Những ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi về “thủ phủ” cam Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Nơi đây người dân đã duy trì truyền thống trồng giống cam Xã Đoài nức tiếng đã hàng trăm năm nay. Ông Phan Công Dương – Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, hiện nay toàn xã Nghi Diên có khoảng 33ha cam, chủ yếu trồng giống cam Xã Đoài có giá trị kinh tế cao. “Hiện nay trên địa bàn xã có một số cơ sở trồng cam khá lớn, hiện cây cam đang phát huy hiệu quả tích cực, giúp các hộ gia đình, các trang trại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng dịp cận Tết Nguyên đán. Trong đó nổi bật là các vườn cam của ông Nguyễn Quốc Tuấn, ông Phan Công Hưởng…” – ông Dương cho biết.
Trang trại “Bảo tồn và phát triển giống cam Xã Đoài” thuộc Công ty TNHH xây dựng Thành Phát nằm cách trụ sở UBND xã Nghi Diên không xa. Tại đây, những ngày giữa tháng Chạp âm lịch đang là mùa cao điểm thu hoạch cam phục vụ thị trường Tết. Những cây cam chuẩn giống Xã Đoài đã chín vàng rộm, căng mọng treo lúc lỉu trên cây. Thương lái mua cam và công nhân đang khẩn trương cắt quả, đóng hộp chuẩn bị vận chuyển hàng nghìn quả cam đi tiêu thụ. Anh Lê Văn Thắng – Quản lý trang trại cho biết: “Hiện Công ty có 3ha cam đang cho thu hoạch, tương đương khoảng 3.000 cây. Mỗi cây cho trung bình 120 quả, Công ty bán theo giá thị trường thời điểm hiện tại trung bình 70 ngàn đồng/quả; chủ yếu phục vụ các đơn hàng ở thị trường Hà Nội và xuất khẩu sang Nhật Bản”.
Cũng với giá bán trung bình 70 ngàn đồng/quả, mùa cam năm nay, gia đình ông Phan Công Hưởng có khoảng 400 cây cam đang cho thu hoạch, dự kiến với lượng quả từ 150 – 200 quả/cây, ông thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Hưởng cho hay, hầu hết lượng cam đạt chuẩn, đã chín thời điểm này và đều được người mua đặt hàng trước. Ngoài bán sản phẩm theo quả, có một số khách hàng đặt mua cả cây để chơi Tết.
Ngoài Nghi Lộc, nhiều địa phương khác cũng có nhiều trang trại, nhà vườn trồng cam cho thu nhập cao. Trong đó, huyện Qùy Hợp được mệnh danh là thủ phủ Cam Vinh của Nghệ An. Hàng chục năm qua, đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất trên vùng đất Phủ Qùy này. Vào thời hoàng kim cách đây 3, 4 năm, những cây cam được xem là cây “hái ra tiền” với năng suất cao, giá cao, được thị trường gần xa ưa chuộng, nhiều gia đình trở thành tỷ phú nhờ cam. Chúng tôi gặp ông Phạm Quốc Khánh, xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp (Qùy Hợp), một trong những hộ dân có thâm niên trồng cam lâu nhất tại địa phương. Bên chén trà ấm giữa những ngày đầu của không khí lạnh tràn về xứ Nghệ, ông Khánh trầm ngâm nhớ về những ngày hoàng kim của “cây đổi đời”.
“Gia đình tôi bén duyên với cây cam hàng chục năm trước, lúc đầu diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ, tuy nhiên, nhờ được thị trường ưa chuộng nên cam được trồng ngày càng nhiều. Đỉnh điểm nhất là giai đoạn 2010 trở đi, hầu như cam năm nào cũng được mùa, được giá. Các chuyến xe nườm nượp về đây để chuyên chở cam đi khắp mọi miền đất nước, cam Vinh thời điểm này là đặc sản nức tiếng nhất của Nghệ An trên thị trường…”. Ông Khánh cho biết, gia đình ông có 3 ha cam, được trồng từ năm 2010, đến năm 2013 cho lứa quả đầu tiên và năm 2014 bắt đầu thu hoạch chính. Năng suất cam thời điểm đó đều trên 30 tấn/ha. Không những thế, do được thị trường ưa chuộng nên giá thành cũng lên đến 50.000 – 70.000 đồng/kg. Sau mỗi vụ cam, trừ hết chi phí, cũng giúp gia đình kiếm được tiền tỷ. Không có một cây trồng nào có thể mang lại thu nhập cao như vậy trong khoảng thời gian đó.
Nói rồi, ông Khánh chỉ tay vào căn nhà khang trang của gia đình, ông chia sẻ: “Căn nhà này tôi xây dựng năm 2016 với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng, toàn bộ cơ ngơi này cũng từ cây cam mà ra. Từ nhà cửa, xe cộ, con cái học hành…cả chục năm qua đều nhờ vào những gốc cam Vinh”.
Bà Nguyễn Thị Dung, xã Minh Hợp, một trong những hộ trồng cam lâu năm bồi hồi nhớ lại: Năm 2011, bà trồng 2ha cam, đến năm 2014 bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu cũng là lúc gia đình dần có đồng ra đồng vào. “Ngày đó cứ vào mùa là thương lái khắp nơi đổ về mua, được mùa nên thu hoạch không xuể. Mỗi ha cam cho thu nhập cũng từ 500 – 700 triệu đồng. Với những người nông dân chân lấm tay bùn như chúng tôi, đó là số tiền đáng mơ ước. Nhờ cam mà gia đình vươn lên thoát nghèo, nuôi con cái ăn học, mua sắm tài sản…” – Bà Dung chia sẻ.
Xã Minh Hợp được xem là thủ phủ cam Vinh của huyện Qùy Hợp, giai đoạn cao điểm diện tích lên đến gần 1.700ha, khoảng 60% diện tích cam toàn huyện. Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Hợp, từng là Chủ tịch UBND xã giai đoạn cam Vinh còn vàng son nhớ lại: Toàn xã thời điểm đó có khoảng 4.000ha đất nông nghiệp thì có đến 1.700ha cam với trên 1.200 hộ dân trồng, là cây có diện tích lớn nhất cũng như mang lại thu nhập cao nhất tại địa phương. Mỗi vụ thu hoạch, nhà trồng nhiều cũng kiếm được tiền tỷ, các hộ còn lại cũng có hàng trăm triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm dần, từ trên 10% xuống còn 3,6% cũng từ cây cam.
Ông Lê Viết Minh – Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành cho biết: Ngày ấy cam thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí cam loại 2, loại 3 cũng được thị trường đón nhận. Do đó, bà con đều có thu nhập đáng kể từ cây cam, không ít những chủ vườn thu về tiền tỷ mỗi vụ cam, có thể kể đến các vườn cam nổi tiếng ngày đó như Minh Nghi, Hảo Ngọc, Phạm Tiến, Tấn Thanh, Phùng Huyền… Tại công ty, diện tích cam không ngừng tăng lên hàng ngày, có thời điểm xấp xỉ 1.000ha với trên 800 hộ dân tham gia trồng.
Thống kê của huyện Qùy Hợp cho thấy, vào thời vàng son, diện tích cam tại địa phương ngày càng được mở rộng. Nếu như năm 2011 diện tích cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp chỉ có khoảng hơn 400 ha thì đến giai đoạn 2018 – 2019 đã lên đến gần 2.800ha, chiếm khoảng 50% diện tích cam toàn tỉnh, trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả cao nhất trên địa bàn. Với năng suất từ 25 – 30 tấn/ha, sản lượng cam Qùy Hợp đạt xấp xỉ 70.000 tấn/năm, mang lại doanh thu hàng ngàn tỷ đồng.
Việc phát triển cây cam một cách ồ ạt đã khiến cho niềm vui của nông dân “ngắn chẳng tày gang”. Tại thủ phủ cam Quỳ Hợp, vài năm trở lại đây, mùa cam ngọt đã trở thành mùa cam chua, “mùa đau xót”. Thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hiên ở xã Minh Hợp, vườn cam của gia đình bà Minh khá rộng, song cuối năm 2022 có rất nhiều cây bị chặt bỏ, số còn lại khoảng hơn 100 cây, đa phần còi cọc. Bà Minh cho biết do những cây cam đã hết khả năng cho thu hoạch vì nhiễm bệnh nên bà chặt bỏ. Đầu năm 2023, gia đình bà sẽ chặt phá hết để trồng mía hoặc ngô.
Nói về tình trạng cây cam bị người dân chặt bỏ hàng loạt khiến diện tích loại cây này trên địa bàn huyện Quỳ Hợp giảm mạnh qua từng năm, ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, Quỳ Hợp có 500ha đất đỏ bazan rất tốt cho canh tác nông nghiệp, phân bố ở 6 xã. Vì vậy Quỳ Hợp có lịch sử phát triển cây có múi lâu đời, nhất là cam, quýt. Năm 1997, cam Quỳ Hợp đã được cấp chỉ dẫn địa lý cam Vinh. Thời hoàng kim Quỳ Hợp có khoảng 3.100ha cam. Nhưng đến nay Quỳ Hợp chỉ còn 925ha cây có múi, cam chỉ còn 228ha.
Cũng chung tình trạng như ở Quỳ Hợp, huyện Con Cuông những năm 2018 trở về trước là “thủ phủ” trồng cam với diện tích trên 500ha. Nhiều hộ gia đình đã khấm khá nhờ nguồn thu nhập từ cây cam. Song vài năm nay, nhiều hộ trồng cam ở Con Cuông đã dần phá bỏ vườn cam để chuyển sang trồng cây khác vì thu nhập từ loại cây này ngày một giảm. Bình thường vào các năm, dịp áp Tết Nguyên đán, cam Con Cuông nức tiếng được người dân và thương lái tiêu thụ mạnh, các vườn cam ở Yên Khê lúc lỉu quả ngọt. Thế nhưng hiện nay nhiều vườn cam nơi đây đã rơi vào cảnh đìu hiu, trầm lắng. Theo cán bộ xã Yên Khê, khoảng 3 năm lại nay nhiều chủ vườn đã gần như bỏ hoang vì không đem lại hiệu quả. Nhiều hộ khác thì bắt đầu chặt bỏ cây cam đã chăm sóc 2-3 năm, hoặc vườn cam 7-8 năm cũng bị chặt bỏ do cây bị thoái hoá, sâu bệnh. Ở Yên Khê, Con Cuông, hiện đã có hàng chục vườn cam đang bị “bỏ rơi”, hộ ít thì dăm chục gốc, hộ nhiều thì vài trăm gốc, chịu thua lỗ khi đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ mới thu về vài chục triệu, thậm chí chưa có thu hoạch. Ông Lê Trung Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết, tính đến tháng 12/2022 , Yên Khê hiện có 396 hộ trồng cam, với diện tích 273,24 ha. “Song con số này đang biến động do hiện nay nhiều hộ trồng cam vẫn đang phá bỏ vườn, chặt cây để chuyển sang trồng loại cây khác” – ông Lợi cho biết.
Ông Lô Văn Lý – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Con Cuông cho biết, năm 2021 Con Cuông có 440,78 ha cam; ước thực hiện năm 2022 là 451,03 ha. Song đến thời điểm cuối tháng 11/2022 huyện chưa thống kê được chính xác vì có nhiều hộ dân vẫn đang tiếp tục chặt bỏ cây cam, hoặc không tiếp tục đầu tư, chăm sóc.
Trong những năm gần đây, diện tích trồng mới cam ở Nghệ An giảm và đặc biệt là diện tích cam ở thời kỳ kinh doanh giảm nhiều do suy thoái. Theo kết quả điều tra khảo sát của Chi cục Trồng trọt và BVTV và báo cáo của UBND các huyện, đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có 5.464 ha cam (giảm 692 ha so với năm 2018), trong đó cam kinh doanh trên 3.230 ha. Đến đầu năm 2021, tổng diện tích giảm còn 4.702 ha (kiến thiết cơ bản là 1.251,4 ha, kinh doanh là 3.450,6 ha. Diện tích cam phải chặt bỏ từ cuối 2020 – 2021 là 614,8 ha.
Kết quả đánh giá về tình trạng phát triển trên các vườn cam của các huyện của Chi cục Trồng trọt và BVTV cho thấy: Đối với cam thời kỳ kiến thiết cơ bản, có 60% diện tích phát triển tốt; 24,1 % diện tích phát triển trung bình; 6,2 % phát triển kém (có nguy cơ phá bỏ trước khi vào kinh doanh). Đối với cam kinh doanh thì chỉ có 52,7% diện tích phát triển tốt; 31% diện tích phát triển trung bình; 15,8% cam kinh doanh phát triển có nguy cơ bị chặt bỏ trong 1 – 2 năm tới. Một điều đáng báo động nữa, theo kết quả khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy: Hơn 80% diện tích cam kinh doanh và hơn 50% diện tích cam đang thời kỳ kiến thiết tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông,… cũng có biểu hiện suy thoái, chất lượng cam quả suy giảm, trong đó nhiều diện tích có nguy cơ bị chặt bỏ trong ngắn hạn…