Đền Quả Sơn là một trong đệ tứ danh thiêng của xứ Nghệ “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Hàng năm, vào ngày 18 – 20 tháng Giêng (âm lịch), nhân dân huyện Đô Lương và du khách thập phương lại nô nức trẩy hội Đền Quả Sơn – lễ hội truyền thống tưởng nhớ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Đền Quả Sơn tọa lạc dưới chân núi Quả, nay thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương. Nổi tiếng bởi giá trị nghệ thuật, quy mô lớn, ngôi đền có tuổi thọ gần một nghìn năm nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ này là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – Tri châu Nghệ An, người có công lao to lớn xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang, bảo vệ bờ cõi cho quốc gia Đại Việt dưới triều đại nhà Lý.
Theo sử sách ghi lại, Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ). Năm 1039 Lý Nhật Quang được nhà vua cử vào trông coi việc tô thuế ở vùng đất Nghệ An với tước hiệu “Uy Minh Thái tử”.
Năm 1041, Lý Nhật Quang được bổ nhiệm làm tri châu Nghệ An với tước hiệu “Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang”. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An. Năm 1044, vua Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước “Hầu” lên tước “Vương” thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và ban cho ông quyền “Tiết Việt” (tức có quyền thay mặt nhà vua, được vua tin cậy và ủy thác quyền được định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An).
Suốt 16 năm làm Tri Châu ở Nghệ An, Lý Nhật Quang đã thể hiện tài kinh bang tế thế. Với đường lối Vương đạo, thân dân, Lý Nhật Quang đã có công rất lớn trong việc củng cố, xây dựng Nghệ An từ một vùng đất “biên viễn”, “phên dậu” trở thành một trọng trấn, pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế, văn hóa không chỉ đối với nhà Lý mà cả với các triều đại về sau.
Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang quy hóa và hiển thánh ngay dưới chân núi Quả và được nhân dân xứ Nghệ lập đền thờ gọi là Đền Quả Sơn. Ngôi mộ linh thiêng của Ngài tại di tích Đền Quả Sơn luôn được nhân dân chăm sóc, phụng thờ, hương khói.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến nay Đền Quả Sơn được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo ngày càng tôn nghiêm và uy linh xứng với tầm vóc vốn có. Ngày 12/02/1999, Đền Quả Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa” cấp quốc gia.
Trong hành trình du xuân của người Nghệ không thể thiếu điểm du lịch tâm linh nức tiếng ở xứ Nghệ – Đền Quả Sơn. Bởi trong tâm thức của mỗi người, khi về với không gian ngôi đền thiêng là dịp trở về với cội nguồn, tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị nhân thần có công với nước với dân, cùng với ước vọng cầu an, cầu tài, cầu lộc. Đặc biệt vào dịp lễ hội Đền Quả Sơn (ngày 18-20 tháng Giêng âm lịch) diễn ra các nghi lễ truyền thống đặc sắc, cùng các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi thu hút người dân và du khách thập phương về thăm quan, thưởng lãm và chiêm bái.
Vì vậy, công tác chuẩn bị lễ hội luôn được địa phương tập trung chỉ đạo chu đáo. Trong năm qua, địa phương vận động các nguồn lực đầu tư tôn tạo phần mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, trùng tu nghi môn ngoại, cổng, hàng rào sân khấu của sân lễ hội và xây hồ sen trong khuôn viên đền; tạo nên không gian tổng thể hài hòa, vừa bảo tồn nét đẹp cổ kính, linh thiêng. Lễ hội được UBND huyện Đô Lương chỉ đạo, tổ chức với sự tham gia trực tiếp của xã Bồi Sơn và 5 địa phương lân cận cùng nhiều lực lượng khác trong toàn huyện.
Về với lễ hội Đền Quả Sơn, mỗi người sẽ được sống không gian linh thiêng và tham gia các hoạt động lễ hội mang đặc trưng của vùng đất “địa linh”. Bên cạnh nghi thức tế lễ cổ truyền (lễ cúng thủy thần, lễ xuất thuyền, lễ hạ thủy, lễ yết cáo, lễ xuất thần, lễ chiêu nghinh thánh giá hồi cung), nét đặc sắc của lễ hội là lễ rước ngài lên tạ ơn Bà Bụt ở Chùa Bà Bụt (cách đền 4 km về phía Tây thuộc xã Lam Sơn). Tương truyền, Bà Bụt là người thường xuyên linh ứng phù giúp Lý Nhật Quang trong việc kinh bang tế thế.
Năm nay, các hoạt động văn hóa, thể thao trong khuôn khổ lễ hội diễn ra từ ngày 16 tháng Giêng âm lịch, sôi nổi, phong phú hơn, như: giải bóng chuyền nữ, bóng chuyền nam, trò chơi dân gian (giải vật truyền thống, đẩy gậy, bắt vịt, bắt lợn, đi cầu khỉ); hát diễn xướng, giao lưu dân ca, đêm hội hoa đăng trên sông Lam… Trong không gian lễ hội còn tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, đặc sản Đô Lương, trưng bày ảnh truyền thống của các kỳ lễ hội.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Quả sơn, đồng thời, phát huy giá trị, ý nghĩa độc đáo của một ngôi đền thiêng, trở thành du lịch tâm linh hấp dẫn ở xứ Nghệ, địa phương đã có những định hướng quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Anh Quang – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương nhấn mạnh, thời gian tới, huyện tập trung nâng cao trách nhiệm chính quyền các cấp trong việc quản lý, bảo tồn và duy trì các nghi lễ cổ truyền của lễ hội. Hàng năm, UBND huyện phối hợp với địa phương tổ chức lễ hội đảm bảo tính trang trọng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo, ý nghĩa khoa học sâu sắc của di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Đền Quả Sơn; tạo mọi điều kiện và tăng cường hỗ trợ cộng đồng nhằm bảo tồn các hình thức sinh hoạt, nghi lễ truyền thống và thực hành lễ hội.
Cùng với đó, huyện xây dựng kế hoạch phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái trên địa bàn; liên kết các địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành, tổ chức xã hội tiếp tục trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Đền Quả Sơn và các di tích liên quan cùng với phục dựng các nghi lễ, trò chơi dân gian độc đáo trong lễ hội.
Củng cố, kiện toàn Ban Quản lý di tích, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về hướng dẫn, thuyết minh; thực hiện phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di tích và lễ hội Đền Quả Sơn gắn với các điểm du lịch trên địa bàn huyện, để phát triển điểm du lịch tâm linh nức tiếng xứ Nghệ./.