Người sinh, mất tuổi Hợi (亥)có tầm ảnh hưởng đến mảnh đất, con người xứ Nghệ từ xa xưa đến nay khá nhiều. Đó là các danh nhân, nhân vật được vinh danh trong lịch sử, văn hóa nước nhà. Nhân đón Tết năm Hợi, chúng tôi xin giới thiệu những gương mặt tiêu biểu nhất, gắn với những sự kiện quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển quê hương xứ Nghệ và đất nước.
ua Lê Trang Tông (1515-1584) sinh năm Ất Hợi, là đế hiệu của Lê Duy Ninh, con trai của vua Lê Chiêu Tông. Khi vua cha bị hại, ông được các trung thần như Nguyễn Kim… đưa đi lánh nạn bên Lào, rồi được phò lên ngôi. Người xứ Nghệ đã đóng góp rất nhiều công sức để nhà vua xây dựng lực lượng, với binh hùng tướng mạnh, đánh chiếm lại được nhiều vùng đất lớn, rồi tiến thẳng về Thăng Long, bước lên ngai vàng, mở ra một thời kỳ thịnh vượng mới của đất nước – thời Lê Trung Hưng. Vua tạo nên thời thế để người Nghệ trở nên các anh hùng, danh nhân nổi tiếng phò vua cứu nước, mà tiêu biểu là các vị: Thượng thư, Thái phó Tấn Quốc công, Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576), quốc tính là Trịnh Mô (quê ở Tràng Sơn, Đô Lương); Thái bảo Lai Quốc công Phan Công Tích (? – 1575), quê ở làng Hào Kiệt (Vĩnh Thành, Yên Thành); Đình nguyên Tiến sĩ, Thái bảo Khê Quận công, Thượng thư Đinh Bạt Tụy (1527-1600), quê ở Bùi Ngõa (Hưng Trung, Hưng Nguyên)…
Đặc biệt khi Lê Trang Tông đóng Hành tại ở Vạn Lại (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã cho mở một khoa thi Tiến sĩ chọn người tài giúp nước vào năm Nguyên Hòa 14 (1546) và đã chọn được 25 Tiến sĩ, trong đó có tới 10 người Nghệ An và 1 Hà Tĩnh. Các Tiến sĩ khoa này là: Phan Duy Thực (Hoa Thành); Ngô Trọng Điển (Anh Sơn); Nguyễn Ngọc Dật và Phan Nhân Tường (Thanh Chương); Bùi Duy Nhượng và Trần Đăng Dụng (Nam Đàn); Phan Tiến Thọ (Hưng Tây); Lê Nguyên Trưng (Nghi Lộc); Thái Doãn Nguyên (Diễn Hoa); Dương Cát Phủ (Quỳnh Đôi); Nguyễn Đình Mỹ (Hương Sơn).
Họ đều được cử làm quan đại thần, Thượng thư, hoặc tương đương để lập công cứu nước… Họ đã sinh ra hàng trăm con cháu nối nghiệp phù giúp triều Lê Trung Hưng, lập nên nhiều công trạng, được triều đình phong quan chức và ban ngũ tước. Vua Lê Trang Tông lập sự nghiệp trên đất Nghệ An và để lại nhiều truyền thuyết dân gian đặc sắc gắn với đình đền Long Thái, Đô Lương, Nghệ An (nay ở đây còn lưu tài liệu thần tích về vua bằng chữ Hán).
guyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), sinh năm Tân Hợi, tên khác là Văn Đạt, tự Hạnh Phủ, hiệu Bạch Vân Cư Sĩ, quê ở làng Trung Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, đỗ Trạng nguyên), làm quan đến Tả Thị lang bộ Lại, kiêm Đông các Đại học sĩ. Vua Mạc phong cho ông là Thượng thư, Trình Quốc công.
Ông là danh sĩ nổi tiếng với tác phầm: Bạch Vân am tập và Bạch Vân (Am) quốc ngữ thi. Ông là người giỏi Thái ất. Tương truyền ông cho chúa Trịnh Kiểm câu sấm: Nếu muốn ăn oản thì về với sư (Cứ việc thờ Phật thì được ăn oản và đã tồn tại một thời đại Vua Lê – Chúa Trịnh). Ông cho họ Nguyễn câu: Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân (Hoành Sơn một dải, có thể dung thân mãi mãi). Tương truyền có câu Đụn Sơn phân giới, Bò đái thất thanh, Nam Đàn sinh Thánh, nhà sử học Đào Duy Anh đem câu chuyện này hỏi cụ Phan Bội Châu xem có ứng vào cụ không? Cụ đã trả lời: Câu này ứng với Nguyễn Ái Quốc. (Sách: Ông già Bến Ngự)…
inh Nhật Thận (1815-1866), sinh năm Ất Hợi, tự Tử Úy, hiệu Bạch Mao Am, quê xã Thanh Liêu, nay là Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An. Đậu Tiến sĩ khoa Mậu Tuất – Minh Mạng 19 (1858). Làm quan Tri phủ sau đó cáo quan ở nhà. Ông vận động dân khai hoang, lập ra ấp Gia Hội (Thanh Liên và Tiên Hội), cùng mở trường dạy học và làm thuốc cứu dân. Do giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Cao Bá Quát chống triều đình nên ông bị liên lụy, bị tống giam chờ xử trảm (án tử hình). Sau được ân xá vì chữa bệnh cho mẹ vua, nhưng phải lưu tại Kinh để dạy học cho Hoàng tộc. Những ngày bị giam ở Huế, ông đã sáng tác áng thơ Thu dạ lữ hoài ngâm bằng chữ Hán nhưng theo thể truyền thống song thất lục bát. Tác phẩm này thể hiện tài hoa thi văn của ông và trở thành một bài thơ bất hủ trong nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đó cũng là một tài thơ tiêu biểu cho dòng văn Hồng Lam của người xứ Nghệ.
guyễn Đức Đạt (1824-1887), mất năm Đinh Hợi, quê ở xã Hoành Sơn, nay là Nam Hoành, Nam Đàn. Ông thi đậu Đệ nhất giáp Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Quý Sửu – Tự Đức thứ 6 (1853). Làm quan Thị giảng Tập hiền viện, Cấp sự trung. Ông chán cảnh quan trường xin về nhà phụng dưỡng cha mẹ già và mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông, thầy phải tổ chức bình văn ở bên sông Đại Lạn, nhiều khi có đến mấy trăm người dự. Từ đó người dân gọi nơi ấy là dòng sông “Tứ” có ý ví với nơi Khổng Tử dạy học ở nước Lỗ (Trung Hoa) 2.500 năm trước. Nhà vua nghe tiếng lại điều ông đi làm quan, được một thời gian, ông lại vin cớ đau yếu, cáo quan, về quê tiếp tục mở trường dạy học, vì học sinh đông không có nhà nào chứa nổi nên phải cho trò lên núi Nam Sơn, lấy vách đá khắc chữ để giảng dạy. Thầy đã đào tạo được nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng. Sau khi mất, học trò đã góp công của xây dựng mộ, lập nhà thờ và dựng bia ghi ơn, ca ngợi công đức của thầy chính nơi thầy mở trường dạy học.
guyễn Thức Tự (1841-1923), mất năm Quý Hợi, hiệu Đông Khê, quê ở làng Đông Chử, xã Thịnh Trường, thi Hương một lần đậu Á nguyên, làm Sơn phòng Chánh sứ Hà Tĩnh, là cánh tay đắc lực của khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, ông cáo quan về mở trường dạy học, có tiếng dạy giỏi, học trò đông. Phan Bội Châu đã học nhiều thầy, đậu Đầu xứ năm 18 tuổi, nhưng thi Hương mấy khoa liền đều hỏng. Đầu xứ San phải lặn lội qua mấy chục cây số để đến học ở trường của thầy Nguyễn Thức Tự.
Nguyễn Thức Tự được các sĩ phu xứ Nghệ đánh giá là bậc thầy về kinh sử và nhân cách. Học trò của thầy là nhiều nhà khoa bảng rất nổi tiếng, như các Tiến sĩ, Phó bảng: Đinh Văn Chấp, Nguyễn Đức Lý, Hoàng Kiêm, Nguyễn Mai, Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Sắc, Vương Đình Trân, Nguyễn Thúc Dinh, Nguyễn Viết Tuyển, Đặng Nguyên Cẩn và rất nhiều Cử nhân, Tú tài khác… Học trò của thầy đều có tư tưởng yêu nước, chống thực dân Pháp, hoặc không làm quan, không cộng tác làm việc với chúng. Ngay khi thầy đang sống, học trò và các sĩ phu đã quyên góp tiền của để xây lăng mộ và sinh từ cho thầy.
Ngày thầy mất, Phan Bội Châu đang ở Trung Hoa, đã làm bài văn điếu gửi về kính viếng thầy, trong đó có những câu như sau:
“Đạo thông thiên địa
Học bác cổ kim
Kinh sư dĩ đắc
Nhân sư nan tầm”.
(Tức là: Đạo thông cả thời đất/ Học rộng khắp xưa nay, Thầy dạy chữ dễ gặp/Thầy dạy làm người khó tìm) – (Theo Nguyễn Quang Tô. Sào Nam Phan Bội Châu (1867-1940) – S., BGD&TN, 1974 và Bút tích nhà thơ Trần Hữu Thung ghi lại mấy câu trên bằng chữ Hán, dịch tặng lại cho chúng tôi: Đào Tam Tỉnh và Nguyễn Văn Danh).
ôn Thất Thuyết (1835-1913), sinh năm Ất Hợi, quê ở làng Xuân Long, nay thuộc thành phố Huế. Ông xuất thân võ tướng, đã giúp Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc đánh thắng giặc Pháp tại trận Cầu Giấy (1873). Ông làm quan đến Thượng thư bộ Binh và Phụ chính đại thần, có công lập vua Hàm Nghi lên ngôi. Ông trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp khi thay mặt vua Hàm Nghi soạn Hịch Cần Vương, mở ra một phong trào Văn thân chống Pháp rộng khắp đất nước, được rất nhiều sĩ phu xứ Nghệ hưởng ứng mạnh mẽ, như Đình nguyên Phan Đình Phùng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Phó bảng Lê Doãn Nhã, Tiến sĩ Đinh Văn Chất, Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành, Cử nhân Đinh Nhật Tân…
rần Hữu Thung (1923-1999), sinh năm Qúy Hợi, người thôn Trung Phường, xã Diễn Minh, Diễn Châu. Ông là nhà thơ, nhà văn hóa đa tài, là hội viên lứa đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, có công xây dựng nền móng văn học nghệ thuật xứ Nghệ sau Cách mạng tháng Tám/1945. Ông là một trong những nhà sáng lập Hội Văn nghệ Nghệ An/Nghệ Tĩnh và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An/Nghệ Tĩnh nhiều năm.
Ông sáng tác nhiều thể loại và đều để lại dấu ấn: Thơ, văn, kịch, phim, nghiên cứu sưu tầm, dịch thuật. Tác phẩm: Vinh rực lửa (truyện ký 1969), Đại ngàn, Chuyện về rừng cây, Hồi ức săn bắn, Ký ức đồng chiêm (Giải Nhất báo Văn nghệ 1986), Đầu bến sông (kịch dân ca), Bàn về hát ru, Ca dao về Bác Hồ, Chuyện trạng xứ Nghệ…
Đặc biệt, kịch bản phim Ngày ấy bên bờ sông Lam (1980) là phim màu đầu tiên về đất nước, con người xứ Nghệ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người xem. Sáng tác tâm huyết nhất của ông là về thơ với các tác phẩm: Hai Tộ hò khoan, Đồng tháng Tám, Dặn con, Ngày thu ấy, Chị Minh khai, Gió nam, Đất quê mình, tiếng chim đồng, Anh vẫn hành quân, Lời sáo mách, Sen quê Bác.
Đặc biệt, bài thơ Thăm lúa về hình ảnh nông thôn ở hậu phương và người phụ nữ cùng tình yêu trong sáng, hồn nhiên dành cho người chiến sĩ ra tiền tuyến đã trở thành điển hình trong thơ ca cách mạng và kháng chiến Việt Nam. Bài thơ đã sống mãi trong lòng người đọc nhiều thế hệ, đã được tặng Bằng Lauria và Huy chương vàng – Giải thưởng Quốc tế tại Liên hoan Thanh niên sinh viên Thế giới năm 1953 tại Bu Ca Rét (Hung Ga Ri) và nhiều giải thưởng khác… Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên của Chủ tịch nước (năm 2001).
Tên của ông đã được ghi vào sách Từ điển Văn học Việt Nam và được đặt cho một con đường ở thành phố Vinh để vinh danh.
Còn rất nhiều danh nhân và nhân vật sinh, mất năm Hợi có liên quan đến sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương xứ Nghệ như:
Vua Lý Thánh Tông (1023-1072), có công tổ chức, xây dựng châu Nghệ An vững mạnh, phát triển khi cử một hoàng thất tài năng làm Tri châu là Lý Nhật Quang, trực tiếp nhiều lần nam chinh và huấn thị kịp thời chỉ đạo Tri châu hoàn thành sự nghiệp bảo vệ biên trấn và mở mang đất nước từ căn cứ vững chắc Nghệ An.
Hoàng Nghĩa Giao (1623-1662), Đô đốc Đồng tri, Đông Quận công, có công tích với triều Lê, là vị tướng tiêu biểu của họ Hoàng Nghĩa gốc Hưng Yên và phát tích danh tiếng ở Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên; có một chi ở làng Hoàng Trù sinh ra Hoàng Thị Loan – thân mẫu Bác Hồ.
Nguyễn Huy Tự (1743-1790), quê làng Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh, con của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, làm quan đến Đốc đồng Sơn Tây, vua Quang Trung bổ làm Hữu Thị lang, tác giả của truyện Nôm nổi tiếng Hoa Tiên.
Lê Ngô Cát (1827-1875), danh sĩ, sử gia thời Tự Đức, sáng tác Đại Nam quốc sử diễn ca, sau được Phạm Đình Toái quê ở Quỳnh Đôi bổ sung hiệu chỉnh thành tác phẩm văn sử nổi tiếng nước ta. Hồ Bá Ôn (1854-1883), quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, đỗ Phó bảng năm 1875, làm Án sát Nam Định, chống Pháp, tử trận, được truy tặng Quang lộc Tự khanh và thờ ở đền Trung nghĩa tại Kinh đô Huế.
Hồ Tá Bang (1875-1943), quê gốc Quỳnh Đôi, là nhân sĩ yêu nước, một yếu nhân của phong trào Duy Tân, một lãnh đạo của Trường Dục Thanh (Phan Thiết); cùng Trương Gia Mô đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn tìm đường sang Pháp, mở ra một vận hội mới cho dân tộc khi Nguyễn Ái Quốc tìm được kim chỉ nam là CN Mác – Lê nin để giải phóng dân tộc.
Lê Văn Quyên (1859-1917), còn gọi Đội Quyên, quê ở Yên Hồ, Đức Thọ, thủ lĩnh Nghĩa quân chống Pháp ở Nghệ Tĩnh, cùng Cao Thắng chế tạo súng cho nghĩa quân Phan Đình Phùng, theo Phan Bội Châu xuất dương, rồi trở về cùng hoạt động yêu nước với Thần Sơn Ngô Quảng, Hồ Bá Phấn và Nguyễn Thị Thanh (chị ruột của Bác Hồ).
Lê Văn Huân (1875-1929), người làng Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh, đỗ Giải nguyên, cùng Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế lập Triêu dương thương điếm ở Vinh; sáng lập Hội Phục Việt (1927), sau đổi là Đảng Tân Việt, tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), quê ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, được Bác tin tưởng giao cho tổ chức thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và trao quân hàm Đại tướng – Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành tướng tài chỉ huy đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, là một trong 10 vị tướng nổi tiếng nhất thế giới.