Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 2/1/2012, người con tiêu biểu của đất nước Campuchia – Thủ tướng Hun Sen đã thốt lên: “Trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam! Nhân dân Campuchia có niềm tin chỉ có tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.
Trong “đội quân nhà Phật” ấy, có không ít người là con em quê hương Nghệ An. 40 năm sau chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, chúng tôi đã tìm gặp những cựu binh ấy. Những cựu binh mà họ tự nhận là “may mắn” sống sót trở về đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Cuộc chiến mà đến nay – khi đã có độ lùi nhất định của lịch sử – nhìn lại, họ tự hào đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng PolPot – Khmer Đỏ và thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia.
Ngày 30/4/1977, người dân Việt Nam đón mừng kỷ niệm 2 năm hoàn toàn thống nhất miền Nam, giải phóng đất nước. Những đường phố Hà Nội, Sài Gòn… và khắp các miền quê Việt Nam rợp cờ hoa, những điểm vui chơi, ca hát vang lừng giai điệu chiến thắng. Tất cả đều sung sướng khi được là công dân tự do, sống trong nền hoà bình, độc lập của đất nước. Mọi điều tốt đẹp như không thể tốt đẹp hơn, hạnh phúc như không thể hạnh phúc hơn.
CCB Nguyễn Xuân Vinh (xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc) đã sống giữa bầu không khí của những tháng năm ấy. 19 tuổi, trong ký ức của người cựu binh này, làng quê Nghi Khánh còn rất đỗi nghèo khó, và dấu vết hố bom sâu hoắm của những đợt không quân Mỹ càn quét bấy giờ vẫn còn hiện hữu khắp nơi. Đời sống vất vả, nhưng nhân dân vẫn vui đón ngày lễ trọng của dân tộc với tâm thế phấn khởi vô cùng.
Giữa nhịp sống đang dần đi vào quỹ đạo thanh bình ấy, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Vinh cũng như hàng triệu người dân Việt Nam chẳng thể ngờ rằng, ở một nơi cách Sài Gòn chỉ chưa đầy 100km là diễn biến phức tạp của tình hình biên giới Việt Nam – Campuchia. Ngay trong đêm 30/4/1977, quân chính quy Khmer Đỏ tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lượng lớn dân thường. Đây được xem là cuộc tấn công lớn đầu tiên của tập đoàn PolPot – Ieng Xari, lộ rõ âm mưu khát máu là hoạch định lại biên giới Việt Nam – Campuchia, kích động hận thù dân tộc chống Việt Nam, đồng thời thanh trừng nội bộ và thi hành chính sách diệt chủng tàn bạo, tàn sát mấy triệu dân Campuchia. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra vào ngày 25/9 cùng năm, 4 sư đoàn quân Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh).
Trước hành động xâm lược của địch, các đơn vị vũ trang Việt Nam lập tức chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, sẵn sàng cơ động chiến đấu, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Tháng 11/1977, gác lại nhịp sống bình yên, cùng với hơn 1.000 thanh niên trong độ tuổi ở quê nhà, Nguyễn Xuân Vinh xách balô lên đường nhập ngũ. “Năm đó tôi không nằm trong danh sách gọi nhập ngũ đâu vì nhà có 3 anh em thì 2 người anh trước đã tham gia kháng chiến chống Mỹ rồi. Thế nhưng tôi vẫn xung phong lên đường. Đi chứ, cả xã, cả tỉnh, cả nước sôi sục như thế, biên giới đang cần mình như thế, tại sao lại ở nhà!” – CCB Nguyễn Xuân Vinh nói, mắt vẫn ánh lên những nhiệt huyết thuở đôi mươi.
Cùng với đông đảo tân binh quê Nghi Lộc, Nguyễn Xuân Vinh được biên chế vào Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Đầu năm 1978, tình hình biên giới diễn biến ngày càng phức tạp, thương vong lớn, tân binh bổ sung liên tục. Tháng 3/1978, sau mấy tháng huấn luyện, Nguyễn Xuân Vinh cùng đồng đội được lệnh xuất phát, hành quân đến vị trí tiền phương của quân đoàn tại khu vực Lò Gò – Xa mát (Tân Biên, Tây Ninh). “Cách vị trí đó khoảng 5km thì chúng tôi đã cảm nhận rõ sự khốc liệt của cuộc chiến rồi. Cáng chuyển thương liên tục, tiếng pháo và súng các loại vọng đến… Lính Nghệ An mình có truyền thống cách mạng, gan dạ, dũng cảm, không bao giờ lùi bước. Chúng tôi thuở ấy mới mười tám, đôi mươi, ở nhà chỉ quen tay cầm bút, tay cầm cuốc, lần đầu ra biên giới cũng là lần đầu cầm súng nhưng thích nghi rất nhanh” – CCB Nguyễn Xuân Vinh nhớ lại.
Trong suốt quá trình hành quân, giữ gìn tấc đất biên cương, những người cựu binh năm ấy không thể nào quên được ấn tượng khủng khiếp về tội ác của đội quân Khmer Đỏ. Chúng thi hành chính sách diệt chủng, tàn sát dân lành Campuchia và trắng trợn đưa quân sang giết hại, cướp bóc, đốt phá các làng mạc dọc biên giới Việt Nam. CCB Nguyễn Xuân Vinh rùng mình khi nhớ lại cảnh tượng những “ngôi làng chết”, thây người chất cao, đầu rơi máu chảy, những dòng suối, dòng sông nước chuyển màu đỏ quạch của máu… “Khmer Đỏ không dùng súng bắn dân thường mà chúng dùng cuốc, dùng xẻng để xử tử, không vì lý do gì. Chúng ép những đứa trẻ chỉ mới 13,14 tuổi phải giết người, giết hàng trăm người già trẻ gái trai trong làng, nếu trái lệnh thì số phận những đứa trẻ ấy cũng phải vùi thây”.
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam những năm 1978 – 1979 vào thế giao chiến ác liệt nhất. Ngày 13/12/1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của nước ngoài, Khmer Đỏ đã huy động 10 trong 19 sư đoàn (khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. 3 sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Trà Tiến (Kiên Giang). Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với người Khmer. Một thống kê cho biết, từ năm 1975 cho tới năm 1978, có tới 30.000 người Việt Nam bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới.
Việt Nam đã nỗ lực giải quyết vấn đề biên giới bằng các giải pháp hoà bình. Chúng ta hết sức kiềm chế, tránh bước vào cuộc chiến tranh mà đã nhìn thấy trước là sẽ gây thương vong, mất mát khủng khiếp. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đàm phán từ phía Việt Nam đều bị Polpot cự tuyệt. Trong bối cảnh đó, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước và nhân dân Campuchia đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết giúp đỡ họ chống lại nạn diệt chủng Polpot. Và rồi, chúng ta đã hành động như mọi con người chân chính, mọi dân tộc yêu chuộng công lý và chính nghĩa. Đúng như câu hát: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng…”
Cuối năm 1978, quân đội Việt Nam mở các hướng tấn công chiến lược với sự phối hợp toàn tuyến của các đơn vị Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, lực lượng đổ bộ đường biển và Đoàn 901 không quân… Là một trong những người lính quê Nghệ An có mặt trong lực lượng Quân khu 5 – được giao nhiệm vụ đánh từ Pleiku theo Đường 19 về hướng Tây để tiêu diệt quân Khmer Đỏ ở Đông Bắc Campuchia, CCB Bùi Thanh Khương (xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc) nói rằng, suốt đời ông cũng không thể nào quên sự khốc liệt của cuộc chiến năm ấy. Tiếng bom nổ mù trời, tiếng súng đùng đoàng, máu của quân địch và của những người đồng đội… dường như vẫn còn dội về hàng đêm. Thời kỳ ấy, thương vong nhiều đến nỗi có những tiểu đoàn phải có đến 2 tiểu đoàn phó, 2 chính trị viên… để kịp thời bổ sung các vị trí khuyết thiếu.
Tháng 1/1979, đơn vị của CCB Bùi Thanh Khương là một trong những đơn vị chủ công thọc sâu vào nội địa Campuchia. Hành quân từ Đăk Lăk, vượt sông Sêrêpôk, qua suối Đăk Đam, Bùi Thanh Khương và đồng đội đã đánh trực diện vào tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Ngay trong trận chiến đầu tiên ở tiền phương, Bùi Thanh Khương đã lập nhiều chiến công vang dội và vinh dự được nhận Huân chương chiến công hạng Nhất.
Mondulkiri là tỉnh thuộc cao nguyên Đông Bắc của Campuchia, có vị trí chiến lược trên bản đồ quân sự chiến dịch biên giới Tây Nam. Giải phóng Mondulkiri là bước yểm trợ quan trọng, cùng với các mũi tấn công khác, giúp quân đội Việt Nam chiếm đánh và giải phóng Campuchia khỏi sự khống chế của chế độ diệt chủng PolPot.
Ngày 7/1/1979 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đất nước Campuchia, khi với sự hỗ trợ, hiệp lực chính nghĩa của những người bạn Việt Nam, đất nước đã được giải phóng. Tuy nhiên, một bộ phận tàn quân Khmer Đỏ vẫn chưa bị tiêu diệt, chúng lui về rừng sâu, triển khai đánh phục kích. Những người lính Việt Nam tiếp tục ở lại, đồng hành giúp đỡ chính quyền non trẻ và người dân Campuchia chiến đấu đẩy lùi triệt để tàn quân địch. “Lối đánh phục kích của Khmer Đỏ gây thương vong rất lớn cho quân đội ta. Sau giải phóng, chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch truy quét, song song với đó là các hoạt động dân vận, giúp đỡ nhân dân các làng bản Campuchia khôi phục, xây dựng cuộc sống mới” – CCB Bùi Thanh Khương chia sẻ.
Trong vô vàn những ký ức về chiến tranh biên giới Tây Nam, người cựu binh này nhớ nhiều đến tình cảm mật thiết, trân quý mà người dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam. “Họ gọi chúng tôi là bộ đội nhà Phật” – ông Bùi Thanh Khương nói. Trên đường hành quân, biết bao lần những đồng bào chất phác ở vùng biên đứng chật 2 bên đường, vẫy tay, dúi vội gói đồ ăn nóng hổi cho bộ đội. “Rất nhiều lính tình nguyện Việt Nam đã trở thành con nuôi, em nuôi trong các gia đình Campuchia. Bản thân tôi cũng có bố mẹ nuôi ở tỉnh Battambang. Mãi đến sau này khi trở về quê hương, thi thoảng có người từ Campuchia sang, bố mẹ vẫn gửi thư cho tôi”. Những bức thư tay vượt hàng ngàn km, sự khác biệt về chữ viết khiến mỗi lần có thư, cả hai bên đều phải nhờ người phiên dịch, thế nhưng, chút rào cản ấy chẳng thể ngăn nổi những tình cảm tha thiết, mến thương.
Nhớ về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, người cựu binh ấy không chỉ nhớ nhiều về sự tàn khốc của cuộc chiến, những hy sinh mất mát của đồng đội, mà hơn cả, còn rất đỗi xúc động khi nhắc đến lễ kết nạp Đảng ngay trên chiến trường. “Vào lúc 14h chiều 24/7/1979, tại khu vực biên giới Campuchia – Thái Lan thuộc tỉnh Pursat – nơi đơn vị đang trấn giữ, tôi vinh dự được tổ chức trao quyết định kết nạp Đảng.
Buổi lễ diễn ra trong nhà hầm biên giới, giữa mùa khô Campuchia nắng nóng” – CCB Bùi Thanh Khương nhớ lại. Ông nhiều lần thốt lên như muốn giãi bày cho “tới” cảm xúc của mình lúc bấy giờ: “Vô cùng xúc động. Quá tuyệt vời!”. Điều kiện chiến trường không cho phép hát Quốc ca, buổi lễ vẫn trang trọng với lá cờ đỏ sao vàng gắn trên bức tường hầm tạm và bao trái tim nhiệt huyết hướng về Tổ quốc. Đảng viên trẻ Bùi Thanh Khương đã không kìm được nước mắt trong thời khắc đó, và đến nay, 40 năm đã trôi qua, ông vẫn rưng rưng xúc động khi nhớ về lễ kết nạp Đảng đặc biệt của mình.
Trong suốt quá trình trò chuyện với các cựu binh trở về từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, họ nhiều lần nhắc đến những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi lòng đất, lòng sông, mãi mãi xanh tuổi đôi mươi trên những chiến trường khốc liệt. Họ nhớ về những cái tên, và cả những người lính – người đồng đội chưa kịp biết tên nhau. Họ khóc khi nghĩ về những người anh em chỉ vừa xông pha ngày đầu ở tiền phương; hay những sự hy sinh đau đớn khi đã bước vào cửa ngõ giải phóng Phnom Penh. Xương máu của họ đã hoà quyện cùng núi sông cây cỏ, vì hạnh phúc, bình yên của nhân dân. Nhiều cựu binh bộc bạch rằng, xin hãy nói nhiều hơn, viết nhiều hơn về họ; và những ngày này, xin dâng lên những nén tâm nhang để tri ân một thế hệ cha anh đã ngã xuống giữ lấy từng tấc đất biên cương, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả./.