Đã hơn 20 năm rồi, đôi tai bà Vương Thị Lý (thôn 3, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) không còn nghe rõ nữa. Nhưng có lẽ “trời thương” nên đã bước sang tuổi 91 bà vẫn nhanh nhẹn, mạnh khỏe. Người phụ nữ ấy hiện giờ cũng chấp nhận một cuộc sống bình lặng ở một miền quê nghèo, ít khi thấy bà khóc dù cuộc sống của bà muôn phần cơ cực. Hoặc, cũng có thể, nước mắt bà đã khô cạn khi đã trải qua rất nhiều oái oăm của số phận…
Thời gian và những khổ cực cũng không thể xóa đi được hình ảnh của một người phụ nữ từng được cho là đẹp nhất làng. Thế nhưng, như dân gian thường nói “hồng nhan bạc phận”. Hơn 20 tuổi, bà Lý đã là góa phụ khi người chồng đầu tiên nhập ngũ và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Người chồng thứ hai của bà là ông Trần Đình Trọng (sinh năm 1927) cũng từng tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó phục viên về địa phương. Năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt nhất, ông lại xung phong đi dân công hỏa tiến ở Quảng Trị tại Đoàn 559 và nhiễm chất độc da cam – thứ “sát thủ vô hình” mà quân đội Mỹ đã rải xuống rất nhiều những cánh rừng thuộc các vùng Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Di chứng cũng đến rất nhanh, bởi chỉ sau khi ông về địa phương chưa lâu, năm 1970 vợ ông sinh đôi hai con gái Trần Thị Liên, Trần Thị Minh thì cả hai đều bị tật nguyền bẩm sinh, chân co quắp không đi lại được. Năm 1974, ông bà sinh thêm một đứa con nữa là chị Trần Thị Thủy. Và, như một định mệnh, hoàn cảnh của đứa con út cũng không khá khẩm hơn bởi Thủy nhanh nhẹn, thông minh nhưng từ khi sinh ra đến khi lớn lên ốm đau liên miên, một chân nhỏ, một chân to, đi đứng không được như người bình thường…
Với 6 đứa con, trong đó có đến 4 người con tật nguyền, gần như không tự phục vụ được, ăn, ngồi tại chỗ nên gần 50 năm qua, bà Lý và ông Trọng chưa một ngày bình yên. Năm 1996, sau một cơn đau đột ngột, ông Trọng qua đời, gánh nặng lại đè lên vai của bà Lý, dù khi đó bà đã xấp xỉ 70 tuổi.
Sống trọn gần 1 thế kỷ, vì hoàn cảnh éo le nên bà Lý cũng ít khi có một ngày vui trọn vẹn. Hơn 20 năm qua, mỗi ngày bà chứng kiến con mình lớn lên cũng là từng ấy ngày bà bùi ngùi, thương con đến đứt ruột. Ở tuổi gần 50, các con của bà Lý giờ dường như cũng chấp nhận số phận nên bây giờ nói đến duyên số, không ai còn phải ngần ngại trốn tránh như trước nữa. Nhưng, trong tâm khảm, họ biết với một cơ thể không lành lặn thì dù trí tuệ có bình thường chắc không ai dám lấy họ làm vợ và họ cũng không muốn mình trở thành gánh nặng cho một ai cả. Ngay cả chị Trần Thị Thủy, người con gái cuối cùng của ông bà xinh đẹp, nết na, nhẹ nhàng, khéo léo và giờ đang làm cô giáo mầm non cho trường mầm non của xã cũng đã từ chối nhiều lời đề nghị để ở cùng với mẹ và 3 chị gái của mình.
Niềm vui của 5 người nhà bà Vương Thị Lý hiện nay đó là quầy hàng nhỏ bán tạp hóa ở trong làng, ngày ngày mấy mẹ con nương tựa lẫn nhau. Người không làm được thì ngồi tại chỗ làm những việc lặt vặt như nấu ăn, giặt giũ. Bà Lý, chị Thủy còn có thể nhúc nhắc thì đi phơi đồ, quét nhà, đi ra đi vào để giao hàng cho khách… Nhiều năm qua, dẫu phải sống trong cảnh cơ cực nhưng mẹ con bà Lý cũng chưa bao giờ oán trách số phận hay đổ lỗi cho chiến tranh. Và nỗi buồn, chỉ biết để trong lòng…
Nằm trên đường Đặng Tất, TP. Vinh, ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Khánh Nhã là nơi gặp gỡ của những người đồng đội thuộc Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn pháo binh 84, Sư 325. Trong số này cũng có những người đã từng tham gia vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và nhiều năm chiến đấu ở dọc các tuyến đường Trường Sơn, đoạn qua khu vực miền Trung Việt Nam… Họ đến đây để nhắc lại về những ký ức đã qua và để chia sẻ với nhau về nỗi đau khi có người thân bị nhiễm chất độc da cam.
Là Trưởng ban liên lạc pháo binh và là Phó Chủ tịch Ban liên lạc cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị, nhưng ông Nguyễn Khánh Nhã cũng có nỗi đau riêng khi người con cuối cùng của ông – Nguyễn Khánh Tùng bị nhiễm chất độc da cam với di chứng nặng. Gần 40 năm nay, cuộc sống của Tùng quẩn quanh ở một góc nhỏ trong căn bếp chật chội của gia đình. Hàng ngày, nếu không bận bịu công việc, vợ chồng ông Nhã sẽ thay nhau đưa Tùng ra hóng gió ở trước hiên nhà hoặc đi quẩn quanh trong xóm. Còn lại, Tùng ở sau bếp và chân sẽ bị xích lại để khỏi phá phách đồ đạc, bỏ đi lung tung. Cẩn thận là vậy nhưng cũng đã ít nhất hai lần gia đình ông Nhã đã phải lên truyền hình để thông báo tìm người đi lạc…
Ông Nhã chia sẻ rằng, các con ông sau đó lần lượt ra đời nhưng không ai được trọn vẹn, người nào cũng mang khiếm khuyết về cơ thể, trong đó nặng nhất là Tùng. Đến đời thứ 3 của ông, đứa cháu nội nay lên lớp 3 nhưng trí tuệ cũng không nhanh nhẹn như các bạn cùng trang lứa, nói không tròn vành rõ chữ… Vì sức khỏe không được như người bình thường nên con cái ông cũng không được học cao và chỉ có một công việc tạm ổn để đủ sống qua ngày. Trong những người con của ông cũng chỉ có duy nhất Tùng là được hưởng chế độ chất độc da cam. Còn lại vì nhiều lý do, trong đó cả lý do “tôi không muốn tương lai các cháu bị ảnh hưởng vì mang cái tội chất độc da cam nên không làm chế độ cho con”. Cuộc sống vì thế của ông bà và các con cũng vất vả hơn rất nhiều.
Ở xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, có gia đình ông bà Thái Doãn Hòa – Trần Thị Thiện từng được người dân trong xã gọi là “gia đình khổ nhất làng”… Mà không khổ sao được, khi đang độ tuổi sung sức nhất, khi mà hai vợ chồng đã có thể bình yên trở về sau cuộc chiến thì cả 3 lần sinh con cả 3 lần các con đều qua đời, có đứa đã sống đến 7, 8 tuổi. Kể lại nỗi đau này, bà Trần Thị Thiện cho biết: Mỗi một lần môt đứa con mất đi tôi như hóa dại, không sống nổi!.
Những năm chiến tranh, cả ông Hòa và bà Thiện đều đi tham gia chiến đấu. Trong khi ông Hòa hoạt động ở Quảng Nam, Đà Nẵng thì bà Thiện lại tham gia dân công hỏa tiến ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1971 – 1973. Cuối năm 1973, sau khi đạt được thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông Hòa được gia đình cho về quê lập gia đình để chuẩn bị vào chiến trường B tham gia chiến dịch mới… Vì cả hai cũng tham gia ở những chiến trường ác liệt nên cho đến thời điểm này cả ông Hòa và bà Thiện đều không biết di chứng chất độc da cam cho các con là đến từ ai.
Hoàn cảnh éo le nhưng với vai trò của mình, ông Nguyễn Khánh Nhã đã liên lạc, kết nối với các đồng đội để tìm hiểu hoàn cảnh của anh chị em. Nhiều lần ông cũng xót xa bởi so với bản thân có những người khổ hơn, vất vả hơn, nhiều người 3, 4 con sinh ra đều mang di chứng. Ban liên lạc của ông trong những năm qua cũng đã kết nối với nhiều tổ chức, cá nhân và cả những người đồng đội cũ để có thể kêu gọi hỗ trợ, tìm kiếm việc làm cho con em những người không may mắn. Nói về điều này, ông cho biết: Hiện nay dù hoàn cảnh của tôi và nhiều đồng đội rất éo le nhưng chúng tôi vẫn phải sống và cố gắng để khắc phục hiện tại. Tinh thần người lính đã rèn giũa để cho chúng tôi nghị lực vượt lên hoàn cảnh.
Với hoàn cảnh của ông bà Thái Doãn Hòa – Trần Thị Thiện, thì trong thời điểm khó khăn nhất, hai ông bà không tin vào thứ chất độc diệt cỏ mang tên da cam đó có thể làm 3 người con của ông bà bị mất. Vì thế, sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện gia đình đã bỏ lại toàn bộ nhà cửa và đất đai ở gần với chợ Hạnh Lâm để vào khai hoang, sản xuất kinh tế tại vùng đất hoang vu vốn trước đây không ai sử dụng ở xã Hạnh Lâm. Sau khi chuyển nhà, hai vợ chồng sinh thêm 3 người con nữa nhưng chỉ được 2 là khỏe mạnh.
Hơn 20 năm qua, bằng bản lĩnh và phẩm chất của “Người lính Cụ Hồ”, từ một vùng đất còn lau sậy, ông Hòa và bà Thiện đã biến nơi đây thành mảnh đất trù phù với những đồi chè xanh mướt. Ông bà còn nhận rừng để trồng cây nguyên liệu giấy, phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản và trồng cây ăn trái. Từ mô hình của mình, ông bà không chỉ đem về thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm cho nhiều con em trong làng.
Hiện nay, ông Hòa là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Hạnh Lâm và hàng năm ông cùng chính quyền địa phương đã vận động, xin hỗ trợ làm nhà cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ vay vốn sản xuất… Niềm vui của ông Hòa còn là cuộc sống bình yên khi bên cạnh luôn có người vợ đồng hành, có hai con trai gái sau này khỏe mạnh và có cuộc sống ổn định. Với ông, dẫu có khó khăn nhưng bằng chính nghị lực của mình thì mọi gian nan thử thách đều sẽ vượt qua và người lính Cụ Hồ dẫu có bị khiếm khuyết về cơ thể họ vẫn có thể vươn lên làm giàu chính đáng.