc điểm riêng đó là ngoài ẩm thực, nhà sàn còn có các tiết mục văn nghệ như khắc luống, cồng chiêng, nhảy sạp, có phong tục cưới và buộc chỉ cổ tay. Bản có một nhóm ẩm thực, một câu lạc bộ du lịch cộng đồng, chị em hiện nay đã khá thành thạo trong phục vụ du khách và tích cực quảng bá hình ảnh của bản mình, quê hương mình lên mạng xã hội để nhiều người biết tới.
Với nhiều cố gắng, du lịch Con Cuông đã có bước khởi sắc. Năm 2016 có hơn 65.000 lượt khách; năm 2017 hơn 45.000 lượt khách; năm 2018 hơn 50.000 lượt khách du lịch đến địa bàn huyện, đưa du lịch trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn phát triển, góp phần quảng bá du lịch Nghệ An, quảng bá và bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Từ hiệu quả du lịch cộng đồng ở Con Cuông, hiện nay Nghệ An đang nhân rộng du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu, Tân Kỳ, Nam Đàn… Du lịch cộng đồng cũng được Nghệ An xác định là một sản phẩm có thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới.