Biến rác thải thành thẻ BHYT, con giống... để hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn là những việc làm thiết thực đã và đang được các cấp Hội LHPN huyện Hưng Nguyên triển khai, nhân rộng. Từ đó, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa thể hiện tinh thần tương thân tương ái “không để chị em nào ở lại phía sau”...
Nghĩa tình những tấm thẻ BHYT
Cầm tấm thẻ BHYT được các chị ở Hội LHPN xã Hưng Lợi đến nhà trao tận tay, chị Ngô Thị Vinh ở xóm 5, xã Hưng Lợi không giấu nổi sự xúc động.
Trò chuyện với chúng tôi người phụ nữ có dáng người nhỏ bé, gầy gò chia sẻ: “Con trai tôi năm nay 31 tuổi, bị suy thận đã nhiều năm, đi viện như cơm bữa nhưng bệnh tình không tiến triển mà ngày càng nặng. Vì thế mặc dù sức khỏe yếu nhưng tôi vẫn quyết định hiến thận của mình để cứu con.
Sau khi cho con một quả thận, mỗi tháng tôi phải ra Hà Nội một lần để theo dõi sức khỏe. Khó khăn chồng chất khó khăn vì nguồn thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào làm ruộng, chăn nuôi đàn gà, lứa lợn. May mắn là tôi luôn được bà con láng giềng nhất là các chị hội viên hội phụ nữ các cấp quan tâm, động viên.
Tôi cũng là trường hợp đã hai lần được chi hội tặng thẻ BHYT, đúng là “trong cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”, tôi thật sự rất xúc động trước nghĩa tình của các chị em…”.
Chị Đậu Thị Tuất – Chi hội trưởng phụ nữ xóm 5, xã Hưng Lợi cho biết: Thẻ BHYT tặng cho chị Vinh được trích từ nguồn kinh phí do chị em trong xóm thu gom bán rác thải, phế liệu mà có.
Theo đó, hằng quý, rác thải được phân thành nhiều loại, có loại xử lý ngay tại chỗ, còn đồ nhựa, lon bia, bìa các tông thì giữ lại đem bán lấy kinh phí mua thẻ bảo hiểm giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn hay đau ốm nhưng chưa có điều kiện mua thẻ BHYT.
Đối với những trường hợp bệnh nặng, chi hội còn quyên góp ủng hộ thêm bằng hiện vật như trường hợp chị Trần Thị H. bị ung thư cổ tử cung được ủng hộ 6,8 triệu đồng, chị Hồ Thị V. bị u não được ủng hộ trên 10 triệu đồng…
Dù là xóm vạn chài, đời sống người dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần yêu thương “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” từ lâu đã thấm sâu trong nếp nghĩ và hành động của chị em và bà con nhân dân.
Nói về phong trào biến rác thải thành thẻ BHYT, chị Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Lợi cho hay: “Toàn xã có khoảng 700 hội viên phụ nữ ở 6 xóm (trước khi chưa sáp nhập là 9 xóm). Phong trào đã được triển khai được 4 năm và được chị em trong xã hưởng ứng nhiệt tình.
Trước đây, hằng quý, rác thải, phế liệu (lon bia, đồ nhựa…) được thu gom tập trung về Hội LHPN xã để đem bán lấy kinh phí mua BHYT nhưng hiện giờ đã giao cho các chi hội tự thu gom.
Đến nay, các cấp hội đã trao được gần 20 thẻ BHYT cho các chị hoàn cảnh khó khăn, trong đó riêng năm đầu tiên triển khai trao được 8 thẻ, có những trường hợp đã được trao hai lần như chị Đậu Thị Chín – xóm 3 là mẹ đơn thân bị tai biến nằm một chỗ đã 15 năm hay chị Hồ Thị Toan xóm 4 – mẹ 3 con, trong đó cô con gái học lớp 6 bị bệnh xương thủy tinh đã nhiều năm, chồng cũng mới bị tai nạn khá nặng để lại di chứng, bản thân chị Toan không có công ăn việc làm ổn định… nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hồ Thị Toan cho hay, do con gái bị bệnh xương thủy tinh được phát hiện từ năm 3 tuổi nên chị ko đi làm mà phải ở nhà để trông chừng và chở các con đi học hằng ngày.
Năm ngoái, khi chồng chị (làm nghề tự do) không may bị tai nạn không đi lại được, hoàn cảnh quá khó khăn nên chị có ý định cho cô con gái bệnh tật của mình nghỉ học mặc dù cháu học rất giỏi.
Nghe thông tin trên, Hội LHPN xã, xóm đã đến động viên chị Toan cho cháu tiếp tục đi học và nhận hỗ trợ chi phí học tập, sách vở, quần áo cho cháu đến trường.
Không chỉ vậy, chị Toan còn 2 lần được trao thẻ BHYT để khám chữa bệnh “nghĩa cử và tinh thần tương thân, tương ái của các chị em đã giúp tôi và gia đình có thêm động lực để vượt lên hoàn cảnh. Bình thường thì không sao nhưng khi đau yếu mới thấy tấm thẻ BHYT có giá trị như thế nào với người có hoàn cảnh khó khăn”, chị Toan cho hay.
Biến rác thành con giống
Cũng từ phong trào thu gom rác thải, ở Hưng Nguyên, nhiều hội phụ nữ cấp xã đã trao nhiều đợt con giống cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, điển hình như Hội LHPN xã Hưng Yên Bắc.
Là một trong những trường hợp đầu tiên được trao tặng con giống, chị Đinh Thị Thường ở xóm 2, xã Hưng Đạo chia sẻ: “Dù giá trị vật chất không lớn (chỉ là 30 con gà giống) nhưng giá trị tinh thần vô cùng to lớn, là nguồn động viên giúp mẹ con tôi xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống”.
Được biết, chị Thường là mẹ đơn thân, mưu sinh bằng nghề thu gom phế liệu, làm ruộng, năm vừa rồi đi làm thuê còn không may bị máy cắt gạch cắt đứt mấy ngón chân để lại thương tật nặng nề, hoàn cảnh hết sức khó khăn nên chị thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội LHPN xã, xóm.
Hay trường hợp của chị Nguyễn Thị Liễu xóm 3, cũng là mẹ đơn thân, con gái đã đi lấy chồng nên chị ở một mình, sức khỏe không tốt nên không thể làm việc nặng, chỉ quanh quẩn ruộng vườn. Sau khi được tặng đàn gà giống nhờ chăm sóc, tái đàn tốt nên sau xuất chuồng, chị đã mua sắm được bếp ga, mua đài và các vật dụng khác phục vụ cuộc sống…
Chị Nguyễn Thị Xoan – Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Yên Bắc cho hay: “Hằng ngày, rác thải nhựa, phế liệu được thu gom, phân loại ngay tại gia đình, hằng tháng, hằng quý, sau khi nghe thông báo trên loa phát thanh, chị em hội viên sẽ nộp lại cho hội phụ nữ xóm bán lấy tiền mua con giống tặng hội viên nghèo. Xã có 11 chi hội, bình quân mỗi năm mỗi chi hội tặng con giống cho 2 hội viên hoàn cảnh khó khăn do các cấp hội xét chọn, động viên chị em vươn lên thoát nghèo. Phong trào này còn góp phần thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, hình thành ý thức phân loại rác thải tại nguồn của chị em nói chung, người dân nói riêng”.
Tại xã Hưng Đạo, phong trào “biến rác thải thành con giống” cũng được Hội LHPN xã triển khai sâu rộng và thu được nhiều hiệu quả thiết thực.
Theo đó, hằng tháng, hội viên gom rác tái chế đến nhà văn hóa xóm. Ban cán sự xóm có trách nhiệm thu nhận và vận chuyển đến cơ sở thu mua phế liệu. Từ cuối năm 2017 đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được 580 con giống tặng cho 29 chị có hoàn cảnh khó khăn ở 15 chi hội.
Thấy được hiệu quả thiết thực của mô hình này, chị em và nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ, nhiều mẹ trên 80 tuổi vẫn hăng hái tham gia thu gom từng vỏ lon bia, tấm giấy vụn để ủng hộ phong trào.
Nguồn kinh phí từ phong trào thu gom rác thải, phế liệu và “ống tiền tiết kiệm”, ngoài việc tặng con giống còn được dùng để giải quyết cho 200 chị có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn phối hợp cán bộ thú y xã đến trực tiếp hướng dẫn cho hội viên quy trình chăn nuôi và cách thức phòng bệnh cho vật nuôi; khuyến khích các hội viên đầu tư mua thêm con giống và xây dựng nguồn quỹ quay vòng để hỗ trợ các hội viên khác cùng phát triển chăn nuôi.
Nhiều hội viên được nhận con giống đã được tiếp thêm động lực để phát triển kinh tế, ra khỏi danh sách hộ nghèo như chị Nguyễn Thị Lộc, chị Trần Thị Hiền ở xã Hưng Lợi…
Biến rác thành đường hoa
Không chỉ biến rác thải thành con giống, thẻ BHYT, hưởng ứng chủ trương “Xây dựng xã nông thôn mới Hưng Tân thành miền quê đáng sống”, Hội LHPN xã Hưng Tân còn phát động phong trào “biến rác thải thành đường hoa”. Theo đó, nguồn kinh phí có được từ việc thu gom, phân loại rác thải đem bán được sử dụng để hỗ trợ, chung sức với các xóm hình thành đường hoa, thảm hoa.
Chị Võ Thị Trà – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Tân cho biết: “Phong trào biến rác thải thành đường hoa không chỉ được chị em đồng tình ủng hộ, mà còn thu hút sự tham gia tích cực của người dân địa phương. Từ đường to đến lối nhỏ tùy theo diện tích, tùy theo mùa mà gieo trồng, chăm sóc các loại hoa hồng, chiều tím, mười giờ, hoa pháo… Nổi bật là con đường hoa dài 2,5km ở xóm 2 hay còn gọi là làng Trung Thượng, trở thành niềm tự hào của người dân trong xóm”.
Chỉ tay vào những thảm hoa trải dài trước mặt, bà Hồ Thị Vinh – người dân xóm 2 chia sẻ: “Cứ vào sáng sớm và chiều muộn là chị em ở các hộ sát hai bên mặt đường rủ nhau chăm sóc, cắt tỉa, vun xới, tưới nước cho hoa một cách tự nguyện, tự giác. Vào những ngày cuối tuần thì số lượng người tham gia đông hơn, không khí vui vẻ, đoàn kết, phấn chấn lắm.
Hoa làm đẹp xóm, đẹp làng nên bà con từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng có ý thức chung tay chăm sóc, bảo vệ, không có hiện tượng bị nhổ trộm, hái trộm hay bị gia súc, gia cầm phá hoại.
Phong trào thu gom, phân loại rác thải đem bán để lấy kinh phí mua hạt giống, mua cây giống và vật dụng để trồng hoa của chị em phụ nữ đã trở thành phong trào chung lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng rồi”.
Nói về phong trào biến rác thải thành thẻ BHYT, đường hoa, con giống…, chị Nguyễn Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Nguyên vui vẻ cho biết: “Trong điều kiện nguồn kinh phí hoạt động khó khăn, mỗi năm ở cấp xã chỉ được cấp khoảng 5 triệu đồng cho các hoạt động chung thì phong trào thu gom rác thải, phế liệu bán để lấy nguồn kinh phí sử dụng mua thẻ BHYT, tặng con giống cho hội viên nghèo hay kiến tạo đường hoa làm đẹp đường làng, ngõ xóm là cách làm hay, sáng tạo của các cấp hội cơ sở, có tính nhân văn sâu sắc, tác động, lan tỏa mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều chị là hội viên nghèo vừa được tặng thẻ BHYT, vừa được tặng con giống… đã lấy đó làm động lực vượt qua được khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Phong trào này không chỉ lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái kết nối, gắn bó giữa các hội viên phụ nữ theo phương châm “không để chị em nào bị bỏ lại phía sau” mà còn góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia bảo vệ môi trường sống bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới”.