Mừng vui trước những đổi thay của xã miền núi Châu Cường (Quỳ Hợp), tôi ấn tượng về vị Chủ tịch UBND xã, anh Lưu Xuân Điểm. Cảm nhận, ẩn sau vẻ xù xì, thô ráp của anh là một tấm lòng nhiệt huyết với công việc, với nhân dân…
Tôi biết Lưu Xuân Điểm từ khoảng năm 2012. Biết chặng đường công tác của anh khá “lận đận”, từng là Bí thư Huyện đoàn, Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy, rồi rẽ ngang sang Phó phòng NN&PTNT… Tôi cũng quý anh, bởi đây là một cán bộ thẳng thắn, bộc trực, dù đôi khi có phần phóng khoáng thái quá. Có lẽ vì thế vào năm 2014, khi nghe tin anh sẽ lên Châu Cường làm Chủ tịch UBND xã, đã có chút băn khoăn.
Sở dĩ băn khoăn bởi tính cách của anh, và bởi Châu Cường chỉ cách hồ Thung Mây – trái tim của Quỳ Hợp một độ đường khoảng 8 km, nhưng là một xã núi nghèo, lại đang có những bất ổn. Nghèo, do cán bộ, nhân dân vẫn tư duy cũ mòn, lạc hậu trong phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi. Còn bất ổn, là do cán bộ chủ trì mất đoàn kết, nội bộ lủng củng, phong trào của xã vì thế chẳng thể khá lên.
Từng nhiều lần xuôi ngược Quỳ Hợp ở giai đoạn này, trong trí nhớ của tôi, ngoại trừ vài cụm dân cư bám Quốc lộ 48C, phần còn lại của Châu Cường đúng nghĩa vùng sâu, vùng xa. Hệ thống giao thông nội bản, nội thôn như những lối mòn, khúc khuỷu, chật hẹp. Đồng ruộng thiếu sự chăm bẵm của con người, lại chịu nhiều tác động xấu của việc khai thác quặng thiếc đầu nguồn suối Bắc, suối Mai… nên cằn cỗi. Các loại cây lương thực, rau màu trồng trên đấy cho sản lượng thấp. Ở các khu vực dân cư, không khí buồn tẻ, trong những bờ rào tre nứa xộc xệch là những mảnh vườn lơ thơ vài cây bụi. Còn người dân, hình ảnh thường gặp là tụm năm, tụm ba bên hiên nhà, hoặc tập trung mót quặng thiếc bên khe suối…
Vậy nhưng về Châu Cường dịp này, con người và cảnh vật đã có những đổi thay. Vui và đẹp hơn. Hệ thống giao thông thôn bản đã được cứng hóa, phong quang sạch sẽ. Trong các khu dân cư, bao quanh những nhà sàn Thái, đã có màu xanh của các loại rau màu, cỏ voi, cỏ sữa chăn nuôi gia súc. Trên các cánh đồng, đã được phân bổ, quy hoạch phù hợp thổ nhưỡng cho từng loại cây trồng. Lúa nước, ngô, mía lên xanh, xen giữa những tuyến đường nội đồng đã được mở rộng, rải đá dăm chắc chắn, đảm bảo tiện lợi trong sản xuất và thu hoạch. Còn người dân Châu Cường, đã không còn buồn tẻ như trước đây.
Có vô khối những câu chuyện lạ, chuyện mới ở Châu Cường được người dân hồ hởi kể ra. Từ việc toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới để đến bây giờ đạt được 13 tiêu chí (năm 2014 mới đạt 3 tiêu chí); có thêm 3/11 bản xét đạt chuẩn trong năm 2018. Rồi chuyện chuyển đổi hình thức canh tác trên từng thửa đất để cho thu hoạch cao; chuyện người già “phải” nêu gương cho cháu con bằng việc dậy sớm tập thể dục và đánh kẻng thức con cháu ra thăm đồng, đi học đúng giờ; chuyện xã “bắt” đoàn viên thanh niên phải cải tạo vườn hoang, vườn tạp trồng rau xanh phục vụ gia đình và trồng cỏ chăn nuôi gia súc…
Trong những câu chuyện vui ấy, với một tình cảm ấm áp, gần gũi, người dân không quên nhắc đến những người có công đổi thay xứ núi Châu Cường. Đấy là những cán bộ năng động của xã, và là Chủ tịch UBND xã Lưu Xuân Điểm. “Đường này, ruộng này, vườn này… Cái chi anh Điểm cũng lo được cho dân rồi. Giờ bà chỉ còn muốn anh Điểm tìm chữa giúp cho cái lưng đỡ đau nữa là được…” – cụ Nguyễn Thị Tuẩn (68 tuổi) ở làng Hạ Đông cười vui nói.
Lên với Châu Cường, tôi được gặp lại Lưu Xuân Điểm. Đùa anh: Làm Chủ tịch mà vẫn xù xì, thô ráp vậy sao? Vẫn tính cách phóng khoáng ngày nào, anh bảo: Chủ tịch chi. Là “lão nông” thôi…!.
Cùng nhau đi thăm đồng, anh kể dịp tháng 7 năm 2014, khi biết “bị” điều động đến Châu Cường, địa bàn khó khăn nhất huyện, thì đã chủ động đề nghị được lên sớm, trước thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ xã. Lý do, để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ đảng viên, và những vấn đề tồn tại của địa bàn. Khi được bầu vào BCH Đảng ủy xã, được phân công giữ cương vị Chủ tịch UBND, đối diện với hàng núi khó khăn, anh xác định trước nhất phải đổi mới ngay đội ngũ cán bộ chủ chốt. Thế rồi, đã thực hiện công tác chính trị, tư tưởng đến với mỗi cán bộ đảng viên. Không thiên tư, thiên vị bất kỳ cá nhân nào. Ai không thông, mời đứng ngoài dây chuyền. Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ Châu Cường đã thay đổi rất nhanh.
Tiếp đến, anh quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Liên tục các khóa tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi được tổ chức với sự tham gia của người dân. 218 ha canh tác lúa 2 vụ được rút xuống còn 194 ha. Các vùng cao cưỡng, ngập úng, ô nhiễm được cải tạo để trồng mía, ngô sinh khối. Đích thân anh đến công ty mía đường, công ty sữa đề nghị doanh nghiệp cam kết thu mua mía, ngô sinh khối cho người dân. Châu Cường từ chỗ không có cây mía, nay đã có với diện tích 61 ha; cây ngô sinh khối cũng được luân canh liên tục. Đặc biệt nhất, ở Châu Cường đã thâm canh 3 vụ/năm, ngoài 2 vụ lúa người dân còn làm các loại rau màu vụ đông.
Bởi hiểu rõ cơ cấu mùa vụ và giống, Lưu Xuân Điểm chủ trương cho người dân canh tác lúa thuần thay vì lúa lai như trước. Bởi theo anh, lúa thuần ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt, giống cây thấp tránh được mưa bão, chất lượng gạo cao và còn phù hợp với địa hình, tiểu vùng khí hậu Châu Cường. Việc thay đổi cơ cấu giống và mùa vụ đã đem lại hiệu quả nên bây giờ ai cũng tin, cũng nghe. Cũng nhờ cải tạo đất đai canh tác, mở rộng đường giao thông nội đồng nên người dân Châu Cường đã sử dụng máy móc để làm đất, thu hoạch. Đây là điều ít thấy ở một địa bàn miền núi.
Hỏi chuyện xã “ép” người già tập thể dục buổi sáng và đánh kẻng báo thức, anh cười sảng khoái bảo đấy là phong trào “3 tiếng kẻng”. 19h tối, 11/11 thôn xóm đồng loạt gõ một hồi kẻng để trẻ em học bài. Khi đó, các bậc phụ huynh đều phải nhường không gian cho các cháu học bài. 22h, một hồi kẻng tiếp tục vang lên. Đây là tiếng kẻng bình yên. Lúc này, lực lượng công an xã cùng dân phòng của các xóm tổ chức tuần tra, bảo vệ bình yên cho mọi nhà. Còn vào buổi sáng, là tiếng kẻng bình minh đánh thức người dân ra thăm đồng, các cháu nhỏ đi học. “Tôi muốn thay đổi múi giờ cho người dân. Đồng bào trên này thường thức dậy rất muộn, vì vậy đám ruộng đáng ra chỉ cày mất một buổi thì lại mất một ngày, thời vụ, mùa màng cũng vì vậy mà bê trễ…” – anh Điểm giải thích.
Chủ tịch UBND xã Lưu Xuân Điểm cũng là người quyết tâm thay máu giống bò bản địa. Lý do, chăn nuôi là thế mạnh phát triển kinh tế của người dân, nhưng đàn bò tới 2.700 con của địa phương đã bắt đầu thoái hóa do cận huyết vì nuôi thả rông. Nhiều người băn khoăn. Anh đã đặt ra câu hỏi yêu cầu cán bộ và người dân trả lời: Tại sao bò địa phương khác có giá 18 đến 20 triệu đồng. Trong khi bò của Châu Cường chỉ được 7 – 8 triệu đồng? Mọi người đã nghe ra. Từ đó, kết hợp nhiều chương trình, dự án, anh nhập về địa bàn 40 con bò lai sind trong đó có 3 con bò đực chuyển nuôi 3 vùng của xã. Bằng cách làm này, đến nay khoảng 30% đàn bò của xã đã được cải tạo. Diện tích trồng cỏ voi, cỏ sữa để phục vụ nuôi nhốt gia súc cũng tăng lên từng năm…
Cùng nhau đi trên tuyến đường nội đồng đổ đá cấp phối, Lưu Xuân Điểm còn kể cho chúng tôi nghe nhiều những câu chuyện vui của Châu Cường. Nhìn hình ảnh những vùng đất cao cưỡng, rẻo địa hình bậc thang ven khe suối cũng đã được phủ xanh bởi cây mía và ngô, nghĩ về những đổi thay trong cách nghĩ, cách làm của hơn 96% là đồng bào dân tộc Thái nơi đây, thêm quý vị Chủ tịch xã có vẻ ngoài xù xì, thô ráp này. Lưu Xuân Điểm, anh đúng là “lão nông” của bà con xứ núi Châu Cường!.