Tuy khác nhau về độ tuổi, quê quán, địa bàn công tác và trình độ chuyên môn nhưng điểm chung giữa họ chính là sự gắn bó với công tác khám, điều trị cho bà con vùng rẻo cao. Những người thầy thuốc này được ghi nhận bởi tấm lòng tận tụy, nhiệt tình vì sức khỏe và sự sống của những bệnh nhân ở vùng khó khăn. Và trên chặng đường công tác, mỗi người lưu giữ những kỷ niệm mãi không bao giờ quên…
Ca đỡ đẻ “có một không hai”
Những khi rảnh rỗi, ông Lô Hồng Minh (SN 1949) ở bản Chà Luân, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) lại đưa bộ dụng cụ y tế đã cũ ra ngắm, để rồi kỷ niệm năm xưa lại ùa về. Bộ dụng cụ ấy gồm 2 chiếc xi ranh cỡ lớn, hơn 10 chiếc kim tiêm và một chiếc kẹp được đựng trong chiếc hộp nhôm, đến nay ông vẫn nâng niu cất giữ cẩn thận bởi nó từng gắn bó với ông gần suốt cả chặng đường hơn 20 năm chữa bệnh cứu người.
“Hoàn thành chương trình đào tạo cấp tốc với thời gian 6 tháng, tôi được cử về công tác tại Trạm Y tế xã Luân Mai (Tương Dương). Lúc ấy, giao thông cách trở, đời sống vô cùng khó khăn, nhận thức của người dân rất hạn chế nên gặp nhiều trở ngại trong công việc” – ông Minh nhớ lại.
Thời điểm ấy (năm 1986), xã Luân Mai chưa chia tách thành 3 xã như sau này (gồm: Luân Mai, Nhôn Mai và Mai Sơn) nên địa bàn rất rộng. Việc đi lại chủ yếu là cuốc bộ và thuyền gỗ chèo bằng sức người. Khi đau ốm, bà con chưa có thói quen đi khám bệnh, chủ yếu uống thuốc thầy lang hoặc mời thầy mo về cúng để “đuổi con ma”.
Ông Minh chia sẻ: “Kỷ niệm thì nhiều, ngồi kể cả ngày không hết. Nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất đó là lần đỡ đẻ cho vợ ông Kha Văn Toán, cùng ở bản Chà Luân, cách đây đã gần 30 năm. Ngày đó, bà Toán mang thai đôi, một thai ngôi thuận, một thai ngôi ngược, theo nguyên tắc chuyên môn y tá không được xử lý cho sinh tại nhà, mà phải chuyển đến Trạm Y tế đa khoa khu vực ở xã Hữu Khuông (lúc ấy gọi là Trạm đa khoa khu vực vì vùng này xa trung tâm huyện gần 100km nên Trung tâm Y tế huyện thành lập Trạm Y tế đa khoa khu vực để thuận tiện cho người dân trong khám, chữa bệnh). Trong tình thế cấp bách, ông Minh không có cách nào khác ngoài phải xử lý nhanh để cứu cả mẹ và con”.
Trước đó, vợ chồng ông Toán đã biết mang thai đôi nhưng gia đình quá nghèo, lại không có anh em, họ hàng ở gần để thuê thuyền đưa xuống Trạm Y tế đa khoa khu vực ở xã Hữu Khuông để sinh nở, nên quyết định sinh tại nhà.
Khi vợ chuyển dạ, ông Toán mới chạy lên Trạm Y tế xã nhờ sự giúp đỡ của ông Minh. Lúc đầu, ông Minh từ chối xử lý vì trái với nguyên tắc nghề nghiệp, và nói rằng nếu để sinh ở nhà nguy cơ cả mẹ và con bị tử vong sẽ rất cao, người xử lý có thể sẽ bị phạt tù, yêu cầu gia đình chuyển ngay xuống Trạm Y tế đa khoa khu vực (ở Hữu Khuông).
Vợ chồng ông Toán khóc lóc, mong muốn y tá Minh ra tay giúp đỡ, vì không có tiền thuê thuyền, mà có đi xuống Hữu Khuông cũng mất 6 tiếng đồng hồ, sợ sẽ vỡ ối dọc đường càng thêm nguy hiểm.
“Trước tình huống ấy, lương tâm nghề nghiệp buộc tôi phải xử lý, cho dù trái với nguyên tắc chuyên môn và có thể gây ra hậu quả đáng tiếc. Nhưng thật sự không thể khoanh tay đứng nhìn cảnh một sản phụ gặp nguy cấp, tính mạng cả mẹ và con bị đe dọa” – ông Minh tâm sự.
Ca đỡ đẻ ấy kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ trong nỗi lo lắng, bất an của ông Toán và những người có mặt. Rất may cuối cùng “mẹ tròn con vuông”. Ông Toán vui mừng ôm lấy ân nhân rồi nói lời cảm ơn rối rít, nước mắt chảy tràn như một đứa trẻ. Còn ông Minh thở phào như trút được gánh nặng ngàn cân.
Năm 2009, ông Lô Hồng Minh nghỉ hưu và cùng gia đình chuyển về khu tái định cư Ngọc Lâm, nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Mỗi khi nhớ về quê cũ, kỷ niệm về ca đỡ đẻ “có một không hai” năm nào khiến ông thêm tự hào về những công việc đã làm. Còn gia đình ông Toán hiện định cư tại xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), hàng năm đều sắp xếp xuống thăm vị ân nhân năm ấy.
Ca cấp cứu ngày Tết của nữ y sỹ miền xuôi
Nếu ông Lô Hồng Minh được phục vụ trên vùng đất quê hương thì nữ y sỹ Nguyễn Thị Hạnh (SN 1980) lại vượt hơn 200 cây số từ Nam Đàn lên Kỳ Sơn để theo đuổi nghề chữa bệnh, cứu người. Hiện nay, chị đã có 18 năm cống hiến nơi vùng đèo cao, núi thẳm, sương mù giăng mắc quanh năm. Ban đầu nhận công tác tại Trạm Y tế xã Tây Sơn, lúc ấy chỉ có đường đất, không điện lưới và sóng điện thoại.
Được 8 tháng, lại được điều chuyển đến xã vùng biên Nậm Cắn và bám trụ nơi đây 16 năm. Cuối năm 2018, chị cùng chồng cũng là một y sỹ được điều về công tác tại Trạm Y tế xã Nậm Càn. Chừng ấy thời gian đã đủ để một nữ y sỹ miền xuôi thấm thía cuộc sống và trải bao buồn vui trong nghề.
Chị Hạnh tâm sự: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời gian ở Nậm Cắn, vào năm 2012, tôi được phân công trực Tết Nguyên đán. Hôm ấy đúng ngày mồng 2 Tết đang nước mắt ngắn dài vì nhớ nhà thì nghe tiếng ồn ào ngoài cửa Trạm Y tế xã. Chưa kịp định thần đã thấy rất đông người dân khiêng một người đàn ông nửa tỉnh, nửa mê đến cấp cứu. Theo người nhà cho biết thì bệnh nhân tiêm thuốc bị sốc phản vệ, toàn thân tím tái. Lúc này tôi không khỏi hoang mang vì chỉ trực một mình, không có ai hỗ trợ”.
Tình huống vô cùng nguy cấp, chị Hạnh trấn an tinh thần rồi khẩn trương bắt tay vào cấp cứu cho bệnh nhân. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ít giờ sau, bệnh nhân đã hồi tỉnh. Người nhà và bản thân chị như trút được gánh nặng lo âu. Tối hôm ấy, người nhà bệnh nhân mang xôi, thịt gà đến cảm ơn chị. Và cái Tết năm ấy mặc dù không được về quê đoàn tụ cùng gia đình nhưng chị Hạnh không thấy buồn nữa, bởi vì chị đã cấp cứu thành công cho một bệnh nhân, đem lại niềm vui đón Tết cho một gia đình.
Là một y sỹ có thâm niên công tác ở vùng biên, chị Hạnh thấu hiểu nỗi vất vả của bà con nơi đây. Những món quà chị nhận được trong ngày Thầy thuốc Việt Nam rất đơn giản nhưng chứa đầy tình cảm và tấm lòng của người dân rẻo cao. Đó là quả bí, quả dưa, và có khi là bó rau rừng bà con vừa hái được. “Những tình cảm chân thành ấy đối với tôi là niềm vui và hạnh phúc, là động lực để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ và thấy mình phải có trách nhiệm hơn với bà con vùng cao” – chị Hạnh nở nụ cười ấm áp.
Những cuộc “vật lộn” với bệnh nhân
Khác với ông Minh và chị Hạnh, y sỹ Lương Văn Tào lại làm việc trong một môi trường đặc biệt với những bệnh nhân đặc biệt – nơi tập trung những người nghiện ma túy – đó là Trung tâm chữa bệnh Lao động – Xã hội huyện Tương Dương – nơi y sỹ Tào gắn bó trong 9 năm qua. So với cái tuổi 33 chưa phải là lâu, nhưng với công việc hằng ngày tiếp xúc với những “bệnh nhân đặc biệt” thì quả là một quãng thời gian đáng nhớ.
Sinh ra và lớn lên tại bản Chon, xã Xiêng My (Tương Dương), tốt nghiệp Y sỹ đa khoa, Lương Văn Tào nhận công tác tại Trung tâm chữa bệnh Lao động – Xã hội huyện. Công việc hàng ngày là điều trị cắt cơn và theo dõi tình hình sức khỏe của các học viên cai nghiện.
“Có thời điểm Trung tâm có tới 160 học viên, mỗi ngày có hàng chục người lên cơn, “hạ cơn” cho người này chưa xong đã phải vật lộn “cắt cơn” với người khác. Cứ như thế, kết thúc mỗi ca như thể vừa bước ra khỏi một trận “đấu vật”. Dù vất vả và nguy hiểm nhưng y sỹ Tào luôn đặt trách nhiệm của nghề y lên trên để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Dù đã “cắt cơn” cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt học viên nhưng anh Tào không thể quên lần chữa “cắt cơn” cho học viên L.V.Đ, trú tại xã Yên Na. Lúc bình thường Đ rất hiền lành nhưng khi lên cơn lại trở thành một người hoàn toàn khác, bất chấp tất cả, sẵn sàng chống lại những người xung quanh, nhiều học viên vẫn thường gọi Đ lúc lên cơn là “quỷ dữ”.
Y sỹ Tào kể: “Có lần Đ lên cơn, tôi vừa bước vào phòng thấy vẻ bề ngoài vạm vỡ của Đ nên cẩn thận nhờ thêm một số học viên lại hỗ trợ. Dù vậy, Đ vẫn vồ lấy mọi người, đấm đá túi bụi khiến ai cũng khiếp sợ, một lúc lâu mới khống chế được.
Tưởng đã xong việc, ai ngờ Đ bất ngờ vớ lấy chiếc kéo và tự đâm liên tục vào bụng mình. Tình hình nguy cấp, tôi phải dùng hết sức ôm chặt cánh tay phải đang cầm chiếc kéo của Đ dí vào tường rồi hô hoán mọi người lại hỗ trợ. Hơn 20 phút sau Đ mới chịu khuất phục, cơn nghiện tạm thời được khống chế.
Ở đây, không ít học viên có suy nghĩ tiêu cực, có lúc muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi sự giằng xé thể trạng và tinh thần. Có người đã leo lên đập bóng đèn, dùng mảnh vỡ để cắt mạch máu… để thực hiện hành vi tự tử… Gặp những tình huống này, y sỹ Tào và đồng nghiệp phải để tâm theo dõi và xử lý kịp thời. Đồng thời dành thời gian để động viên, chia sẻ và khuyên bảo, thực sự trở thành người bạn thân thiết của các học viên.
Với y tá Lô Hồng Minh, y sỹ Nguyễn Thị Hạnh hay y sỹ Lương Văn Tào khi đã chọn nghề y là họ đã xác định được những khó khăn, vất vả của cái nghề “đặc thù” chữa bệnh, cứu người. Thế nhưng chưa một phút giây nào trong cuộc đời họ cảm thấy hối tiếc vì mình đã chọn nghề này. Bởi dù nghề gì, hãy sống và làm việc đúng lương tâm, đúng trách nhiệm, đúng nghĩa “yêu” nghề thì nghề luôn đem đến cho mình những trái ngọt.
Nhân ngày 27/2, xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới y tá Lô Hồng Minh, y sỹ Nguyễn Thị Hạnh, y sỹ Lương Văn Tào và rất, rất nhiều các y bác sỹ đang ngày đêm thầm lặng chữa bệnh, cứu người. Trong mắt bệnh nhân, họ luôn là những “thiên thần áo trắng”./.