Nhìn cụm công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa những dòng nước xanh trong tỏa đi tắm mát cho hàng vạn ha đất trung du đang khát, ngẫm ra cán bộ, công nhân ngày đêm miệt mài nơi đây là những người thức dậy tài nguyên…
Cụm công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được xây dựng trên sông Hiếu, thuộc địa bàn xã Yên Hợp (Quỳ Hợp), từ Quốc lộ 48 rẽ vào gần 1 km. Ở thời điểm này, vượt qua cây cầu bắc qua kênh dẫn dòng, sẽ được chứng kiến một đại công trường và hiểu về quy mô của một công trình thủy lợi cấp quốc gia. Những trạm trộn bê tông khổng lồ; những đoàn xe ô tô chuyên dụng cỡ lớn ra vào tấp nập vận chuyển bê tông tươi và các loại vật liệu sắt, thép; hàng trăm xe máy, thiết bị và những chiếc cần cẩu cao vút…, cùng rất đông cán bộ, công nhân hăng say làm việc.
Trong không khí sôi động của công trường, Phó Trưởng Ban quản lý dự án Bản Mồng Trần Văn Tạo hào hứng cho biết, ở nơi đây triển khai thi công toàn bộ cụm công trình đầu mối, thuộc gói thầu số 36, gồm đập tràn, đập bê tông, cống lấy nước và đập phụ với giá trị hợp đồng 1.205 tỷ đồng. Cho đến thời điểm hiện tại (ngày 28/12/2018), đê quây thượng, hạ lưu đã đắp đến cao trình thiết kế, đảm bảo chống lũ chính vụ năm 2018. Khối lượng đào hố móng đạt khoảng 97% (trong đó đào đất đạt 355.768/374.848m3, đào đá: 465.121m3/474.292m3). Đang tiến hành khoan phụt xử lý và chống thấm, với khối lượng đã thực hiện 14.740 md/15.678 md (đạt 94,00%); thực hiện thi công bê tông cốt thép tràn xả lũ, cống xả sâu kết hợp xả cát, cống lấy nước, đập bê tông (khối lượng bê tông đạt 70.764m3); thi công trụ pin đến cao trình +46,0m, lõi tràn đến cao trình +45,0m, bể tiêu năng cơ bản đạt cao trình thiết kế +40,4m, Cống xả sâu số 1 đến cao trình +41,0m, cống xả sâu số 2 đến cao trình +40,0m; đập dâng bờ trái ĐN4 đến cao trình +40,0m; đập dâng bờ phải ĐN5 đến cao trình +36,0m. Kế hoạch thực hiện từ nay đến hết tháng 1/2019 sẽ hoàn thành khoan phụt chống thấm và gia cố. Thi công hoàn thành bê tông các hạng mục tràn xả lũ, gồm: sân tiêu năng; lõi tràn, trụ pin, tường thượng lưu, cống xả sâu kết hợp xả cát (cống số 1, cống số 2, cống lấy nước), đập bê tông… Với khối lượng đã thực hiện, đã vượt khoảng 20% so với tiến độ.
Để có được kết quả này, theo Phó Trưởng ban quản lý dự án Trần Văn Tạo cho biết, từ tháng 3/2018 đến nay, công trường liên tục duy trì từ 600 đến 1.000 cán bộ, công nhân luân phiên làm việc 3 ca. Họ là người của các nhà thầu mạnh, có nhiều kinh nghiệm trong thi công các công trình thủy lợi như Công ty TNHH MTV ĐT&XD Hoàng Dân,Tổng Công ty xây dựng thủy lợi 4 – CTCP, Công ty TNHH Hòa Hiệp, Tổng Công ty 36. Bên cạnh đó, còn có cán bộ của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, phân công thành các tổ, thường xuyên 3 ca bám sát công trường.
Theo ông Hoàng Xuân Thịnh – Q. Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là dự án trọng điểm của Bộ, của tỉnh, là một trong những công trình lớn nhất ở thời điểm hiện tại của Bộ NN&PTNT; có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 18.670 ha ven sông Hiếu, trong đó tưới tự chảy cho 4.446 ha, còn lại tưới động lực; bên cạnh đó, còn cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt (khoảng 23 m³/s); kết hợp phát điện với công suất lắp máy khoảng 42 MW; cấp nước cho công nghiệp dân sinh và chăn nuôi trong vùng dự án; phát triển nuôi trồng thủy sản và tham gia cải tạo môi trường; kết hợp giảm một phần lũ cho hạ du sông Hiếu. Dự án được lãnh đạo Bộ NN&PTNT quan tâm, chỉ đạo sát sao; đồng thời, Bộ đánh giá rất cao về kết quả đạt được sau hơn 10 tháng thi công, từ khâu tổ chức quản lý và điều hành thi công trên công trường. “Ngày 16/12/2018, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT về thăm và làm việc tại công trường. Thứ trưởng đã biểu dương, đánh giá cao cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 cùng các đơn vị tư vấn, thi công và địa phương đã vượt khó, nỗ lực đạt và vượt những yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị tất cả các đơn vị tham gia quản lý, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Bản Mồng phát động phong trào thi đua, đảm bảo mục tiêu tiến độ, chất lượng, kỹ thuật mỹ thuật, đảm bảo đến năm 2021 đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả”.
Chứng kiến cụm công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ, có thể nói rằng, chắc chỉ một vài năm nữa thôi, từ đây, những dòng nước xanh trong sẽ tỏa đi tắm mát cho hàng vạn hecta đất miền núi trung du đang khát. Những vùng đất Yên Hợp, Châu Bình…, với lợi thế của Quốc lộ 48 và Hồ chứa nước Bản Mồng, sẽ thực sự là trung tâm của dải đất quý Phủ Quỳ. Bởi vậy, cán bộ, công nhân đang ngày đêm miệt mài nơi đây như những người thức dậy tài nguyên…
Nghe chúng tôi trao đổi, ông Hoàng Xuân Thịnh cười vui nói rằng, dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được phân kỳ thành 2 giai đoạn đầu tư. Theo kế hoạch, đến hết năm 2020 giai đoạn 1 của cụm công trình đầu mối sẽ được hoàn thành. Và với tiến độ như hiện tại, sẽ đảm bảo theo kế hoạch. Tuy nhiên, để dự án được vận hành theo kế hoạch đã đề ra thì các gói thầu của giai đoạn 1 và 2 phải song song hoàn thành đúng tiến độ; dự án phải được đảm bảo về vốn của cả hai giai đoạn; bên cạnh đó, còn phải thực hiện xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng.
Về vấn đề vốn, cần được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm giải quyết. Về công tác giải phóng mặt bằng, trong thời gian qua, các cấp chính quyền và các sở, ngành đã quan tâm vào cuộc tháo gỡ để công trình được thi công. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cần tiếp tục giải quyết. Đó là các bãi vật liệu D1, D2 đã được giải phóng mặt bằng, nhưng do dự án chưa được thi công trong một thời gian dài nên người dân đã tái trồng keo, trồng mía. Hiện nay, dù phần lớn người dân đã đồng thuận, nhận hỗ trợ và trả lại đất. Tuy nhiên một số ít người dân còn có những vướng mắc. Hay như ngay tại bờ phải cầu qua kênh dẫn dòng, mặc dù đã được giải phóng mặt bằng đối với gần 5.000m2 để thi công cầu qua kênh dẫn dòng phục vụ thi công cụm công trình đầu mối, nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…
Đã không ít lần tham gia các đoàn công tác của tỉnh, của huyện Quỳ Hợp lên Yên Hợp tháo gỡ những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thế nên chúng tôi thấu hiểu những tâm tư của Q. Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 Hoàng Xuân Thịnh. Nhưng tin, với tính chất đặc biệt quan trọng của công trình trọng điểm quốc gia Hồ chứa nước Bản Mồng, chắc chắn rồi đây những người dân còn có vướng mắc sẽ thấu hiểu, đồng thuận để cùng góp công khơi dậy tài nguyên. Bởi trong cái lợi ích chung đạt được khi công trình hoàn thành, có lợi ích của mọi gia đình…