Trạng thái trên FB cô bạn tôi sáng nay là: “Phụ nữ ngoài ba mươi chỉ mong có một bờ vai đủ vững để tựa lưng vào khi mỏi mệt”. Chúng tôi gặp nhau, quán cà phê vắng khách, du dương bản nhạc Chiều. Tôi trêu, bờ vai vững chắc đang bị lung lay sao bạn?…
Cô bạn nhìn tôi với đôi mắt thâm quầng in hằn bao đêm ngủ không ngon giấc, vất vả, mỏi mệt. Ráng giữ sức khỏe chứ, tớ thấy cậu mỏi mệt quá?!”. “Ừ, ráng chứ, vì mình, vì con mình. Nào có ai thương mình đâu. Sáng nay, chồng mình vừa hỏi: “Em làm gì mà mệt hoài vậy?”…
Bạn kể, những khi mỏi mệt, thực tình chỉ mong chồng hỏi, em uống thuốc gì anh đi mua, em muốn đi khám bác sĩ không anh chở, hoặc đơn giản là thèm ăn gì, anh mua em ăn. Nhưng mà, những điều tưởng như đơn giản ấy chỉ có trong tưởng tượng thôi. Câu thường xuyên của chồng hỏi khi vợ ốm là: “Em làm gì mà mệt hoài vậy?” kèm cái chau mày không thèm giấu diếm.
“Rồi bạn trả lời sao?”
Nào có ai thích mệt hoài. Mà giả dụ như mệt được chồng quan tâm thì giả mệt cũng đáng, mệt mà chồng nhăn nhó cau mày ném cho câu hỏi chẳng biết trả lời sao như vậy thì dám cá chẳng phụ nữ nào muốn mình mệt. Mình nói vậy, tưởng chồng hiểu thấu, ai dè, chồng bảo: “ “Mật độ” những ngày mệt mỏi của em nhiều tới mức báo động rồi đấy. Những phụ nữ khác đâu có suốt ngày ủ rũ mỏi mệt như em”. Đến nước này thì bạn chỉ cười nửa miệng: “Mấy phụ nữ khác họ mệt, họ than với chồng họ chứ than chi với chồng em mà anh biết để so bì?”. Rồi bạn quay mặt vào tường. Đối diện với bức tường trống khi mỏi mệt hóa ra lại dễ chịu hơn với ông chồng không thể thấu hiểu và chia sẻ.
Bạn tôi, ngoài ba mươi, đôi khi vẫn tự nhận mình già hơn cả các chị U40, U50… Bạn nói, về đến nhà là khi mắt mỏi, lưng nhức. Đám con nhỏ tuổi ẩm ương, thấy mẹ là đứa đòi bế đứa đòi cõng. Nhiều khi đi làm về phải “né” con, trốn vào phòng riêng nằm đọc sách nghe nhạc, để tự đám trẻ chơi với nhau và để cái lưng mình khỏi rên rẩm sau một ngày ngồi ở công sở. Cảnh đáng chán ấy vẫn chưa hứa hẹn được tới khi nào “trời lại sáng”. Ai đó nói phụ nữ ngoài 30 là tuổi đẹp nhất, đẹp nhất đâu không thấy, chỉ thấy những rệu rã, chán chường khi mắt mỏi, lưng đau và sẵn sàng cau có đốp chát lại chỉ vì cái chau mày không đúng lúc của chồng.
* * * * *
Một người bạn khác – Na suýt bỏ chồng sau một lần bị kiến cắn. Đó là một con kiến ba khoang, bé xíu mà có khả năng “sát thủ” gây thương tích. Cô vô tình đập chết nó khi nó đang bò gần mắt. Lúc ấy, nếu nghĩ cho khôn ngoan hơn chẳng ai lại làm thế. Nhưng vì sợ con kiến có thể làm phiền tới đôi mắt, cô chỉ nghĩ đơn giản là đập chết nó.
Và sau đó, mỏi mệt, Na đi ngủ, không nghĩ mình sẽ đối diện với những tai họa sắp tới vì một con kiến nhỏ. Đang ngủ mơ màng, người cô nóng ran, tỉnh giấc. Cả một vùng mắt sưng húp và bỏng rát, không thể nhấc lên nổi. Cô phải quờ quạng mò mẫm tìm điện thoại, hoảng hốt bấm điện thoại gọi cho chồng. Na luôn cẩn thận trong những tình huống khẩn cấp, để trước tên chồng chữ A, nên có thể gọi ngay lập tức cho anh, kể cả khi không cần nhìn màn hình. Gần như phải rất cố gắng, Na mới trình bày hết câu chuyện. Đáp lại sự cố gắng ấy là giọng chồng, lõm bõm trong những tiếng 1, 2, 3 dô dô… : “Thế này, anh ở xa hơn 10 cây số không về ngay được đâu. Em xức tí dầu gió là êm thôi”. Mặc Na cố gắng giải thích thêm, đủ mọi sắc thái đau đớn, năn nỉ, giận dỗi…, chồng vẫn bình tĩnh hết sức: “Tóm lại là kiến độc cắn chứ gì? Có con kiến thôi mà cũng chuyện bé mà xé ra to làm gì thế. Em thích thì để anh gọi thằng Linh đến đưa vào bệnh viện, đằng nào thì anh cũng chẳng có mặt ngay được”.
“Thằng Linh” là lái xe của chồng. Nếu quả thực chỉ cần một anh lái xe chở vào viện thì Na có hàng loạt dịch vụ xung quanh mình, cũng chẳng cần phiền hà tới lái xe riêng đang ở xa. Na chủ động tắt máy. Thấy lòng mình như thể bị ai đó xát thẳng nắm muối vào. Na định mặc kệ đợi chồng về nhìn thấy mặt mũi và cơ thể mình, để cho anh một bài học. Nhưng rồi, trong cơn đau không chịu nổi, cô bấm đại số điện thoại trong cuộc gọi nào đó gần nhất. Na không nhớ mình đã nói gì với người bên kia máy, thậm chí cũng không nghe rõ người ấy nói gì vì đầu đau như búa bổ. May rằng đó là một cô bạn học cũ, sáng nay vừa gọi điện rủ đi họp lớp. Dễ đến 5,6 năm rồi không gặp nhau.
Cô bạn ấy đưa Na vào bệnh viện. Sau vài ngày nằm viện, không ai dám nhắc tới tên chồng Na vì chỉ cần lỡ nhắc tới, Na khóc ầm lên như phát rồ. Chồng cô, sau buổi nhậu, về nhà nghe tình hình của vợ, cuống quýt vào bệnh viện, nhìn thấy bác sĩ đang chăm sóc tích cực cho vợ thì biết mình đã sai nhưng Na không cho anh một cơ hội gặp mặt, xin lỗi. Họ ly thân kể từ khi Na từ bệnh viện trở về nhà.
Ngày kia, trên FB, Na nhìn thấy hình ảnh cánh tay gầy rộc của chồng mình đang giơ một cái bát cũ kĩ hứng những dòng mủ cao su. Cùng đó là dòng chữ “Vắng em”. Na gọi điện cho Linh, tài xế riêng của chồng. Tài xế nói, anh đã vào Nam làm cao su với bạn. Trong ấy trái gió trái nước, đang bị cảm nhưng dứt khoát không về. Bởi anh nói, ở gần mà thiếu chị, cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ nghe đến đó, Na thấy mọi tổn thương của mình tan đi hết. Cô nghẹn giọng nói tài xế kêu anh về. Linh lắc đầu: “Chỉ chị mới kêu được anh về thôi. Bỏ qua đi chị, nhỡ có chuyện gì…”.
Mãi sau này, khi vợ chồng đã cơm lành canh ngọt, chồng kể, đó là một “phép thử” mà anh “liều” xem vợ còn thương mình không. May thế, vợ còn thương. Kì thực, anh có chuyến công tác ở miền Nam, ghé qua lô cao su của bạn, chụp tấm hình, và câu chuyện đã diễn ra với… một nửa sự thực. Khi Na kêu anh về thì anh biết mình đã tìm lại được hạnh phúc đã gầy dựng cả chục năm nhưng đôi khi chỉ vì vài phút vô tâm của mình khi vợ đau yếu cũng có thể đánh mất.
* * * *
Hạnh không may mắn như nhiều phụ nữ khác. Với phụ nữ như Hạnh, chỉ cần chân tay đầy đủ đã là may mắn, hạnh phúc. Hạnh bị tàu hỏa kéo lê hơn 10 mét, nát bét phần thân dưới. Ngày Hạnh mở mắt trong bệnh viện, tỉnh lại sau những ngày hôn mê, thấy thân mình cuốn băng trắng toát, chỉ muốn nhắm mắt mà chết được thì tốt biết mấy. Khi ấy, cô cũng kịp nhận ra có một gương mặt thân quen bên mình, đang nhìn với ánh mắt long lanh và khuôn miệng mở rộng rạng rỡ. Đó là Hòa, chồng chưa cưới của cô. “Ơn trời, em đã sống”. Anh chỉ nói thế. Và nước mắt hồn nhiên trào ra khóe mắt Hòa. Hạnh nói, vì nụ cười và những giọt nước mắt hồn nhiên của anh – chồng chưa cưới, đã khiến Hạnh thấy nghị lực hơn, không cho phép mình nghĩ về cái chết.
Ai đó nhìn vào cuộc tình của vợ chồng Hạnh, đều có thể dùng những từ “cổ tích”, “có hậu”… khi nhìn thấy cô gái bị cưa cụt hai chân năm xưa tưởng không thể vượt qua chính mình ở tuổi đương thì, giờ đã là người mẹ, người vợ luôn giữ trên gương mặt mình nụ cười tươi và đôi mắt ấm. Nhưng với Hạnh, là người trong cuộc, Hạnh nói, chẳng có gì là cổ tích cả, chỉ vì Hạnh có anh Hòa luôn ở bên, luôn cười và nắm tay mỗi khi Hạnh yếu lòng.
Hạnh là cô gái tôi tình cờ gặp trong công viên một buổi sáng cuối tuần nọ, khi cô cùng chồng dẫn hai đứa nhỏ song sinh đi dạo. Hai đứa nhỏ đẹp như thiên thần, cùng nhau trò chuyện và vui chơi bên một gốc cây cổ thụ. Bố mẹ chúng, người ngồi xe lăn, người ngồi trên ghế đá, tay nắm tay nhau, mỉm cười.
Nếu có ai đó đang mỏi mệt, bất chợt nhìn hình ảnh đó như tôi đã nhìn, dám cá chắc rằng mọi mỏi mệt trong lòng mình cũng nhẹ nhàng bay đi như mây như gió…