Việc tiếp xúc, lắng nghe và đôn đốc giải quyết nhiều vấn đề cử tri, nhân dân phán ánh, kiến nghị của mỗi đại biểu và cơ quan HĐND tỉnh thời gian qua đã thực sự tạo niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân vào bộ máy chính quyền các cấp, góp phần tạo động lực, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội vì sự phát triển chung của tỉnh.
Là cơ quan đại biểu dân cử, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của cử tri, nhân dân và phát hiện những vấn đề bất cập, hạn chế, tồn tại trong quá trình chỉ đạo, điều hành của chính quyền là hoạt động quan trọng của HĐND các cấp. Đối với HĐND tỉnh, hoạt động này được triển khai trên nhiều “kênh” để đảm bảo có nhiều thông tin và thông tin đa chiều từ cuộc sống; từ tổng hợp qua kênh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thành, thị xã, đến phản ánh của các cơ quan báo chí và hoạt động tiếp xúc cử tri…
Không chỉ đôn đốc việc giải quyết và trả lời, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, liên quan đến quyền lợi sát sườn của người dân được HĐND tỉnh nghiên cứu, lựa chọn, đưa vào các chương trình hoạt động của mình. Bao gồm đưa vào thảo luận tổ, thảo luận hội trường hoặc đưa vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND, kể cả tổ chức phiên giải trình, giám sát, khảo sát…, nhằm nâng tính trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu các giải pháp mang tính “căn cơ”, giải quyết rốt ráo các vấn đề đặt ra.
Đơn cử, xuất phát từ sự phản ánh, kiến nghị của cử tri ở nhiều địa phương trong cấp GCNQSD đất, ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà cửa hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kể cả thế chấp tài sản đất vay tiền ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất của người dân gặp khó khăn, Thường trực HĐND tỉnh đã giao Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức giám sát và chính Thường trực HĐND tỉnh sau đó cũng tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số địa phương, đồng thời tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đối với Sở Tài nguyên – Môi trường; đưa vấn đề thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Theo đó, hàng loạt vướng mắc, tồn tại liên quan đến năng lực các đơn vị tư vấn đo đạc; kinh phí đo đạc; trình độ, năng lực và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức địa chính cấp xã; sự quyết liệt vào cuộc của các địa phương; thủ tục hành chính trong cấp GCNQSD đất được nhìn nhận một cách thấu đáo, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tập trung thực hiện có hiệu quả.
Vấn đề dân sinh nữa được HĐND tỉnh đặt lên bàn “nghị sự” đó là sự bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất ở, khi người dân thực sự có nhu cầu đất ở thì không mua được, người không thực sự có nhu cầu lại mua được hoặc tình trạng “cò mồi” thông đồng ép giá, dìm giá để trục lợi. Trước yêu cầu của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường công tác an ninh và về phía các địa phương nâng cao khâu điều hành đấu giá sát với thị trường, tránh “cò” làm giá với người mua đất, thất thu ngân sách. Và lần đầu tiên, trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã bắt và khởi tố 3 đối tượng “cò đất” tại huyện Nam Đàn. Sở Tư pháp cũng đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch HĐND thành phố Vinh: Các phiên đấu giá trước đây chỉ qua 2 vòng là cơ bản đấu xong và giá được đấu không cao hơn nhiều so với khởi điểm; mới đây, qua phiên đấu giá đất tại khu Đông Thọ, phường Hưng Dũng phải qua 6 đến 7 vòng đấu và giá đấu được đẩy lên cao, với 12 – 12,7 triệu đồng/m2, trong khi đó giá khởi điểm được ra là 6,7 triệu đồng/m2. Và chủ trương của thành phố trong năm 2019 này sẽ tổ chức hình thức đấu giá gián tiếp, chắc chắn sẽ khắc phục tình trạng “cò đất” trong đấu giá trên địa bàn.
Ngoài 2 vấn đề điển hình nêu trên, thì thời gian qua, nhiều vấn đề bức xúc khác trên địa bàn tỉnh cũng được HĐND tỉnh đặt ra để các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết từng bước, như hoạt động tín dụng “đen”; tình trạng buôn bán người ở các xã biên giới; bố trí việc làm cho đối tượng cử tuyển; xử lý tình trạng hưởng sai chế độ thương binh và chất độc da cam; giải quyết các tồn tại ở các khu tái định cư thủy điện; chăm lo cuộc sống cho các gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn…
Bên cạnh nhiều vấn đề được giải quyết, tạo bước chuyển tích cực, thì thực tiễn vẫn đang đặt ra nhiều bất cập, mâu thuẫn, bức xúc, nhiều vấn đề xã hội phát sinh chưa được xử lý có hiệu quả và nhiều quyền lợi, mong muốn của nhân dân chưa được đáp ứng. Nổi lên là việc hoàn trả vốn tài sản lưới điện hạ áp nông thôn; xử lý những tác động tiêu cực trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; hàng giả, hàng kém chất lượng; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn lao động; ô nhiễm môi trường; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…
Ngoài yếu tố khách quan do cơ chế, chính sách, do hạn chế về nguồn lực, thì thẳng thắn phải nói, một số cơ quan, đơn vị chưa có trách nhiệm cao và ý thức, trách nhiệm trong giải quyết, thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức chưa thực sự trăn trở, sáng tạo để tham mưu các giải pháp xử lý các vấn đề bức xúc, bất cập đặt ra. Điều này dẫn đến, một số vấn đề dân sinh được cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần, nhưng một số cơ quan, đơn vị lấy lý do cơ chế, nguồn lực để không tập trung quyết liệt xử lý; trong khi nếu có khó khăn về cơ chế và nguồn lực thì cũng cần trăn trở tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách và vận dụng các nguồn lực để tổ chức thực hiện…
Từ thực tiễn đặt ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, việc giải quyết mong muốn, nguyện vọng của nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó HĐND tỉnh cùng với HĐND cấp huyện, xã với vai trò chức năng lắng nghe, tổng hợp, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri cũng cần tiếp tục trăn trở để đổi mới trong hoạt động này.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra cho HĐND tỉnh trong năm 2019 này là quyết tâm xây dựng và đưa vào ứng dụng phần mềm theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết luận sau giám sát. Gắn với đó, HĐND tỉnh cũng đưa việc đánh giá, xếp loại hoạt động của các tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND tỉnh đi vào nền nếp và siết chặt hơn, tạo ra động lực thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm của các tổ và đại biểu HĐND tỉnh trên các mặt hoạt động, trong đó có hoạt động tổng hợp, kiến nghị, đôn đốc, theo đuổi đến cùng việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri.
Năm 2019, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, trong và sau các kỳ họp HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trên cơ sở đó, xác định rõ những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tìm giải pháp giải quyết tốt hơn ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Thường trực HĐND tỉnh cũng sẽ đôn đốc UBND tỉnh ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do HĐND tỉnh chuyển đến theo Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Khi thực hiện được những vấn đề trên, chắc chắn các kiến nghị, phản ánh của cử tri, nhân dân được tập trung giải quyết quyết liệt và hiệu quả hơn, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận cao trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.